Một trong những lý do được tính đến, đó là việc nhiều ngành hàng nông sản quá phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Đẩy mạnh thị trường nội địa và thị trường mới
Sau cú sốc về sụt giảm chưa từng có cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong quý I/2015, ngành cà phê đang tỉnh táo nhìn lại thị trường tiêu thụ. Thị trường nội địa vốn chỉ chiếm 10% lượng tiêu thụ, giờ được coi là thị trường tiềm năng lớn của sản xuất cà phê.
Đại diện Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho biết, những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia vẫn có lượng tiêu thụ nội địa khoảng 35%. Còn hiện tại, thị trường nội địa của cà phê Việt Nam vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, vì vậy hiệp hội sẽ thúc đẩy tiêu thụ nội địa trong thời gian tới lên khoảng 15%.
Tương tự như cà phê, ngành hàng thủy sản từng đóng góp tới 30% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản cũng tìm hướng mới trong công tác thị trường.
Thực tế, cùng với sự phục hồi của nhiều nước có năng lực sản xuất thủy sản, các chính sách bảo hộ nông nghiệp của các quốc gia cũng phát huy mạnh mẽ; trong quý I/2015, ngành hàng thủy sản đã giảm hơn 20% về giá trị xuất khẩu.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sự sụt giảm đang diễn ra ở các thị trường truyền thống. Chỉ tính riêng thị trường Hoa Kỳ, do ảnh hưởng của việc chống bán phá giá đã khiến giá trị xuất khẩu quý I/2015 giảm tới 44%. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nhiều thị trường trọng điểm như Nhật Bản giảm 11,73%; thị trường châu Âu cũng giảm do ảnh hưởng đồng yên và euro giảm giá so với USD. Trong lúc này, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhưng đến nay, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga vẫn chưa thể hồi phục...
Hiện nay các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang chuyển hướng sang tìm đối tác và thị trường xuất khẩu mới như châu Á, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước Ả Rập.
Thị trường Hàn Quốc được đánh giá giàu tiềm năng và không quá khắt khe về kỹ thuật; thị trường các nước Ả Rập tuy mới thâm nhập vài lô hàng đầu tiên nhưng được đánh giá tiềm năng rất cao từ các nhà sản xuất. Còn thị trường Trung Quốc, Hồng Kông có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ẩm thực nên dễ thâm nhập, vấn đề là phương thức thanh toán cho phù hợp.
Dồn lực dọn đường
Đứng dưới góc độ quản lý sản xuất, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều biện pháp tích cực để quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc nông sản. Các lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có các buổi làm việc cụ thể với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và họp trực tuyến với các địa phương về vấn đề hội nhập và tiêu thụ nông sản, và lắng nghe chi tiết để “gỡ khó” cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ chủ động tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, nhằm kết nối giữa vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản với hệ thống phân phối.
Việc kết nối cung cầu sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các chợ đầu mối, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ thông qua hệ thống logistic, cơ sở hạ tầng hiện đại. Việc phối hợp kịp thời của các doanh nghiệp phân phối, các chợ đầu mối trực tiếp kết nối và thu mua những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc tiêu thụ cũng như đặt ra các yêu cầu cho các nhà sản xuất đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt.
Cùng với đó, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thì Bộ Công Thương cũng chú trọng các chương trình xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng nông sản Việt Nam.
Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ được nhà nước hỗ trợ trong các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước cũng như tại thị trường nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận