27/01/2022 16:08 GMT+7

Tìm chỗ đứng cho OTT Việt: Cần một 'cuộc chơi' công bằng

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp truyền hình OTT xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi hoạt động tại Việt Nam tương tự các doanh nghiệp nội. Khi đó, cuộc cạnh tranh mới diễn ra công bằng.

Tìm chỗ đứng cho OTT Việt: Cần một cuộc chơi công bằng - Ảnh 1.

Dịch vụ truyền hình OTT ngày càng phổ biến tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồng tình việc cơ quan chức năng phải có các biện pháp chặt chẽ, công bằng về luật cũng như các quy định về quản lý, giấy phép cho OTT nội địa và xuyên biên giới.

Chính sách công bằng nội - ngoại

Bà Nguyễn Thu Hương, giám đốc nội dung FPT Play: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp truyền hình OTT nước ngoài đang ồ ạt đổ bộ vào với nhiều nền tảng lớn như Netflix, WeTV, iQiyi… 

Người dùng có thể dễ dàng download và sử dụng, có cả phí thuê bao tháng và miễn phí thuê bao tháng, với nội dung có phụ đề, thuyết minh tiếng Việt hoặc không có do không cần tuân theo quy định kiểm duyệt của nước sở tại.

Còn với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, được cấp phép luôn phải đảm bảo tính tuân thủ: Việt hóa bằng ngôn ngữ tiếng Việt, đảm bảo kiểm duyệt đúng quy định nên thời gian tiếp cận thị trường về nội dung sẽ chậm hơn các ứng dụng xuyên biên giới. 

Mặt khác, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới không phải đóng thuế, họ lại có nguồn lực đầu tư lớn về nội dung, còn doanh nghiệp nội thường có hạn chế về nguồn đầu tư nên khó có thể so sánh, đáp ứng được như nội dung xuyên biên giới.

Chúng tôi mong rằng cơ quan nhà nước sẽ có các chính sách phù hợp, kịp thời để động viên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội. Cũng như, mở rộng thêm các chính sách liên kết hợp tác để tạo cán cân đối trọng, đảm bảo sự cân bằng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet".

Tạo điều kiện cho OTT TV nội

Đại diện nhà mạng Viettel: Chúng ta có thể thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá trên OTT trong nước, như: yêu cầu các đơn vị sản xuất nội dung chính thống trong nước cung cấp ưu tiên nội dung lên các nền tảng OTT trong nước trước khi đẩy lên các OTT xuyên biên giới; phân loại nội dung và có quy định luôn tỉ trọng nội dung cần quảng bá, tuyên truyền sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong hệ thống truyền thông giới thiệu tới khách hàng.

Đồng thời có thể sử dụng công cụ số để thực hiện quảng bá tới khách hàng (đề xuất, thông báo…); đảm bảo đúng nội dung cần quảng bá, tuyên truyền… 

Đối với các OTT TV xuyên biên giới, cơ quan chức năng phải có biện pháp răn đe buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như chịu các quy định về quản lý, giấy phép như các OTT trong nước. 

Bên cạnh đó, các OTT TV xuyên biên giới này phải được đề nghị áp dụng công nghệ số hóa để quản lý, đặc biệt có giải pháp với các sản phẩm không tuân thủ theo quy định của Nhà nước và vi phạm bản quyền. Ngoài ra cũng nên có quy định bản quyền theo giấy phép, không chia tách bản quyền theo hạ tầng.

Chị Nguyễn Ngọc Trâm (TP.HCM): Là một người rất thích xem các chương trình truyền hình, tôi thấy dịch vụ truyền hình OTT trong nước có không ít lợi thế so với nước ngoài chính nhờ sự am hiểu, sát sao với văn hóa, phong tục người dân Việt. 

Hơn nữa, doanh nghiệp nội cũng dễ dàng "nắm bắt" theo các sự kiện chính trị - xã hội, xu hướng đang diễn ra trong đời sống hằng ngày của người xem. Từ đó, họ dễ dàng tạo ra các nội dung "đánh trúng" nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn hiện nay là Tết đến, xuân về. 

Đây chính là thế mạnh đặc biệt của các dịch vụ truyền hình OTT nội mà những dịch vụ xuyên biên giới không thể nào có được. Tất nhiên, nếu biết tận dụng tốt và làm tốt từ lợi thế này, doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"

Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều sự đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem.

Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".

Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, cần giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...

Bài tham gia diễn đàn bạn đọc gửi về email: [email protected].

Thị trường truyền hình OTT: Cuộc chơi không công bằng! Thị trường truyền hình OTT: Cuộc chơi không công bằng!

TTO - Thời gian qua, các dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT (OTT TV) đã dần trở nên quen thuộc với nhiều gia đình người Việt nhờ có nhiều lựa chọn giải trí, học tập..., đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên