08/11/2024 09:25 GMT+7

Tiểu vùng Mekong cần thay đổi tư duy để giải quyết những thách thức mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra định hướng phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tối ưu thời gian, đề cao trí tuệ trong mọi hoạt động kinh tế.

Tiểu vùng Mekong cần thay đổi tư duy để giải quyết những thách thức mới - Ảnh 1.

Hội nghị hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng đưa ra thông điệp phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NHẬT BẮC

Ngày 7-11, hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 diễn ra tại TP Côn Minh (Trung Quốc) với chủ đề "Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển đổi mới sáng tạo".

Hội nghị được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, đòi hỏi các nước phải thay đổi tư duy để giải quyết những thách thức mới trong tiểu vùng.

Phát triển các hành lang kinh tế mới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh GMS cần liên tục đổi mới và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo đó, GMS cần tập trung xây dựng các hành lang kinh tế thế hệ mới, lấy đổi mới sáng tạo làm trung tâm.

Ba nội hàm chính của hành lang kinh tế được đề xuất gồm: hành lang công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy động lực tăng trưởng cũ và mới; xây dựng hành lang kinh tế xanh, bền vững và bao trùm, lấy con người làm trung tâm.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nước chủ nhà hội nghị, nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thành quả đổi mới, thúc đẩy kết nối hạ tầng cứng và mềm để tăng cường liên kết tiểu vùng.

Các lãnh đạo GMS cũng nhận thấy cần hợp tác để ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Do đó các bên đã thống nhất xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo GMS với 3 trụ cột chính: số hóa, chuyển đổi xanh và kết nối.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra, việc tìm kiếm những động lực mới trong hợp tác và tăng trưởng kinh tế trở nên cấp thiết, đòi hỏi các nước tiểu vùng Mekong phải hợp tác chặt chẽ hơn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với vai trò điều phối thông qua ban thư ký GMS, đã đưa ra nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy hợp tác cho các nước trong tiểu vùng Mekong.

Trong thập niên tới, các thành viên GMS sẽ phải đối mặt với thách thức kép: vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo sự bền vững của môi trường.

Cùng với đó là những vấn đề như: cải cách thể chế, đặc biệt là cơ chế để doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận nguồn lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đô thị hóa nhanh cùng những vấn đề môi trường và nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Các thách thức môi trường xuyên biên giới đòi hỏi cung cấp đủ thực phẩm, năng lượng, nước và tài nguyên khác.

Ngoài ra, công nghệ và số hóa cần phát triển, đặc biệt là công nghệ xanh. Ngành nông nghiệp cần nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và tiếp cận tài chính, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thích ứng với những yêu cầu đổi mới.

Tận dụng cơ hội từ kết nối thực chất

Dù vậy ADB cũng chỉ ra những cơ hội mà các thành viên GMS cần tận dụng dựa trên việc phát huy các điểm mạnh. Đó là tinh thần hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là phát triển các hành lang kết nối, tầm nhìn chung về những dự án ưu tiên trong giai đoạn mới.

Đó là công nghệ, tăng trưởng xanh, ưu tiên cho khu vực tư nhân và kích thích nguồn tài chính tư nhân... Đặc biệt nhờ nền tảng kết nối xuyên biên giới đã được xây dựng, cùng với sự phát triển thương mại năng động của các thành viên GMS, tiểu vùng có tiềm năng lớn để gia tăng chuỗi giá trị.

Việc tăng cường kết nối mang tính thực chất, hiệu quả trên nền tảng phát triển bền vững cũng là vấn đề được nêu ra tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10 diễn ra cùng ngày.

Trong đó, ngoài việc kết nối giao thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, thì việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hợp tác nguồn nước là những vấn đề được 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhất trí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có hành động cụ thể, trọng tâm và khả thi để thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, gắn kết phát triển bền vững với sự quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong.

Phát triển kinh tế xanh và bền vững cho tiểu vùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Lê Minh Nhựt, khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, cho rằng trước thách thức nghiêm trọng về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, các kết quả từ hội nghị sẽ giúp xây dựng nền tảng hợp tác bền chặt hơn giữa các nước, với các cơ chế ràng buộc cao và khả thi hơn.

Việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế mới sẽ tăng tiềm năng phát triển chung và giảm phụ thuộc vào khai thác quá mức sông Mekong, tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng.

Các lĩnh vực kinh tế mới như du lịch nông thôn, kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn đang được chú trọng phát triển. Những ngành này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp giảm bớt áp lực lên nông nghiệp truyền thống, bảo vệ hệ sinh thái của lưu vực Mekong.

Đặc biệt, với tư duy đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0, khu vực Mekong sẽ có thêm triển vọng để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững hơn.

Tiểu vùng Mekong cần thay đổi tư duy để giải quyết những thách thức mới - Ảnh 2.Thủ tướng đến Trung Quốc dự Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng

7h55 sáng 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao đã rời sân bay Nội Bài lên đường đi Trung Quốc tham dự Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên