
Họp báo giới thiệu triển lãm - Ảnh: N.KH.
Ngày 18-2, Hiệp hội Kỹ thuật cơ khí VDMA đã có họp báo về triển lãm cho ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm dạng lỏng (Drinktec 2025), đã đưa ra những nhận định về thị trường máy móc toàn cầu, xu hướng tiêu dùng cũng như các chủ đề nổi bật tại Drinktec 2025.
Theo đánh giá, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu là một trong những lĩnh vực tăng trưởng năng động nhất, và đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên ngành này cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực về giá cả, sự đổi mới sản phẩm liên tục và vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn hơn.
Vì vậy, việc đầu tư thường xuyên vào các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu suất, tăng tính linh hoạt cũng như tối ưu hóa các quy trình sản xuất và đóng gói bền vững đang thúc đẩy nhu cầu cao đối với máy móc.
Cạnh tranh yêu cầu đổi mới liên tục, vòng đời ngắn hơn
Đại diện VDMA cho hay tổng kim ngạch thương mại toàn cầu của máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua.
Trong 10 năm từ 2014 - 2023, tổng giá trị thương mại quốc tế của ngành - dựa trên dữ liệu xuất khẩu từ 52 quốc gia công nghiệp - đạt 428 tỉ euro, tương ứng với mức tăng trưởng 46%.
Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói sang châu Á đạt khoảng 9 - 10 tỉ USD mỗi năm. Việt Nam cũng chủ yếu nhập khẩu các loại máy móc này.
Riêng năm 2023, tổng giá trị máy móc được nhập khẩu vào Việt Nam đạt 517 triệu euro, trong đó một nửa đến từ Trung Quốc.
Ý xếp thứ hai với 50 triệu euro, tiếp theo là Nhật Bản (44 triệu euro), và Hàn Quốc (43 triệu euro). Đức đứng thứ năm trong danh sách top 10 quốc gia cung cấp hàng đầu, với tổng kim ngạch xuất khẩu 32 triệu euro vào Việt Nam.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói từ châu Âu sang Việt Nam tăng 27%, đạt 130 triệu euro, trong đó gần một nửa số máy móc đến từ Đức. Do đó, VDMA nhận định đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ.

Ảnh minh họa đồ uống có cồn do AI thực hiện
Triển vọng thị trường đồ uống Việt Nam tích cực
Triển vọng thị trường đồ uống cũng được đánh giá là tích cực, khi Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 thị trường đồ uống lớn nhất châu Á. Sự cạnh tranh sôi động từ phía cung ứng, cùng với thu nhập ngày càng tăng và dân số trẻ từ phía cầu, đang thúc đẩy doanh số bán hàng của thị trường này.
Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt gần 6 tỉ lít, với dự báo sẽ tăng 28% vào năm 2028. Dự báo, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam sẽ tăng gần 50%, từ 4,3 tỉ lít lên 6,5 tỉ lít vào năm 2028, mức tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường lớn nhất châu Á.
Ông Markus Kosak, giám đốc điều hành chuỗi triển lãm Drinktec tại YONTEX, chia sẻ xu hướng cá nhân hóa cũng ngày càng phát triển. Điều này thúc đẩy nhu cầu về những công thức sản phẩm được thiết kế riêng dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng.
Ngoài ra, chủ đề “Data2Value” tại triển lãm sẽ đi sâu vào các hoạt động số hóa trong ngành, nhấn mạnh cách công cụ trí tuệ nhân tạo AI đang mở rộng tiềm năng ứng dụng dữ liệu trên toàn bộ chuỗi giá trị.
Ngoài ra, các khảo sát thị trường cho thấy, sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững vẫn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu trong nhận thức của người tiêu dùng. Với nhiều nhà sản xuất đồ uống, yếu tố này thậm chí đã trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận