Phóng to |
Bà Trần Thị Bọn chăm sóc chồng tại Bệnh viện Tâm thần Huế chiều 8-7 - Ảnh: THÁI LỘC |
Hôm nay 9-7, ông Thông có thể sẽ được điều trị bằng uống thuốc an thần kinh, nhẹ hơn hình thức tiêm thuốc bình thần và an thần kinh như hai ngày trước.
Lâm bệnh vì mất hết tiền bạc
"Nếu có cảm xúc căng thẳng cần tìm cách thư giãn, dừng ngay việc làm khiến mình căng thẳng, chuyển đổi sang làm gì đó sao cho thoải mái hơn" Bác sĩ Nguyễn Đăng Nguyên |
Như Tuổi Trẻ ngày 7-7 đưa tin, ông Nguyễn Văn Thông khi đưa con trai Nguyễn Văn Minh đến Huế thi đại học đã phải nhập Bệnh viện Tâm thần Huế vì mất hết tiền bạc mang theo.
Chiều 8-7, em Nguyễn Văn Minh vẫn đang học ôn thi tại phòng trọ chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh (vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Huế) sắp tới. Minh cho biết hai cha con ra Huế từ ngày 1-7 để thi đợt đầu.
Họ ở trọ trên đường Hồ Đắc Di, trước Trường ĐH Kinh tế Huế. Đến ngày 5-7, sau đợt thi đầu tiên, hai cha con chuyển sang thuê trọ ở ký túc xá Lê Hồng Phong cho gần điểm thi ĐH Khoa học Huế.
Thấy chật chội, bất tiện cho việc thi cử của con trai, ông Thông tìm được một căn nhà ở đường Lê Hồng Phong (Huế) và chuyển về nhà này thuê trọ vào sáng 6-7. Đến chiều 6-7, ông Thông xếp hành lý thì phát hiện mất sạch tiền bạc đem theo.
Lúc ấy ông Thông thu xếp hành lý, kéo con ra bến xe phía Nam TP Huế để về quê. Tại bến xe, ông Thông không cho ai lại gần, ôm chặt con suốt đêm, miệng lảm nhảm với nội dung lo sợ người khác làm hại. Mãi đến sáng 7-7, lực lượng tình nguyện viên và bảo vệ bến xe mới tách Minh ra khỏi cha được, sau đó chuyển ông Thông đến Bệnh viện Tâm thần Huế.
Bà Trần Thị Bọn, vợ ông Thông, vừa mới ra Huế chăm sóc chồng tại bệnh viện cũng đang rất lo lắng. Bà cho biết hai vợ chồng cùng làm rẫy keo, trồng ít rau màu và ít ruộng tại thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Hai người có hai con, Minh là con đầu, sau còn một em gái học lớp 10. Đây là lần đầu tiên ông Thông dẫn con đi xa. “Trước khi đi, trong nhà dành dụm được 5 triệu đồng. Chồng tôi nói cứ đi vay mượn cho đủ 10 triệu đồng, lỡ có chuyện gì còn lo liệu được, sẽ tiện tặn còn dư đem về trả lại. Nào ngờ tiền mất đã đành, người còn ngã bệnh, tui chẳng biết ra sao nữa!” - bà Bọn nói.
Những rối loạn tâm thần âm ỉ
Trước đó sáng 7-7, khi nhập viện, ông Thông có biểu hiện của rối loạn tâm thần và được chẩn đoán, ghi vào bệnh án “rối loạn, loạn tâm thần cấp”.
Theo bác sĩ Nguyên, bệnh này bao giờ cũng gây suy nhược thần kinh với biểu hiện đau đầu, mất ngủ kèm theo các triệu chứng loạn thần, cảm xúc. Có người hưng cảm, có người trầm cảm, nhưng thường thì khí sắc cảm xúc không ổn định, dễ bị kích thích, thường bị ảo giác, có khi hay lảm nhảm một mình. Về lời nói, người bệnh thường hoang tưởng; về hành vi tác phong ngại tiếp xúc, dễ bị kích động, phá phách...
Riêng ông Nguyễn Văn Thông, bác sĩ Nguyên cho hay theo lời con trai, khi ra Huế người cha thường mất ngủ, hay căng thẳng, lo sợ. Bác sĩ Nguyên cho rằng ông Thông có thể tiềm ẩn bệnh này từ trước. Tình trạng căng thẳng kéo dài khi đưa con đi thi đại học chính là cơ hội bệnh bùng phát. Chưa kể ông lại mang theo số tiền tương đối lớn so với tài sản của ông, có thể làm tăng phần lo lắng sợ mất cắp, lừa lọc...
Từ trường hợp của ông Nguyễn Văn Thông, bác sĩ Nguyễn Đăng Nguyên khuyên mọi người hãy làm việc, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, nâng cao thể trạng... Nếu có cảm xúc căng thẳng cần tìm cách thư giãn, dừng ngay việc làm khiến mình căng thẳng, chuyển đổi sang làm gì đó sao cho thoải mái hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận