Ngày 19-8, tạp chí Công Thương đã tổ chức tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách".
Ngành sản xuất dùng nhiều điện nhưng chưa thực sự tiết kiệm
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 7 tháng đầu năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế rất cao, đặc biệt tăng trưởng về điện. Năm 2023 tăng trưởng đạt được 4,29%, tuy nhiên 7 tháng đầu năm của năm 2024 tăng trưởng về điện đã đạt ở mức 14%.
Trong khi đó, cơ cấu tỉ trọng các ngành sản xuất đang chiếm tới 51% sản lượng của điện thương phẩm, tức là tiêu tốn khoảng 210 tỉ kWh/năm. Vì vậy sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất có một tác động rất lớn tới sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện.
Tuy nhiên, theo ông Dũng chỉ ra thì nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện của doanh nghiệp đâu đó vẫn còn hạn chế. Có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện, không đủ năng lực hay cũng chưa tiếp cận được với những công nghệ, khó khăn về mặt tài chính.
Nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.
Thêm nữa, chính sách giá điện đang thực hiện theo quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014.
Trong đó với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ 84% đến 92% giá bình quân, và giờ thấp điểm là từ 52-59% giá bình quân.
"Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất đâu đó cũng chưa được quan tâm một cách thực sự" - ông Dũng chỉ ra, và cho rằng tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn.
Vị đại diện EVN cũng dẫn ra số liệu của các tổ chức quốc tế chúng ta có thể tiết kiệm được 20-30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp.
Còn theo Bộ Công Thương có thể tiết kiệm được 30-35% - con số lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất.
Sẽ đề xuất quỹ hỗ trợ hoạt động tiết kiệm năng lượng
Ông Mạch Đình Khoa - giám đốc phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam - cho hay với một số ngành, chi phí điện đang chiếm 15 - 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm.
Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.
Đặc biệt với thị trường xuất khẩu, điều này tạo sự cạnh tranh lớn, khi tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng nhiều yếu tố liên quan đến việc thống kê và sử dụng phát thải carbon.
"Chúng ta có tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua đó chúng ta giảm khí thải carbon tốt, đó là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp chúng ta có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu" - ông Khoa đánh giá.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đặng Hải Dũng - phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương - cho hay sẽ cố gắng trình Quốc hội xây dựng một quỹ hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Cùng với đó tăng cường quản lý nhà nước thực hiện quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn. Có nghĩa là phải sửa đổi mức tiêu thụ năng lượng xuống để làm sao đưa ra được nhiều hoạt động về quản lý năng lượng.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, chuẩn bị về con người để thích hợp, thích nghi, tiếp cận hoặc vận hành các công nghệ mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận