Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ
Tim bẩm sinh là những dị tật ở buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu xảy ra trong quá trình mang thai.
Các bệnh lý về tim thường gặp phải đó là: bệnh thông liên thất, bệnh thông liên nhĩ, bệnh còn ống động mạch. Một số bệnh lý phức tạp hơn như: tứ chứng Fallot, chuyển gốc động mạch…
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh:
Trước hết phải kể đến yếu tố di truyền. Những gia đình mà có người mắc tim bẩm sinh thì nguy cơ trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh là rất cao. Tuy nhiên, yếu tố di truyền thường chỉ xảy ra với các bệnh lý về cơ tim như: cơ tim phì đại, cơ tim giãn, cơ tim hạn chế.
Nguyên nhân thứ hai phải kể đến là do số đột biến về gen hoặc nhiễm sắc thể đặc biệt ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong đó có tim. Ví dụ như hội chứng Down, trẻ có khuôn mặt điển hình của bệnh, trí tuệ thường chậm phát triển và thường có các dị tật tại tim.
Nguyên nhân thứ ba đó là do môi trường sống, đây được xem là yếu tố thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của tim. Chẳng hạn, trong quá trình mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ tiếp xúc với tia X-Quang, tia phóng xạ, hóa chất, thuốc… thì hiện tượng tim bẩm sinh có thể xảy ra.
Và một yếu tố nữa rất đáng cảnh báo đó là các bệnh lý mắc phải của mẹ xuất hiện trong quá trình mang thai. Các bệnh lý này tương tác với sự phát triển của thai kỳ đã có những tác động xấu gây ra những rối loạn cho sự phát triển thể chất của đứa trẻ. Có rất nhiều bệnh lý có thể gây ra dị tật ở tim cho thai nhi như: tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ. Người mẹ nhiễm siêu virut trong thời kỳ mang thai như: nhiễm vi rút rubella, quai bị đều có thể gây ra khuyết tật về tim.
Dự phòng từ trước sinh là hết sức cần thiết
Vì bệnh tim bẩm sinh xảy ra trong bào thai, chính vì vậy việc quan tâm đến sức khỏe của bà mẹ trước và trong khi mang thai là điều hết sức cần thiết.
Trước hết phải đảm bảo một môi trường sống lành mạnh, tích cực đối với bà mẹ đang mang thai, tránh các tác nhân vật lý, hóa học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá…
Nếu như người mẹ mắc các bệnh lý như: tiểu đường, lupus ban đỏ… thì cần được điều trị tích cực. Người mẹ cần được tiêm phòng văc-xin đầy đủ trước khi mang thai. Tốt nhất nên sinh con trước 35 tuổi.
Trong thời gian mang thai, bà mẹ cần đi siêu âm đầy đủ để có thể phát hiện dị tật sớm, ít nhất là 2 lần trong thời gian đầu của thai kỳ. Đối với những gia đình đã có một trẻ mắc tim bẩm sinh thì cần được tư vấn trước khi quyết định mang thai tiếp theo. Trong thời gian mang thai, người mẹ không tiếp xúc với người ốm, người mang mầm bệnh, nhất là người bị sốt vi rút, bất kể đó là vi rút gì. Cần tránh tuyệt đối trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Khi cha mẹ thấy con có những dấu hiệu như: tím tái môi chi, khó thở, trẻ suy dinh dưỡng chậm tăng cân thì cần đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện sớm, theo dõi điều trị và can thiệp hoặc phẫu thuật đúng thời điểm. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì trong tim bẩm sinh có nhiều kiểu bệnh, có bệnh sẽ tự khỏi, có bệnh phải theo dõi, điều trị, cũng có những bệnh cần phẫu thuật. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi trẻ, đặc trưng của từng bệnh, bác sĩ sẽ có những tư vấn thích hợp giúp gia đình có hướng điều trị cho trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận