Trailer phim Tigertail của đạo diễn Alan Yang
Tigertail (Hổ Vĩ) là tên phim và là tên thị trấn ở Đài Loan nơi nhân vật chính, Phẩm Thụy, được sinh ra. Phẩm Thụy mồ côi cha, phải về quê sống cùng ông bà vì mẹ không đủ tiền nuôi nấng.
Tigertail được Alan Yang, đạo diễn 36 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan, lấy cảm hứng từ cuộc đời của cha mình. Phẩm Thụy (Tzi Ma đóng lúc già, Hong Chi-Lee đóng lúc trẻ) là hình ảnh người cha ấy: kết hôn sắp đặt để theo đuổi giấc mơ Mỹ, bỏ lại mối tình đầu, không hòa hợp với con cái rồi có một tuổi già cô đơn.
Phim chọn chủ đề tốt nhưng dường như trải nghiệm của Alan Yang về quê mẹ Đài Loan không sâu sắc nên phim còn nhiều khuyết điểm.
Tính cách vị kỷ và cuộc đời nhiều mảnh vỡ
Tính cách Phẩm Thụy thuở nhỏ không được mô tả rõ ràng, nên khán giả có phần bất ngờ vì khi lớn lên, anh trở thành người vị kỷ, làm mọi thứ vì lợi ích của bản thân. Đây là lựa chọn tốt của nhà làm phim, khi tạo mâu thuẫn ngay từ đầu: nhân vật chính không đơn giản, thuần khiết.
Nhân vật chính Phẩm Thụy (Hong Chi-Lee đóng thời trẻ)
Khi còn bé, Phẩm Thụy đơn độc trong chính ngôi nhà của ông bà. Tuổi thơ của cậu bước sang trang mới khi gặp cô bạn nhỏ Lý Viên. Cả hai trải qua những năm tháng đầy lưu luyến ở làng quê.
Lớn lên, Phẩm Thụy và Lý Viên tái ngộ ở Hổ Vĩ. Họ yêu nhau vì đều có niềm say mê âm nhạc, nhảy nhót và khá nổi loạn. Mặc dù vậy, Phẩm Thụy mặc cảm do nghèo khổ, chấp nhận không có tương lai với Lý Viên, cô con gái nhà giàu. Giấc mơ Phẩm Thụy là được đến Mỹ, và trong giấc mơ đó không hề có bóng dáng Lý Viên.
Là công nhân ở nhà máy nơi mẹ mình làm việc, Phẩm Thụy được ông chủ để ý, đề nghị anh cùng con gái Trân Trân của ông sang Mỹ sinh sống.
Nhưng giữa Phẩm Thụy và Trân Trân không có lấy một điểm chung. Mặc dù vậy, Phẩm Thụy quyết định cùng Trân Trân sang Mỹ và họ trói buộc nhau vào cuộc hôn nhân không tình yêu...
Tình yêu thời trẻ say đắm nhưng không lối thoát
Hướng đi của cuộc đời Phẩm Thụy trong phim hoàn toàn hợp lý với đường dây tính cách nhân vật. Trong cả tình yêu lẫn cuộc sống gia đình sau này, mọi lựa chọn của Phẩm Thụy đều vì bản thân mình trước tiên.
Phẩm Thụy và Trân Trân bước vào cuộc hôn nhân không tình yêu vì mong muốn sang Mỹ
Cô đơn cả khi giấc mơ Mỹ thành hiện thực
Những mâu thuẫn, đứt gãy trong cuộc đời của người châu Á tại Mỹ và con cháu họ mà Tigertail đặt ra đều xác đáng. Tiếc thay, phim thiếu cụ thể và sắc bén khi thể hiện chủ đề, dẫn đến cảm giác nông về tâm lý, đơn điệu và hời hợt về tình tiết.
Khung cảnh Đài Loan mấy chục năm trước, khi Phẩm Thụy và Lý Viên hẹn hò, trông rất hoài cổ với gam màu đỏ của cảnh vật và trang phục. Nhân vật Lý Viên thường mặc váy đỏ, để tóc mái rũ xuống mặt đầy quyến rũ, là đại diện cho sự phóng khoáng và đắm say của tuổi trẻ, cũng là một tuổi trẻ Phẩm Thụy đánh đổi để chạy theo giấc mơ Mỹ.
Lý Viên là nhân vật nữ ấn tượng trong phim, để lại nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời Phẩm Thụy
Mặc dù vậy, sẽ rất khập khiễng nếu so sánh Tigertail với phim Vương Gia Vệ, vì Tigertail chưa thể khắc họa được sự u hoài day dứt khó nguôi về một thời xưa cũ. Có thể, đạo diễn Alan Yang không có trải nghiệm về tuổi trẻ ở Đài Loan ngày trước, như cha ông, nên mô tả chưa đủ chân thực, đích đáng.
Đến thời hiện tại, màu sắc là tông nhạt như trắng, vàng, nâu nhạt hoặc màu tối của nội thất trong các căn nhà của Phẩm Thụy và con gái, của quán ăn nơi cha con gặp mặt. Một cuộc sống Mỹ đủ đầy hơn, tiện nghi hơn đúng như ước mơ của Phẩm Thụy thời trẻ.
Phẩm Thụy cô độc khi về già vì chính lối sống của mình
Nhưng giấc mơ Mỹ của Phẩm Thụy không vì thế mà vẹn toàn khi ông hoàn toàn cô đơn, bị người thân lần lượt rời bỏ.
Cũng ở thời kỳ này, xuất hiện một nhân vật ấn tượng nhưng chưa được khai thác đủ sâu: cô con gái Angela (Christine Ko). Angela là điển hình thế hệ F1 của người nhập cư tại Mỹ: nói tiếng Mỹ chuẩn, có lối sống Mỹ, yêu hết mình nhưng mất kết nối với cội nguồn và do đó, luôn có cảm giác chông chênh, cô độc.
Lỗi nằm ở người cha, ông không kể cho con gái về quá khứ ở Đài Loan, tách biệt con gái với bà nội. Dường như, đằng sau hành động chia tách con gái, ông đồng thời chối bỏ nguồn cội của mình.
Angela, nhân vật điển hình cho thế hệ hậu sinh của người nhập cư châu Á tại Mỹ nhưng không được khai thác kỹ
Song song với việc cố gắng kết nối và mở lòng với Angela, Phẩm Thụy từng bước lần giở quá khứ, nhớ về từng người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời ông: bà ngoại, mẹ, Lý Viên, Trân Trân và cuối cùng là Angela.
Tigertail nền tảng là những ý tưởng tốt, được kể bằng cái tứ tốt là gắn những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Phẩm Thụy vào những người phụ nữ đặc biệt. Mặc dù vậy, phim gây cảm giác làm chưa tới nên để lại nhiều tiếc nuối.
Tigertail là phim Mỹ, sử dụng 3 ngôn ngữ: tiếng Đài Loan, tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Dàn diễn viên bao gồm: Tzi Ma, Hong Chi-Lee, Joan Chen, Christine Ko, Fiona Fu, Kunjue Li...
Một số hình ảnh trong phim:
Cánh đồng lúa trong phim là cách mô tả có phần ước lệ về làng quê Đài Loan
Tuổi thơ trôi qua khá nhanh trong lời kể của Phẩm Thụy
Phim cũng cho thấy vết thương của hôn nhân không tình yêu để lại trong cuộc đời mỗi người và con cháu họ
Những bậc phụ huynh châu Á tại Mỹ gặp khó khăn khi kết nối với con cái
Mối tình trong quá khứ chỉ thuộc về dĩ vãng, khi mỗi người đã có cuộc đời riêng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận