Tiêu tiền để hạnh phúc

DƯƠNG LIỄU 03/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Thay vì đốt hết tiền cho một trải nghiệm nào đó, tôi sẽ cân nhắc lại và suy nghĩ xem cái “hạnh phúc” của tôi nó đặt ở đâu.

 
 Ảnh: Zac Freeland/VOX

Trước khi tôi đi làm, gia đình tôi còn thuộc diện nghèo. Lớn lên với tài chính gia đình như vậy nên tôi không có chút ham muốn nào với hàng hiệu, thời trang hay công nghệ. Nhu cầu đơn giản thành ra tôi cũng chẳng hề có ham muốn kiếm tiền.

Nhưng nói vậy không có nghĩa tôi chưa bao giờ có khủng hoảng tài chính. Năm 2018, tôi chuyển ra ở riêng, kèm theo một số bước ngoặt trong sự nghiệp đã khiến tôi lần đầu tiên đổ nợ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, giai đoạn đó tôi đã chấp nhận làm tất cả mọi thứ có thể, cả việc thích lẫn không thích. Tuy khó khăn nhưng nó cho tôi nhiều cơ hội, trải nghiệm và bài học và cũng giúp rèn giũa các kỹ năng của tôi, giúp tôi nhận ra trong tay mình đang có những “cần câu cơm” nào có thể thỏa mãn được tất cả các nhu cầu chính: kiếm ra tiền, có niềm vui, hữu ích cho cuộc sống.

Hiện giờ thuật ngữ FOMO (Fear of Missing Out, sợ bỏ lỡ) đã rất phổ biến trong tài chính, đầu tư, giải trí… Còn tôi đã biết về trạng thái đó từ mười mấy năm trước khi đi du học Singapore nhưng là bằng tiếng Phúc Kiến - kiasu, hiểu đơn giản là “nỗi sợ mất”.

Tôi luôn kiasu với trải nghiệm mỹ học. Dù là trong giai đoạn thoải mái hay khó khăn, tôi chưa bao giờ bỏ lỡ một vở opera, ballet, đêm nhạc hay mùi nước hoa tôi yêu thích. Có một lần tôi được mời làm phiên dịch với giá 2 triệu một giờ. Đó là số tiền không nhỏ với một người trẻ mới đi làm và yêu cầu công việc cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng tôi đã từ chối vì nó trùng giờ với một buổi hòa nhạc.

Khỏi phải nói, gia đình lẫn bạn bè khi biết chuyện đều ít nhiều phản đối quyết định này. Nhưng tôi thì không hối hận. Vì không nhận việc đó, tôi vẫn có thể kiếm ra tiền cách khác, không được nhiều như vậy nhưng cũng sẽ cho tôi nhiều kinh nghiệm. Còn buổi hòa nhạc thì chỉ diễn ra có một lần mỗi năm. Đến lúc đi xem xong tôi mới biết buổi diễn hôm đó cũng là buổi diễn cuối cùng của nghệ sĩ Cho Haeryong, giảng viên Nhạc viện TP.HCM và cũng là huấn luyện thanh nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Chị đã tạm biệt Việt Nam để trở về quê hương Hàn Quốc.

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra sự quan trọng của mỹ học trong triết học và trong cuộc sống. Với tôi thì những trải nghiệm nghệ thuật và cái đẹp khiến tôi có một lăng kính khác về mọi thứ xung quanh và thế giới trẻ nên sâu sắc, tươi đẹp hơn trước rất nhiều. Có một câu nói trên mạng là: tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng thứ làm bạn hạnh phúc thì có thể mua được bằng tiền. Tôi nghĩ câu nói này chính xác với tôi và tôi mua trải nghiệm để khiến bản thân hạnh phúc.

Tất nhiên hạnh phúc là một cái mốc rất tượng trưng và nhu cầu con người thì chẳng có điểm dừng. Tôi đã không ít lần vung tay quá trán, cố đấm ăn xôi chỉ vì quá sợ mất, đến mức bất chấp cái giá phải trả. Vì tôi biết tôi có khả năng kiếm được tiền, cho nên cũng chẳng thiếu những lần ỷ y, tiêu pha rồi sau này kiếm ra trả lại. Bởi thế nên nếu có bất trắc xảy ra thì lúc ấy mới tá hỏa.

Tôi cũng chịu nhiều áp lực từ gia đình lẫn xã hội, đặc biệt khi xung quanh đầy tin nhan nhản về các tỉ phú trẻ thành công, bạn bè thì hết người này đến người kia bàn về kế hoạch đầu tư, mua bán. Tôi có thể lờ mờ nhận ra có những người bạn dần dần không còn thân thiết nữa vì cả hai không chung mối quan tâm.

Cũng có lúc ham muốn có nhiều tiền hơn trong tôi trỗi dậy nhưng khi đâm đầu vào guồng quay thì tôi cảm thấy bản thân như bị vắt kiệt và những điều thường ngày như giao tiếp, ăn uống chẳng còn mang đến chút niềm vui nào. Tôi trở nên cáu bẳn với người thân, căng thẳng và chán ghét cuộc sống. Vậy là tôi lại rút khỏi những điều đó, quay về một cuộc sống “bình thường”.

Hiện tại, tôi chia thu nhập thành các khoản riêng theo thứ tự ưu tiên: nhu cầu căn bản, sau đó là tiết kiệm, trải nghiệm và từ thiện. Thay vì đốt hết tiền cho một trải nghiệm nào đó, tôi sẽ cân nhắc lại và suy nghĩ xem cái “hạnh phúc” của tôi nó đặt ở đâu. Giữa việc có ngay một chai nước hoa nữa hay là để phần đó cho một dự án giáo dục mà tôi có thể chia sẻ nhiều trải nghiệm tuyệt vời với những người chưa có cơ hội được tiếp cận, điều gì sẽ khiến tôi vui hơn?

Cuối cùng thì tiền vẫn được dùng để tiêu cho những thứ khiến tôi hạnh phúc, có điều nghĩa của hạnh phúc đã rộng ra, bớt cá nhân hơn và cũng bớt ngông cuồng. Tôi vẫn tự đánh giá bản thân là người rất may mắn, vì có khả năng kiếm tiền và cũng không có quá nhiều áp lực với vấn đề tài chính. Nhưng trên hết, sự thỏa mãn tài chính đến với tôi khi tôi biết cân nhắc, tiết chế để học cách tự hài lòng với những gì đang có. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận