Dự báo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM trong thời gian tới sẽ những có ngày lượng tiêu thụ điện vượt 100 triệu kWh/ngày.
Sản lượng điện tiêu thụ chưa từng ghi nhận
Tháng 3 và tháng 4 năm nay, TP.HCM vừa vào cao điểm nắng nóng nhưng sản lượng điện tiêu thụ của TP.HCM liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (đỉnh hiện tại 94,8 triệu kWh vào ngày 6-5-2023).
Có thể điểm qua một số ngày sản lượng điện tiêu thụ của TP vượt mốc đỉnh như ngày 3-4 đạt 95,12 triệu kWh. Ngay hôm sau 4-4 kỷ lục đã bị phá vỡ khi lượng điện tiêu thụ đạt đỉnh 95,17 triệu kWh.
Ngày 5-4 đỉnh mới lại được lập khi đạt 96,89 triệu kWh. Đến ngày 9-4 đạt hơn 97,87 triệu kWh (tăng hơn 3 triệu kWh so với đỉnh của năm 2023). Đây cũng là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất, chưa có trong lịch sử tại TP.HCM.
Thống kê của ngành điện TP.HCM cho thấy sản lượng điện tiêu thụ bình quân/ngày trong tháng 3 năm nay đạt 84,84 triệu kWh/ngày.
Số liệu này cũng tăng 8,31% so với cùng kỳ năm 2023. Ba tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ tại TP tăng tới xấp xỉ 11% so với năm 2023. Đây cũng là mức tăng cao nhất hơn 10 năm qua.
Cụ thể nhóm khách hàng sản xuất tăng 5,3%; nhóm khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình tăng gần 15%.
Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết nắng nóng là nguyên nhân chính. Những ngày qua, thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện với các thiết bị làm mát rất cao.
Điều này cũng là nguyên nhân khiến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.
"Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới và tháng sẽ còn vượt đỉnh vừa qua", ông Kiên nói.
Nhiều mẹo tiết kiệm điện
Theo ông Bùi Trung Kiên, để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, ngành điện TP tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện.
Đơn vị cũng sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu. Để tiết kiệm, an toàn nguồn điện, EVNHCMC cũng khuyến nghị người dân sử dụng các giải pháp giảm lượng tiêu hao điện không đáng có như: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, thường xuyên vệ sinh thiết bị điện.
Chỉ sử dụng máy lạnh khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp. Ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao.
Ông Phạm Quốc Bảo - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Đối với máy lạnh, thiết bị "ngốn" điện nhiều nhất, ông Bảo khuyên người dân điều chỉnh máy ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên; mở máy trễ 60 phút và tắt máy sớm 60 phút so với thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc.
Một số việc làm khác tuy nhỏ nhưng cũng góp phần tiết kiệm điện như tắt hoặc giảm 50% công suất chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; Dừng hoạt động 50% số thang máy…
Máy lạnh tiêu thụ điện nhiều nhất
Theo nhận định, điện năng tiêu thụ của máy lạnh chiếm 28-64% lượng điện của hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, tủ lạnh 6-22%.
Mỗi khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của máy lạnh tăng 2-3%. Hoặc nếu nhiệt độ cài đặt của máy lạnh trong phòng thấp thì tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5-3%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận