TikTok và hội chứng Tic

XUÂN MINH 12/11/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, bác sĩ ở nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng trẻ em gái, đặc biệt là thiếu nữ, gặp vấn đề về rối loạn Tic (các cơ cử động bất thường, lặp đi lặp lại không kiểm soát) với mức độ cao bất thường. Tại Mỹ, Canada, Úc và Anh, có một sự liên quan chung là các em đều sử dụng TikTok.

Bác sĩ có thể đánh giá liệu trẻ có bị Tic hoặc Tourette và đề nghị các bài tập điều trị hành vi hoặc thuốc phù hợp. Ảnh: brainandlife.org

 

Nỗi khổ bị bệnh lạ

Có 2 loại Tic chính, kèm những biểu hiện không giống nhau: Tic đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản, gồm: thở dài, ho, lẩm bẩm; các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét hay nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm... 

Tic phức tạp liên quan đến nhiều nhóm cơ: tự vỗ, đập vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn. Tic âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại, không phù hợp với bối cảnh...

Nữ sinh tên A.B. (viết tắt) khởi phát Tic cử động và âm thanh vào tháng 11-2020, một ngày sau khi có thông báo về một đợt phong tỏa khác do COVID-19. 

Các biểu hiện chủ yếu xảy ra ở trường với những hành động như xoay đầu phức tạp, chuyển động đẩy cổ, khua khoắng tay, nói tục không kiểm soát và la hét. Em bị mời về nhà. Cơn bộc phát Tic của A.B. không có dấu hiệu báo trước.

Em cũng không có tiền sử bị Tic khi còn bé mặc dù gia đình có tiền sử bị tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và hội chứng Tourette. A.B. mô tả mình là một cô bé nhút nhát, hay lo lắng trước các tình huống xã hội và có những đặc điểm tự kỷ dù chưa được khám tự kỷ. A.B. đã đọc về chứng rối loạn Tourette và đăng video về biểu hiện của mình lên TikTok.

Hội chứng Tourette là một bệnh lý hệ thần kinh làm bệnh nhân bị co giật. Bệnh thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành. Người mắc hội chứng này thường tạo ra các chuyển động hoặc âm thanh lặp đi lặp lại, không kiểm soát. 

Tic và Tourette giống và khác nhau. Không phải tất cả các bệnh nhân Tic đều có Tourette. Bị Tourette bắt buộc phải có hơn 1 loại Tic, bao gồm Tic phát âm, trong hơn 1 năm. Tic đơn giản rất phổ biến, 1/5 trẻ em có thể có nhiều Tic ở cùng thời điểm nhưng hội chứng Tourette thì ít gặp hơn. 

Sự gia tăng các ca bệnh ở trẻ em gái liên quan đến Tic khiến các bác sĩ về rối loạn vận động bối rối. Các bé gái rất hiếm bị rối loạn Tic, nhưng các trẻ em này rõ ràng là có tần suất bị Tic cao bất thường và đột ngột.

Tại London, hai phòng khám chuyên khoa về Tic tại 2 bệnh viện nhi mỗi nơi có từ 4 - 6 ca mỗi năm, nhưng 3 tháng cuối năm 2020 và tháng 1-2021, hai nơi này có 3 - 4 bệnh nhân/tuần. 

Nếu xu hướng này duy trì, họ sẽ có tới 150 - 200 ca mỗi năm. Tại Mỹ, dù không có cơ quan theo dõi các ca bệnh Tic trên toàn quốc, theo báo Wall Street Journal, các trung tâm rối loạn vận động dành cho trẻ em báo cáo nhiều bé gái tuổi vị thành niên gặp các vấn đề tương tự như Tic. 

Bác sĩ Donald Gilbert, chuyên gia về rối loạn vận động ở trẻ em và hội chứng Tourette, Trung tâm y tế Bệnh viện nhi Cincinnati, cho biết ông khám cho khoảng 10 thanh thiếu niên mới bị Tic mỗi tháng kể từ tháng 3-2020. Trước đại dịch, phòng khám của ông khám nhiều nhất là một ca/tháng.

Các bệnh viện lớn khác ở Mỹ cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh Tic. Từ tháng 3-2020 đến nay, Bệnh viện nhi Texas có khoảng 60 thanh thiếu niên bị Tic, trong khi trước đó, các bác sĩ chỉ gặp 1 - 2 trường hợp mỗi năm. 

Tại Trung tâm Tourette của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), phó giáo sư khoa tâm thần học và khoa học hành vi Joseph McGuire cho biết 10 - 20% bệnh nhi đi khám do các biểu hiện giống như chứng rối loạn Tic cấp tính, con số này tăng 2 - 3% so với một năm trước đại dịch.

Từ tháng 3 đến tháng 6-2021, Trung tâm y tế Đại học Rush ở Chicago có 20 bệnh nhân mắc rối loạn Tic, so với 10 bệnh nhân của năm trước.

Hầu hết các bệnh nhân vị thành niên này trước đây được chẩn đoán là bị lo lắng hoặc trầm cảm do đại dịch hoặc bị đại dịch làm tình trạng nặng hơn.

 

Vai trò của mạng xã hội 

Sau nhiều tháng nghiên cứu, chuyên gia tại các bệnh viện nhi hàng đầu ở Mỹ, Canada, Úc và Anh phát hiện hầu hết các bệnh nhân vị thành niên của mình có điểm chung là chơi TikTok. 

Các bác sĩ cho biết các bé gái đã xem video của những người bị hội chứng Tourette có nhiều người theo dõi trên TikTok. Khi các bác sĩ ở Anh bắt đầu nghiên cứu hiện tượng này hồi tháng 1-2021, họ cho biết các video gắn hashtag #tourettes đã có khoảng 1,25 tỉ lượt xem, và đến nay con số này đã tăng lên 4,8 tỉ.

Tất nhiên, các chuyên gia y tế không vội đổ lỗi cho TikTok, vì mặc dù số lượng bệnh nhân tăng nhiều so với trước, vấn đề chưa báo động. 

Bác sĩ McGuire nói: “Có trẻ xem video trên mạng và bị Tic, cũng có trẻ không hề xem gì và cũng bị Tic. Do đó, có thể có nhiều yếu tố góp phần gây ra vấn đề này, trong đó có cả lo lắng, trầm cảm và căng thẳng”.

Nhiều bác sĩ cũng đặt câu hỏi về việc những TikTokers cho biết họ bị Tourette. Theo họ, những hành vi mà những người bị Tourette có nhiều người theo dõi trên TikTok, đa số là phụ nữ, thể hiện trong video như bị giật, buột miệng, không giống như hội chứng Tourette. 

Chứng Tourette ảnh hưởng đến trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, có xu hướng tăng nặng dần theo thời gian từ khi có bệnh lúc còn nhỏ. 

Nhưng bác sĩ Gilbert cho biết các triệu chứng ở trẻ vị thành niên đã xem các video trên TikTok là có thật và có thể là rối loạn thần kinh chức năng, gồm một số rối loạn Tic về âm thanh và các chuyển động cơ thể bất thường nhất định mà không liên quan đến bất cứ vấn đề y tế có trước nào. 

Để giảm những biểu hiện này, bác sĩ khuyên bệnh nhân tập vật lý trị liệu và không dùng TikTok trong vài tuần.

Kayla Johnsen, học sinh trung học 17 tuổi ở Sugar Land, Texas, có tiền sử bị rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý, khởi phát Tic tháng 11-2020. Cô cho biết mức độ nghiêm trọng và tần suất của những cơn giật, lắc nặng hơn sau khi cô dùng thuốc điều trị và bị thêm những biểu hiện Tic mới. 

Sau khi điều trị nhiều nơi, Kayla được giới thiệu đến chuyên gia về rối loạn vận động tại bệnh viện Nhi Texas. Nữ sinh này xác nhận với bác sĩ cô đã xem các video tổng hợp của TikTok về các thanh thiếu niên rối loạn tăng động giảm chú ý, lo lắng và mắc chứng Tic. Kayla tin rằng rối loạn Tic của mình bị kích thích từ những video này.

Khoảng 30 thanh thiếu niên đến khám ở Trung tâm y tế Đại học Rush, bang Illinois (Mỹ) năm 2020 có hàng loạt hành động: từ giật mạnh cánh tay đến chửi rủa hoặc giật giật đầu và cổ. 

Bác sĩ Caroline Olvera, chuyên gia về rối loạn vận động, nhận thấy bệnh nhân nói từ “beans” bằng giọng Anh ngay khi họ không nói giọng Anh. Một số bệnh nhân cho biết họ đã xem video TikTok.

 Qua tìm hiểu, bác sĩ Olvera biết một người bị Tourette có lượng theo dõi hàng đầu trên mạng xã hội này là người Anh, thường nói từ “đậu”. 

Ông đã nghiên cứu 3.000 video TikTok như vậy và 19/28 người bị Tourette có lượng theo dõi nhiều nhất trên TikTok cho biết họ bị thêm những Tic mới do xem video của những người khác.

Theo một nghiên cứu gần đây của Mariam Hull, nhà thần kinh học trẻ em tại Bệnh viện nhi Texas, những trường hợp có biểu hiện Tic đa số giới hạn ở một nơi cụ thể, nhưng mạng xã hội là nơi chứng rối loạn tâm lý lan nhanh chóng rộng rãi. 

Một khi nhấp vào xem các video đề xuất, video tương tự có thể xuất hiện nhờ thuật toán dựa trên thời gian người dùng xem một nội dung nhất định. Dĩ nhiên, để khởi phát Tic, cần xem nhiều video.

Các bác sĩ khuyên: nếu phát hiện con mình khởi phát Tic, ba mẹ nên bàn bạc và thống nhất với con về việc ngừng sử dụng mạng xã hội một thời gian. 

Nếu việc bị Tic nghiêm trọng đến mức gây khó khăn cho cuộc sống hằng ngày, hãy đi khám với bác sĩ chuyên về rối loạn vận động trẻ em. Can thiệp sớm và chẩn đoán đúng có thể giúp giải quyết vấn đề tốt hơn.

Ba mẹ cũng khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn như tập thể thao hoặc yoga..., có sự kết hợp của cơ thể và tâm trí. Dù chưa có bằng chứng khoa học nào nhưng điều này làm trẻ bận rộn và giảm thời gian tiếp cận mạng xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận