26/09/2022 09:16 GMT+7

Tìm chữ trên đôi chân của mẹ

N.TOÁN
N.TOÁN

TTO - Từ lúc lọt lòng mẹ, Nguyễn Thị Thùy đã không may mắn với đôi chân không lành lặn. Cô học bò, lết quanh nhà đến mức nhiều vùng da tay, chân trầy xước tứa máu. Hơn chục năm qua, cô nữ sinh ấy tìm chữ trên đôi chân của mẹ.

Nữ sinh liệt hai chân nuôi ước mơ vào đại học trên đôi chân của mẹ

Chúng tôi đến thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) tìm gặp Nguyễn Thị Thùy (Trường THPT Hậu Lộc 4). Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng nhưng thoáng qua không thấy vật gì đáng giá.

Mẹ là đôi chân của con

Gần 10h sáng, Thùy chống đôi tay nhỏ bé xuống nền, lết về phía góc nhà đong gạo nấu cơm trưa. Rồi cô quay sang dọn dẹp nhà cửa, dạy các cháu học. Mọi thao tác khá gọn lẹ, thuần thục. "Mình cũng quen rồi, không quá vất vả" - Thùy nhanh nhảu.

Là con út trong gia đình ba anh em, ngay từ lúc chào đời năm 2005 Thùy đã không thể đi lại như bao đứa trẻ khác ở làng chài Diêm Phố.

"Bác sĩ nói do nhau thai quấn chân nên không phát triển bình thường được. Gia đình vay mượn khắp nơi đưa con ra Hà Nội chữa trị suốt ba năm nhưng không có hy vọng nên đành bỏ cuộc" - bà Bùi Thị Tới (52 tuổi), mẹ Thùy, nghẹn ngào.

Tuổi thơ của cô bé chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Ngồi trong nhà, nghe đám trẻ trong làng nô đùa, nhiều lần cô bé bật khóc. Nhưng không cam chịu số phận, Thùy tập tễnh học bò trên đôi chân yếu ớt. Sau nhiều lần té ngã, trầy xước khắp mình mẩy, cuối cùng Thùy cũng bò lết thuần thục trong nhà mình.

Phải mất mấy năm Thùy mới làm được thế. Rồi cũng phải đi học, Thùy được mẹ chở đến trường mỗi ngày nhưng vì không thể đứng, cộng với mặc cảm tự ti, chỉ vài ngày sau bạn nức nở, nhất quyết không chịu tới lớp. Mãi đến lúc lên 8, Thùy đến lớp học tình thương của bà giáo làng Nguyễn Thị Thông. "Gặp nhiều bạn có hoàn cảnh như mình, mặc cảm trong tôi cũng dần vơi đi" - Thùy kể.

Những nét chữ nguệch ngoạc dần được thay bằng trang viết ngay ngắn. Bà giáo làng đánh giá Thùy rất sáng dạ và thông minh nên sau ba năm theo học lớp "xóa mù", bà giáo làng đưa cô bé đến trường, đăng ký vào lớp 6 và nhà trường tiếp nhận sau khi đã kiểm tra khả năng của Thùy. "Những ngày đầu ở môi trường mới, tôi rất buồn vì không quen ai. Học kỳ sau đó tôi tự tin hơn vì đã theo kịp các bạn" - nữ sinh nhớ lại.

Tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 2.

Dù đi lại khó khăn nhưng Nguyễn Thị Thùy vẫn có thể giúp mẹ làm việc nhà, nấu cơm, giặt quần áo - Ảnh: N.TOÁN

Suốt những năm phổ thông, bất kể ngày nắng hay mưa, mẹ Thùy vẫn đều đặn đạp xe chở con đến lớp. Nhiều lần bắt gặp ánh mắt thèm khát của con khi nhìn chúng bạn chơi đùa, bà bật khóc. Con tới trường, mẹ cũng tranh thủ nhận xẻ cá, bóc vỏ tôm thuê cho mấy đại lý ở làng chài để có tiền đong gạo mỗi ngày. Ba Thùy làm thuê cho tàu đánh cá, những chuyến đi kéo dài cả tháng trời song thu nhập cũng bấp bênh.

"Có chuyến đi biển dài cả tháng song chẳng được đồng nào vì chủ tàu phải bù lỗ. Nhà cũng chẳng chăn nuôi gì, chỉ bám biển mưu sinh mà giờ còn nợ cả trăm triệu đồng đấy chưa biết lấy gì trả" - bà Tới ngậm ngùi.

"Tôi sẽ không bỏ cuộc"

Thùy luôn dặn mình phải nỗ lực không ngừng. Nhiều năm liên tục đạt học sinh khá, giỏi và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Thùy đạt 25,5 điểm khối C00 (văn 8,75, sử 8,5 và địa 8,25). Nhưng phút cuối bạn quyết định "bẻ lái", xin xét tuyển học bạ vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Hà Nội!

"Tôi từng nuôi ước mơ làm cô giáo để dạy các em nhỏ có hoàn cảnh như mình. Nhưng tôi nhận ra khiếm khuyết của cơ thể sẽ thành rào cản khiến tôi khó thực hiện tốt được ước mơ ấy, nên quyết định chọn công nghệ thông tin, có lẽ sẽ phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình" - Thùy bộc bạch.

Những ngày chờ nhập học, Thùy tranh thủ dạy thêm cho các cháu, phụ mẹ việc nhà, rảnh thì đọc sách, xem phim. Thùy không còn thấy khiếm khuyết của mình như một sự bất hạnh mà trở thành động lực để cô vươn tới. 

"Chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng, nhất là ngành học ấy khá khó. Tuy nhiên tôi sẽ không bỏ cuộc vì đã vượt được chặng đường gần 12 năm, giờ cố thêm chút nữa" - Thùy quả quyết.

Con nói vậy, gia đình cũng vui song cũng lo nhiều lắm, nhất là khi Thùy di chuyển bất tiện. Bà Tới đã tính chuyện theo con lên giảng đường thời gian đầu. Khi nào con gái quen và tự lập được ở môi trường đại học, bà sẽ quay về làm thuê, kiếm tiền lo cho con ăn học.

Cô Nguyễn Thị Hạnh - giáo viên chủ nhiệm - nói Thùy là tấm gương điển hình cho ý chí, nghị lực và dù liệt cả hai chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn song bạn luôn nằm trong tốp đầu của lớp.

Ông Nguyễn Thành Luân - trưởng thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc - cho biết gia đình Thùy nhiều năm thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo của địa phương, rất khó khăn. "Chính quyền địa phương, các đoàn thể vẫn thường xuyên ghé thăm, động viên gia đình. Một số nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh của cháu cũng có hỗ trợ gia đình", ông Luân nói.

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin .

Tìm chữ trên đôi chân của mẹ - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Linh côi cút sắp vào giảng đường Linh côi cút sắp vào giảng đường

TTO - Cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà ngoại già yếu tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa mừng tủi báo tin sắp trở thành tân sinh viên Đại học Huế.

N.TOÁN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên