18/04/2019 18:29 GMT+7

Tìm cơ chế thoáng cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn ngân hàng

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Doanh nghiệp nhỏ và vừa băn khoăn khi phải mang tài sản ra để thế chấp vay vốn và kiến nghị ngân hàng nâng tỉ lệ cho vay tín chấp lên nhiều hơn. Trong khi ngân hàng e dè vì nhiều lý do.

Tìm cơ chế thoáng cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn ngân hàng - Ảnh 1.

Giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của TP.HCM do UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18-4, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN đang sửa quy định theo hướng tăng quyền chủ động cho ngân hàng để có cơ chế thoáng hơn trong việc cho vay tín chấp.

Kiến nghị tăng cho vay tín chấp 

Ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho hay tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông nhận thấy doanh nghiệp rất e dè khi phải mang tài sản - cũng là tương lai gia đình, ra thế chấp cho ngân hàng để vay vốn làm ăn. 

"Ngân hàng nên nâng tỉ lệ cho vay tín chấp, đánh giá doanh nghiệp dựa trên dòng tiền, thương hiệu, thị trường, uy tín qua mỗi ngành nghề. Có những doanh nghiệp được ví như con sếu đầu đàn của ngành thì không nên bắt họ khoản vay nào cũng phải thế chấp", ông Trần Việt Anh đề nghị. 

Ông Từ Minh Thiện, phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nêu một khó khăn khác: dù đã có những chính sách khuyến khích nhưng việc tiếp cận vốn còn nhiều hạn chế như thời gian để hoàn tất thủ tục tương đối dài. Chưa kể, họ cũng không có nhiều kinh nghiệm trong soạn thảo hồ sơ vay, phải thông qua dịch vụ cũng tạo tâm lý ngán ngại.

"Chính sách hỗ trợ phát triển có thể chưa phù hợp hoặc chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp. Chẳng hạn chính sách ưu đãi lãi suất chỉ áp dụng với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao và có quy mô lớn, trong khi tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dừng lại ở đầu tư từng phần, nhỏ lẻ", ông Thiện nói.

Ông Thiện cũng nêu ra thực tế các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện vì quy mô lao động chỉ vài người, sản xuất nhỏ, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân. Với những doanh nghiệp này, họ không thể là khách hàng hoặc đối tác thực sự của ngân hàng để vay theo chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Một rào cản nữa là dù có các quỹ bảo lãnh, nhưng để cho vay vốn ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Hay như doanh nghiệp vay vốn nhưng làm ăn thua lỗ do yếu tố khách quan, quỹ bảo lãnh phải trả nợ thay cho doanh nghiệp nhưng pháp luật lại quy trách nhiệm cho những người làm nghiệp vụ bảo lãnh, cho vay trong khi lĩnh vực nông nghiệp rất dễ xảy ra rủi ro. "Cần có chính sách để tháo gỡ các vướng mắc này", ông Thiện kiến nghị.

Ngân hàng – doanh nghiệp không còn là quan hệ xin - cho

Về các ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế nêu ra thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn do năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đối ứng. Ngoài ra, phương án sản xuất kinh doanh còn thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp, tài chính thiếu minh bạch, lại thiếu tài sản đảm bảo.

Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, hoạt động mang tính tự phát, sức chịu đựng rủi ro thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Các yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định hiện nay quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp không còn là quan hệ xin - cho như trước mà là quan hệ bình đẳng. 

Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn để cho vay. Giữa ngân hàng và doanh nghiệp thực tế là quan hệ cộng sinh. 

Nguồn thu của các ngân hàng cũng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, giữa các ngân hàng cũng cạnh tranh rất quyết liệt, nhất là hiện nay các ngân hàng đều đi theo hướng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ để phân tán rủi ro thay vì tập trung vào cho vay các dự án lớn như trước.

Tuy nhiên, theo ông Tú, do là quan hệ cộng sinh, nên doanh nghiệp cũng nên bình đẳng với ngân hàng, quan hệ cũng cần "thủy chung". 

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp nhưng đến khi có tiền gửi lại đi tìm ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, như vậy rất khó quan hệ lâu bền. 

Ngoài ra, theo ông Tú, để tạo sự tin tưởng với ngân hàng, doanh nghiệp cần minh bạch báo cáo tài chính, công khai dòng tiền…

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên