05/03/2018 09:53 GMT+7

Tìm đối sách trước cuộc chiến thương mại

BÙI NGỌC SƠN  (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới) - NGỌC AN ghi
BÙI NGỌC SƠN (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới) - NGỌC AN ghi

TTO - Nguy cơ chiến tranh thương mại dần hiện rõ khi Tổng thống Donand Trump, trước phản ứng của châu Âu tuyên bố đánh thuế trả đũa việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm nhập khẩu, đã tiếp tục dọa đánh thuế ôtô châu Âu xuất khẩu sang Mỹ.

Tìm đối sách trước cuộc chiến thương mại - Ảnh 1.

Những động thái trên, dù dừng ở lời qua tiếng lại hay thành hiện thực đều tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, làm thay đổi dòng chảy hàng hóa thương mại thế giới vốn nhiều năm qua đã được vận hành theo những luật lệ, thỏa thuận.

Là nước có độ mở kinh tế cao với tổng kim ngạch thương mại năm 2017 gấp hơn 1,8 lần GDP, khi vượt qua con số 400 tỉ USD, những thay đổi trên chắc chắn tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Sự thay đổi này không chỉ dừng ở quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, mà cả với các nước khác.

Đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp và nhà quản lý. Nhưng trong thách thức luôn có cơ hội, dù có thể thách thức nhiều hơn cơ hội.

Vì vậy ngay lúc này, không chỉ doanh nghiệp ngành thép hay nhôm, mà tất cả doanh nghiệp xuất khẩu đều phải theo dõi các diễn biến của thị trường, những biện pháp trả đũa của các nước liên quan để ứng phó kịp thời. Ứng phó ở đây là cả về thách thức lẫn cơ hội.

Về thách thức, Việt Nam xác định Mỹ là thị trường lớn, quan trọng. Nếu cân đo giữa bỏ công sức tìm thị trường mới với đàm phán, tạo cân bằng thương mại với Mỹ, có lẽ vẫn nên chọn Mỹ. Việt Nam cần có chiến lược dung hòa bởi nếu sử dụng ngay biện pháp trả đũa thương mại, nguy cơ trừng phạt thương mại qua lại có thể lớn hơn.

Để hóa giải các thách thức, Việt Nam có thể từng bước thiết lập cân bằng thương mại với Mỹ thông qua việc dành một số điều khoản mời các công ty Mỹ tham gia dự án ở Việt Nam hoặc nhập khẩu các trang thiết bị, máy móc từ Mỹ. 

Đổi lại, Việt Nam sẽ đàm phán để gia tăng các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh vào thị trường này, đặc biệt là nông sản. Còn về dài hạn, cần phải tiến tới việc ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ khi nước này đã có những bước thăm dò và chủ trương thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại.

Về cơ hội, hãy xem manh nha của cuộc chiến thương mại là bước nhắc nhở để chúng ta nhanh chân hơn trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt khai thác tối đa các hiệp định thương mại với các nước mà Việt Nam đã ký kết. 

Mặt khác, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, các nước liên quan đánh thuế trả đũa lẫn nhau, các mặt hàng bị đánh thuế sẽ được mở rộng ra, không chỉ dừng ở thép, nhôm hay ôtô mà ra nhiều lĩnh vực khác. 

Như châu Âu đã tuyên bố sẽ trả đũa với các sản phẩm của Mỹ xuất sang nơi này như môtô, quần jean, rượu. Hay có khả năng Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế đậu tương của Mỹ xuất sang nước này… 

Có thể trong những nhiễu nhương ấy vẫn có những cơ hội để doanh nghiệp tìm được thị trường mới, khi hàng hóa của các nước trả đũa lẫn nhau bị hạn chế nhập khẩu hoặc mất ưu thế cạnh tranh do bị áp thuế.

Chỉ có chủ động, tìm kiếm đối sách hợp lý mới sớm hóa giải thách thức và tìm kiếm được cơ hội thì chúng ta mới không bị thua, ít bị thiệt trước cuộc chiến thương mại thế giới.

Không để sản xuất chuyển hướng đi... buôn Phải thay đổi cung cách quản lý cũ Những con số tăng trưởng cần chạm vào sự thật
BÙI NGỌC SƠN (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới) - NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên