13/12/2023 10:45 GMT+7

Tiểu sa mạc của người Chăm đổi màu xanh nhờ ‘rau vua’

DUY NGỌC
và 1 tác giả khác

Vùng 'tiểu sa mạc' thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đổi màu xanh nhờ 'rau vua' măng tây.

Người Chăm ở thôn Tuấn Tú thu hoạch măng tây - Ảnh: M.V.

Người Chăm ở thôn Tuấn Tú thu hoạch măng tây - Ảnh: M.V.

10 năm trước, vùng đất Tuấn Tú khô cằn là một tiểu sa mạc đúng nghĩa. Mảnh đất sinh sống của đồng bào Chăm là vùng bạch sa động (cát trắng bay - PV) với toàn cát là cát.

Gần đây, Tuấn Tú hồi sinh bởi màu xanh tươi tốt của những vườn trồng cây măng tây xanh - được đồng bào Chăm ví như “rau vua”. 

Đổi màu tiểu sa mạc

Vườn măng tây xanh ngát trên vùng đất vốn chỉ toàn cát trắng - Ảnh: M.V.

Vườn măng tây xanh ngát trên vùng đất vốn chỉ toàn cát trắng - Ảnh: M.V.

Ngày trước đất ở Tuấn Tú chỉ là cát trắng, nên bà con thường đi làm thuê, cuộc sống bấp bênh, ăn bữa nay phải chạy lo bữa mai.

Đang loay hoay chăm sóc vườn măng tây, ông Nạo Văn Xây ở thôn Tuấn Tú kể: “Khoảng chục năm về trước, vùng đất 'bạch sa động' Tuấn Tú chỉ có xương rồng và cát trắng, nên bà con khó trồng được loại cây nào. Ngày đó gia đình tôi cũng vậy, chỉ biết đi làm mướn nên chỉ đủ ăn qua ngày.

Nhưng bây giờ, cây măng tây được đưa về Tuấn Tú trồng phát triển rất tốt, cuộc sống đã được đổi thay. Tôi cũng xây được căn nhà khang trang, có của ăn, của để”.

Ông Xây cho biết sau một đêm, cây măng có thể dài thêm 10 - 15cm. Cây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên người trồng thường thu hoạch vào khoảng 5 - 6h sáng, lúc măng còn tươi, giòn, chưa lên bông. 

Là người tiên phong phát triển mô hình măng tây, ông Hùng Ky kể ngày trước gia đình ông trồng thử nghiệm 4 sào (4.000m2) măng tây. Thấy cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông dần mở rộng diện tích lên 2,4ha và đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tiết kiệm, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Sau khi thu hoạch, người dân rửa 3 lần nước sạch trước khi mang đi bán cho hợp tác xã - Ảnh: M.V.

Sau khi thu hoạch, người dân rửa 3 lần nước sạch trước khi mang đi bán cho hợp tác xã - Ảnh: M.V.

“Thấy tôi phát triển cây măng tây, nhiều bà con ở xã An Hải cũng đầu tư tiền đào giếng rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Hiện nay cây măng tây đã dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả như đậu phộng, hành tím, cải trắng” - ông Ky nói.

“Sau mỗi vụ cho cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong thời gian gần chục năm. Mỗi năm bà con ở đây có thể thu lãi 400-500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích” - ông Ky nói.

Nước về, dân Tuấn Tú giàu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ra đời năm 2016 với 13 thành viên trồng cây măng tây. Năm đầu tiên, hợp tác xã vừa thu mua sản phẩm của xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp tại địa phương để tiêu thụ măng tây xanh, với giá ổn định suốt năm là 50.000 đồng/kg.

Từ vùng cát cháy, thôn Tuấn Tú của người Chăm thành vùng đất xanh mát. Người dân dùng hệ thống tưới tự động để canh tác măng tây - Ảnh: M.V.

Từ vùng cát cháy, thôn Tuấn Tú của người Chăm thành vùng đất xanh mát. Người dân dùng hệ thống tưới tự động để canh tác măng tây - Ảnh: M.V.

Đến nay, thành viên hợp tác xã đã tăng lên 84 người, diện tích trồng cây măng tây tăng hơn 55ha. Hàng chục hộ nghèo đã khấm khá, làm giàu. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại thôn Tuấn Tú khoảng 52 triệu/người/năm.

Ông Đặng Kim Cương - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận - cho biết: "Từ năm 2019 trở đi, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cấp vốn đầu tư trạm bơm đưa nước từ đập Tuấn Tú lên khu vực đất sa mạc thôn Tuấn Tú. Có nước, người dân mạnh dạn đầu tư trồng cây măng tây. Đến nay diện tích đã tăng lên 300ha".

Măng tây của người Chăm được sơ chế ngay từ khi rời vườn, nên khi hợp tác xã thu vào là chuyển đến siêu thị luôn - Ảnh: M.V.

Măng tây của người Chăm được sơ chế ngay từ khi rời vườn, nên khi hợp tác xã thu vào là chuyển đến siêu thị luôn - Ảnh: M.V.

Ông Cương nhấn mạnh: “Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn xin cơ chế vay Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB đầu tư 5 dự án với tổng vốn 1.350 tỉ đồng. Gần như toàn bộ vốn vay ưu đãi tỉnh đầu tư vào hạ tầng thủy lợi. 

Trước khi đầu tư vào hệ thống thủy lợi, nhiều vùng của Ninh Thuận có nước không sử dụng hết, còn nhiều nơi khát khô, hạn cháy. Giờ thì khác, nước được phân phối đều theo mùa vụ của nông dân”.

Từ mô hình Tuấn Tú thoát nghèo, Ninh Thuận xác định đầu tư mạnh vào thủy lợi để thúc đẩy thoát nghèo bền vững - Ảnh: M.V.

Từ mô hình Tuấn Tú thoát nghèo, Ninh Thuận xác định đầu tư mạnh vào thủy lợi để thúc đẩy thoát nghèo bền vững - Ảnh: M.V.

Mở rộng diện tích "rau vua" thoát nghèo

Theo ông Đặng Kim Cương, thấy hiệu quả từ “rau vua”, bà con người Chăm bắt đầu nghĩ đến việc cung ứng sản phẩm đến các tỉnh, thành phố khác xa hơn TP.HCM, Đà Nẵng.

"Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm hệ thống thủy lợi để mở rộng diện tích canh tác măng tây lên 500ha, với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao số lượng người dân thoát nghèo”, ông cho hay.

Tiểu sa mạc của người Chăm đổi màu xanh nhờ ‘rau vua’- Ảnh 7.

Ninh Thuận nói 11ha rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng là rừng nghèo kiệtNinh Thuận nói 11ha rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng là rừng nghèo kiệt

Trước lo lắng mất rừng của dư luận, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết 11,5ha rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia Núi Chúa dự kiến lấy làm dự án khu nghỉ dưỡng là rừng núi đá nghèo kiệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên