TTCT - Trong khi những người thật sự có vấn đề về sức khỏe tinh thần âm thầm chịu đựng trong đời sống thực, trên không gian ảo lại đầy rẫy những chuyên gia tự xưng, ban phát lời khuyên, tư vấn, thậm chí chẩn đoán sức khỏe tinh thần trực tuyến. Minh họa: Boston Globe Theo khảo sát công bố hồi tháng 2 của Hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường Hall & Partners, hơn 59 triệu người Mỹ đã tìm kiếm lời khuyên liên quan đến sức khỏe từ những người có ảnh hưởng trên TikTok và Instagram. Xu hướng đặc biệt rõ rệt ở thế hệ trẻ, với 1/3 thế hệ Z và hơn 1/4 thế hệ Y chuyển sang các nền tảng này để hiểu rõ hơn về các tình trạng mạn tính và các tình huống khó xử về sức khỏe. Ngược lại, chỉ có 5% người thuộc thế hệ X chọn cách tương tự.Các video dài một phút hoặc bài viết ngắn gọn không thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề phức tạp và có thể vô tình tạo ra thiên kiến xác nhận - xảy ra khi các cá nhân đã có sẵn một lý thuyết hoặc niềm tin và họ tìm kiếm nội dung củng cố nó, có khả năng dẫn đến những nhãn dán vội vàng về vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, việc tự chẩn đoán dựa trên lời khuyên trực tuyến cũng không cung cấp hiểu biết toàn diện về hoàn cảnh và thách thức riêng của một cá nhân.Nghe chuyện người, tự chẩn đoán mìnhLà người dùng TikTok, Andrea Tarantella, chuyên gia cố vấn được cấp phép tại Mỹ, thường xuyên chứng kiến các vấn đề sức khỏe tâm thần được chia sẻ và thảo luận trên nền tảng này. "Những lời khuyên mang tính kể chuyện và chỉ là kinh nghiệm cá nhân thường đơn giản hóa quá mức các vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp. Nhiều người dùng vào xem các nội dung này và sau đó bình luận, tự chẩn đoán mình mắc các chứng như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hay tự kỷ" - cô nói với Medical News Today.Mặc dù ở góc độ nào đó, các câu chuyện cá nhân có thể là sự thật, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng chúng không nên được áp dụng rộng rãi hay khiến mọi người hiểu nhầm là "chắc chắn sẽ xảy ra". Trả lời kênh CNBC-TV18, tiến sĩ Sangeetha Reddy, nhà tâm lý học tư vấn ở Hyderabad (Ấn Độ), cho rằng suy nghĩ thông thường của người xem là nếu người A đang trải qua điều gì đó mà họ cũng đang trải qua thì cả hai người đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần giống nhau, hoặc nếu người A đưa ra lời khuyên thì việc làm theo cũng có thể giúp ích cho họ. Nhưng điều này không đúng. Ông Reddy nhấn mạnh tuyệt đối không nên tự chẩn đoán dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người khác.Tiến sĩ Alex Dimitriu, chuyên gia tâm thần học, cảnh báo việc tự chẩn đoán và quyết định kế hoạch điều trị dựa trên tư vấn trực tuyến, mang tính trải nghiệm cá nhân hoặc thương mại có thể trì hoãn sự trợ giúp của chuyên gia, gây hại cho người bệnh.Theo Tarantella, thiếu niên và thanh niên là hai đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trước thông tin trôi nổi về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội. Hai nhóm này vẫn đang phát triển tư duy phản biện cần thiết để phân biệt giữa những thông tin đáng tin cậy và sai lệch. Bên cạnh đó, định dạng video ngắn cũng gián tiếp loại bỏ các sắc thái quan trọng liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần.Vì sao người trẻ thích "chuyên gia" TikTok?Có nhiều lý do thế hệ trẻ chọn mạng xã hội để tìm tư vấn về sức khỏe tâm thần. Diksha Sharma, 19 tuổi, nói với CNBC-TV18 rằng sau khi được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm nhẹ, cô tìm kiếm các video về sức khỏe tâm thần chỉ để cảm thấy mình không đơn độc, đọc các bình luận để có cảm giác cộng đồng.Theo Taneesha Mirwani, một người sáng tạo nội dung 20 tuổi, vì chủ đề sức khỏe tâm thần nói chung bị kỳ thị nên các nền tảng video ngắn thường là một trong những nguồn ít ỏi mà người trẻ tuổi chọn tiếp cận.Với Robin Kurian, 26 tuổi, cũng là người sáng tạo nội dung, video ngắn có vẻ dễ tiếp thu và theo dõi hơn là đọc tài liệu hoặc đi trị liệu. Do đó, mọi người thường tìm kiếm trên mạng xã hội và kết thúc ở các video này - cung cấp thông tin ngắn gọn trong vòng một phút, thậm chí ít hơn, để chẩn đoán các triệu chứng tâm thần và đề ra giải pháp."Các video tâm lý học đại chúng góp phần đáng kể vào việc phá bỏ những điều cấm kỵ của xã hội xung quanh các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bằng cách giải quyết các chủ đề này một cách cởi mở và thẳng thắn, các nền tảng này bình thường hóa các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần" - Prableen Kaur Bhomrah, người sáng tạo nội dung 25 tuổi, nói.Như vậy, mạng xã hội, với khả năng làm giảm sự kỳ thị và tạo điều kiện cho các câu hỏi trực tuyến, đã tạo ra một kiểu "tâm lý học đại chúng" (pop psychology), với những lời khuyên đơn giản về sức khỏe tâm thần.Ảnh: Vanessa Tam/redandblack.comTiến sĩ Reddy cảnh báo: "Đưa nội dung về sức khỏe tâm thần hoặc chỉ đưa một video theo chủ nghĩa cầu toàn với tiêu đề 'Những điều bạn sẽ liên tưởng đến vì bạn mắc chứng OCD' đang là xu hướng trên mạng xã hội. Vì nó phù hợp với thuật toán nên nhiều người sáng tạo nội dung đã nhảy vào làm, bất chấp đúng sai, tạo ra các video thời thượng mang tên lời khuyên về sức khỏe tâm thần".Theo một nghiên cứu của PlushCare được công bố tháng 11-2022, phần lớn lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok (khoảng 83,7%) có thể không đáng tin cậy. Ngoài ra, khoảng 14,2% video chứa nội dung có thể gây hại. Nghiên cứu cũng phát hiện chỉ 9% cá nhân đưa ra hướng dẫn về sức khỏe tâm thần trên TikTok có thông tin xác thực phù hợp. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Tâm Thần Học Canada cho thấy 52% trong số 100 video TikTok hàng đầu thảo luận về ADHD được phát hiện là không chính xác hoặc gây hiểu nhầm.Theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng khác của "tâm lý học đại chúng" là nó tầm thường hóa những cuộc đấu tranh thực sự của những người mắc chứng rối loạn. Một nghiên cứu trên 2.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được CharityRx công bố vào tháng 12-2022 cho thấy 33% thế hệ Z tin tưởng TikTok hơn bác sĩ.Một cách để lý giải con số này là mọi người có xu hướng tin vào kinh nghiệm cá nhân hơn là các chuyên gia có bằng cấp và bài báo khoa học hấp dẫn. Đối với một số người, tính kết nối quan trọng hơn bằng cấp của một bác sĩ y khoa hoặc một chuyên gia y tế.Đó là lý do nhiều người dễ dàng tin vào điều không đúng sự thật, chỉ vì chúng được nói ra bởi người họ cảm thấy thân thiết. Sức mạnh của trải nghiệm cá nhân và sự kết nối đi kèm mạng xã hội thúc đẩy mọi người tìm đến những người sáng tạo nội dung về sức khỏe tâm thần hơn là các chuyên gia.Ảnh: bacp.co.ukTheo các chuyên gia, mạng xã hội vẫn có những tác dụng nhất định trong việc cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm tư vấn trực tuyến. Tuy nhiên, người dùng cần phải tiếp cận hết sức cẩn trọng và đa chiều."Việc chỉ đưa ra một chút kiến thức là điều nguy hiểm. Hãy xem người đưa ra các lời khuyên và khuyến nghị là ai, đến từ đâu và đã trải qua những khóa đào tạo nào. Đảm bảo rằng đó không phải là hoạt động tiếp thị một số sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng được che giấu kỹ lưỡng" - tiến sĩ Dimitriu nói với Medical News Today.Ngoài ra, khi xác thực thông tin, không nên sử dụng mạng xã hội mà cần truy cập các nguồn đáng tin cậy, ví dụ từ chính phủ, nền tảng hoặc dịch vụ trực tiếp chuyên nghiệp...Nếu các triệu chứng đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ, khả năng ngủ, ăn hoặc thư giãn thì người bệnh cần làm việc với một chuyên gia đã được kiểm chứng thay vì lên mạng tìm câu trả lời.■ 6 chỉ dấu cảnh báo chuyên gia "dỏm" (theo Time)1. Thiếu thông tin chuyên môn của người tư vấn: Hầu hết những chuyên gia về sức khỏe tâm thần đáng tin cậy sẽ minh bạch về quá trình đào tạo, giấy phép và lĩnh vực chuyên môn của họ. Nếu bạn không thấy nhiều thông tin, hãy tìm kiếm tên người đó trực tuyến. Nếu danh tính hợp pháp, họ sẽ xuất hiện trên Psychology Today, LinkedIn hoặc trang web hành nghề tư nhân của riêng mình.2. Mục tiêu cuối cùng là bán hàng: Nếu tất cả nội dung của người tư vấn dẫn bạn quay lại cửa hàng của họ hoặc đến một sản phẩm nào đó, nghĩa là họ quan tâm đến việc biến bạn thành khách hàng hơn là thực sự hỗ trợ.3. Bài viết nặng về biệt ngữ: Dùng quá nhiều từ ngữ chuyên môn chưa hẳn đã là dấu hiệu thể hiện sự hiểu biết. Ngược lại, nhiều người không hiểu các thuật ngữ này nhưng chỉ cố gắng sử dụng chúng để trông có vẻ chuyên nghiệp hơn.4. Đề cao việc tự chẩn đoán hoặc dán nhãn: Theo nguyên tắc truyền thông xã hội của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), các nhà tâm lý học thực sự có chuyên môn sẽ luôn tránh đưa ra chẩn đoán, đưa ra lời khuyên "hoặc hành xử như thể họ đang tiến hành điều trị".5. Tương tác với khách hàng trên mạng xã hội: Trong hướng dẫn của mình, APA nhấn mạnh các nhà tâm lý học cần tránh phá vỡ tính bảo mật và làm mờ ranh giới của mối quan hệ nghề nghiệp, bằng cách tránh tương tác với những bình luận của người dùng.6. Ca ngợi sự ưu việt của phương thức duy nhất: Các nhà trị liệu thường được đào tạo về nhiều phương thức khác nhau. Họ hiểu rằng không một phương pháp trị liệu nào có hiệu quả với tất cả mọi người. Tags: Thế hệ YSức khỏe tinh thần TikTokMạng xã hộiKhông gian ảo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.