Phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra tại thời điểm đã đi qua 2 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro.
Trên thế giới, xung đột ở Biển Đỏ diễn biến phức tạp; xung đột ở Ukraine, Dải Gaza kéo dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng.
Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng được thúc đẩy, các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có tín hiệu tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm trước. Đầu tư công, đầu tư xã hội tiếp tục đạt kết quả tốt.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như sức ép điều hành vĩ mô còn cao, nhất là trong khi giá dầu thô, lương thực thế giới biến động mạnh.
Sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực chưa phục hồi rõ nét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình tháng 2 so với các tháng trước và năm ngoái. Đặc biệt tác động của các cuộc xung đột trên thế giới tới hoạt động logistics trên toàn cầu; việc tổ chức cho nhân dân vui xuân, đón Tết, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông cũng yêu cầu các ý kiến tập trung phân tích, dự báo tình hình thời gian tới với các khó khăn, thuận lợi, giải pháp để thực hiện mục tiêu cho năm 2024. Trong đó có những việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính).
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; làm mới những động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Thủ tướng cũng cho biết nguồn tăng thu năm 2023 dự kiến sẽ được phân bổ cho 3 nhóm nhiệm vụ (bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư phát triển; an sinh xã hội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận