Sáng 10-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đồng thời xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4-2023.
4.240 chủ hộ kinh doanh phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Trình bày báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu việc cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Bình, qua giám sát cho thấy, theo quy định của pháp luật, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nhưng từ tháng 1-2003 đến tháng 12-2021, cơ quan bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương đã thu bảo hiểm này đối với những trường hợp nêu trên.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 9-2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do việc này thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng được gần 20 năm.
Điều này đã khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện bảo hiểm xã hội tỉnh ra tòa án.
Theo Ban Dân nguyện, sự việc trên đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh cá thể, cần được quan tâm giải quyết dứt điểm. Từ đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phương án giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những sai sót tương tự.
Kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Còn trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4-2023, ông Dương Thanh Bình cho biết thời gian qua cử tri, nhân dân lo lắng về vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua.
Từ thực tế đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để tăng cường tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận