Ngày 11-6, TikTok lần đầu tiên tổ chức sự kiện TikTok Safety Summit 2024 tại Việt Nam với mục tiêu phát triển môi trường số an toàn, đáng tin cậy cho các hoạt động sáng tạo trên nền tảng.
Theo đó, TikTok giới thiệu và cập nhật những chính sách, giải pháp, tính năng, công cụ về an toàn nhằm nâng cao khả năng xây dựng và quản lý nội dung tích cực cho từng nhóm cộng đồng cụ thể trên nền tảng, gồm người dùng, nhà sáng tạo nội dung và các đối tác thương hiệu, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Anh, đại diện bộ phận an toàn TikTok, cho biết nền tảng vừa cập nhật các tiêu chuẩn an toàn mới trao quyền nhiều hơn cho người dùng cũng như các nhà sáng tạo nội dung trong việc kiểm soát và xử lý các nội dung vi phạm.
Theo đó, các nội dung, dù đăng tải ở chế độ công khai hay riêng tư, khi được phát hiện vi phạm các quy tắc của TikTok sẽ được gỡ bỏ khỏi nền tảng.
TikTok sẽ giới hạn độ tuổi với các nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên. Chẳng hạn các nội dung gợi dục, khoe thân, giết hại động vật… sẽ chỉ dành cho người dùng trên 18 tuổi.
Đặc biệt, người dùng được cung cấp bộ công cụ để quản lý trải nghiệm cá nhân và đăng tải nguồn tài nguyên này trên Trung tâm An toàn của TikTok.
Có thể kể ra một vài tính năng nổi bật như: vô hiệu hóa tin nhắn, kiểm soát tin nhắn, kiểm soát nội dung, kiểm soát bình luận, bộ lọc bình luận hoặc báo cáo...
"Chúng tôi đã tham vấn từ các chuyên gia và tổ chức về an toàn không gian mạng khắp toàn cầu để đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp với văn hóa, pháp luật của từng địa phương.
Các phương án kiểm duyệt nội dung của TikTok đều sẽ dựa trên cơ sở của những nguyên tắc chung, qua đó hướng tới tính công bằng trong các hoạt động của nền tảng, bảo vệ phẩm giá con người, đồng thời cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và ngăn chặn các hành vi gây hại", bà Phương Anh chia sẻ.
Đối với uy tín các thương hiệu khi tham gia TikTok, bà Naree Nguyễn, giám đốc kinh doanh khối khách hàng TikTok Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp thường đặt vấn đề thương hiệu của mình có được xuất hiện trong môi trường đáng tin cậy hay không.
"Chúng tôi khẳng định việc bảo vệ an toàn cho cộng đồng sử dụng, cũng là bảo vệ nhóm người dùng cho thương hiệu", bà Naree Nguyễn nói.
Theo đó, khi thực hiện chiến dịch quảng cáo trên nền tảng, doanh nghiệp được hỗ trợ tính năng, công cụ đo lường sự an toàn, bộ lọc vị trí đặt quảng cáo, tích hợp với đối tác uy tín, giúp thương hiệu tự tin hơn.
Công nghệ máy học cao cấp cũng sẽ phân tích video, âm thanh, văn bản trong suốt quá trình chiến dịch diễn ra.
Về mặt bình luận, nhà quảng cáo có thể lọc dựa theo thứ tự ưu tiên, ẩn hoặc hiện một số bình luận cụ thể, tắt bình luận, xem và xuất được dữ liệu bình luận cho các chiến dịch sau. "An toàn thương hiệu là nhiệm vụ luôn luôn diễn ra", bà Naree Nguyễn nói.
Đối với các nhà sáng tạo nội dung, TikTok giới thiệu bộ giải pháp giúp hoạt động hiệu quả trên nền tảng và an tâm kết nối với người dùng.
Chẳng hạn TikTok hỗ trợ nhà sáng tạo kiểm tra nhanh chóng tình trạng của tài khoản và 30 bài đăng gần nhất. Hệ thống cũng sẽ gửi cảnh báo cho nhà sáng tạo đối với những nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng lần đầu tiên.
Đặc biệt, TikTok làm riêng một bộ quy tắc ứng xử dành cho nhà sáng tạo nội dung, gồm những tiêu chuẩn tăng cường bên cạnh tiêu chuẩn cộng đồng, hướng đến hoạt động cụ thể của các nhà sáng tạo nội dung.
Với xu hướng bắt "trend" phổ biến trên TikTok hiện nay, bà Tara Vũ, bộ phận vận hành TikTok Việt Nam, khuyến cáo:
"Các nhà sáng tạo hãy tỉnh táo khi bắt trend, cần phải biết trend nào là lành mạnh, trend nào là không lành mạnh, vi phạm pháp luật và tiêu chuẩn cộng đồng". Ví dụ trend tập yoga trên đường, người dùng bắt chước là đã vi phạm pháp luật. Hoặc các nội dung có sử dụng đạo cụ như đao, kiếm…
Về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) kiêm thành viên hội đồng TikTok Safety Council khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, đảm bảo chất lượng cuộc sống bền vững của mọi công dân, trong đó có trẻ em và thanh niên. Việt Nam rất coi trọng vấn đề này, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của quốc gia.
"Tôi tin rằng với những cam kết và đầu tư vào các sáng kiến, công cụ công nghệ, TikTok đang đi đúng hướng trong tiến trình kiến tạo cộng đồng mạng văn minh, tích cực, đóng góp vào môi trường số an toàn, lành mạnh và bền vững tại Việt Nam", bà Linh chia sẻ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, TikTok cũng đã làm việc với Viện nghiên cứu phát triển bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều đối tác khác để gia tăng bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên, tận dụng được thế mạnh của nền tảng nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, "Hành trình thúc đẩy môi trường số tích cực đòi hỏi ý thức và sự chung tay của tất cả mọi người. Chính vì thế, TikTok luôn nỗ lực cải tiến hệ thống các công cụ an toàn nhằm trao quyền cho người dùng, nhà sáng tạo và thương hiệu trong việc chủ động tăng cường các tương tác lành mạnh", ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho biết TikTok sẽ tiếp tục thường xuyên lắng nghe phản hồi từ người dùng, tổ chức các chiến dịch lan tỏa các nội dung tích cực trên nền tảng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, tổ chức, cơ quan chính phủ nhằm đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch nâng cao nhận thức và thực hành an toàn trên không gian số.
Gỡ bỏ hơn 85,6 triệu video khỏi TikTok
Theo báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok trong quý 4-2023, TikTok đã gỡ bỏ hơn 85,6 triệu video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và điều khoản dịch vụ của nền tảng, trong đó 46,8 triệu video được xóa tự động. Ngoài ra, hơn 91% video vi phạm đã được gỡ chỉ trong vòng 24 giờ đăng tải.
Chia sẻ tại sự kiện "TikTok Safety Summit 2024" do nền tảng TikTok tổ chức ngày 11-6 tại TP.HCM, nhà sáng tạo nội dung Thiện Nhân đã kể về tình huống khiến kênh TikTok của mình bị "bay màu" - tức bị cấm vĩnh viễn.
Theo Thiện Nhân, sự việc đã xảy ra cách đây khoảng 5 tháng khi anh livestream cùng đứa cháu nhỏ, nhân vật thường xuất hiện cùng anh trên các clip.
Khi đó, có người xem bình luận khen cháu nay lớn rồi và đề nghị "em muốn làm cháu dâu của anh quá" và Thiện Nhân vui vẻ đáp lại "Anh có nhận cháu dâu nhé!" trên tinh thần tương tác vui vẻ với người xem.
Ngoài nội dung này, phiên livestream được nhận định có chứa các từ ngữ trêu ghẹo nhạy cảm liên quan đến trẻ em. "10 phút tiếp theo livestream của mình bị TikTok buộc dừng. Sau 30 ngày xem xét vi phạm, TikTok quyết định dừng hoạt động tài khoản" - Thiện Nhân nói. "Nhân đã nhận rất nhiều giải thưởng của TikTok nhưng khi vi phạm vẫn bị khóa kênh như thường, không có ngoại lệ.
Do đó, các nhà sáng tạo nội dung nên chú ý tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn an toàn,… để tránh việc mất kênh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận