"Cho tới giờ, chúng ta đều biết năm học 2021-22 sẽ không thể là một năm học “bình thường”. Ngay cả ở nhiều quốc gia, nơi đã đạt tỉ lệ tiêm chủng cao và bắt đầu tiêm chủng ngừa covid cho trẻ trên 12 tuổi, cho phép trẻ em tới trường với khẩu trang bắt buộc… những thách thức mới vẫn liên tiếp đặt ra đối với các nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, những thách thức ấy không phải là không thể vượt qua, bởi một nhận thức chung đang được chia sẻ giữa tất cả những ai có liên quan tới giáo dục: chấp nhận rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và hành động thích ứng, tùy thuộc tình hình, nhằm một mục tiêu lớn nhất: không để trẻ em nào bị bỏ lại trên hành trình nâng cao học vấn và được an toàn trong đại dịch.
Với các trường học Việt Nam, nhất là khối tiểu học, sự thay đổi hình thức học tập sẽ còn gây ra nhiều khó
khăn, xáo trộn, nó cho thấy ta đã chưa tiên liệu và chuẩn bị tốt, nhắc nhở ta rằng khoảng cách số trong giáo dục
đang rất lớn và bất bình đẳng cơ
hội học tập cũng không hề nhỏ. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều nhìn nhận thực tế này một cách điềm tĩnh, trong sự cảm
thông, kiên nhẫn và hợp tác hết lòng, chắc chắc tất cả đều sẽ tìm được những giải pháp phù hợp để cải thiện tình
hình, giúp con em
chúng ta vào một năm học đặc biệt mà vẫn có được những niềm vui học tập quý giá."
Ngày 2-8, 8h, nhóm Zalo của lớp 2C gồm cô giáo chủ nhiệm, cô giáo tiếng Anh và tất cả cha mẹ, tin nhắn liên tục dội về. "Cô thấy một số bạn đã vào nhầm lớp. Vậy bố mẹ thoát ra và cho con vào lại nhé" - cô giáo nhắn. Bên nhóm Zalo của các cha mẹ, các tin nhắn cũng bắt đầu nháo nhào: "Con đang ở room (phòng học) nào trong Team (gọi tắt của Microsoft Teams) các bố mẹ ơi?", "Con em đang ở quê, ông bà không hướng dẫn được"...
Tôi không thấy Kem gọi điện khóc nhờ mẹ giải cứu như hồi học online lớp 1, biết con bé đã vào được đúng room.
Buổi học chiều của Kem, vẫn chuyện vào nhầm room. Cô giáo tiếp tục nhắn "Bố mẹ nhắc con vào đúng cuộc họp toán buổi 1 trên nhóm chung ạ". Buổi tối, Kem tự hào: "Hôm nay các bạn vào nhầm hết cả, may con vào đúng lớp. Nhưng con vẫn chưa biết cách nhập passcode trong link ở Team và cách làm phiếu toán nên chưa làm được bài tập".
Buổi tối, sau một ngày liên tục nhắn trên nhóm ngơ ngác, 29 bố mẹ vẫn tiếp tục những câu hỏi ngơ ngác ấy cho nhau: "Sao không gửi bài như hồi lớp 1 (cô gửi rồi in ra cho con làm)?", "Nhà tôi không có máy in, năm ngoái in nhờ cơ quan nhưng năm nay thì bố mẹ cũng làm việc tại nhà", "Em chưa dùng Microsoft Teams bao giờ nên lúng túng lắm, không hướng dẫn con được"... Sau bữa tối, tôi và Kem ngồi vào bàn học, cùng nhau làm bài tập về nhà. Cô giáo Kem thường giao 2 - 3 bài về nhà mỗi ngày, nếu để tồn thì tối hôm sau sẽ không đủ thời gian làm.
Tôi cài phần mềm Microsoft Team ngày 1-8. Ngay tối hôm đó, cô giáo Kem dành ra hai tiếng, từ 20h-22h để hướng dẫn các học trò vừa lên lớp 2 từng được biết tới thao tác này từ năm lớp 1. Nhưng giao diện của Microsoft Teams quá phức tạp với những đứa trẻ 7 tuổi vì phân ra rất nhiều ô, mỗi ô một nhiệm vụ.
Và vì thế, các hướng dẫn của cô phải chi tiết như sau: "Hình chuông là báo hoạt động của lớp", "chỗ tròn tròn có mỏ nhọn báo tin nhắn (các con tạm thời bỏ qua chỗ này), "Hình tượng trưng như ba người với ba cái đầu là "nhóm" của riêng lớp 2C của con", "hình cái balô là bài tập về nhà, trong đây là bài tập của từng môn khác nhau nhé". "Các con bỏ qua các hình bên dưới có chữ "ứng dụng" hoặc "trợ giúp" nhé". Nhưng bên trong mục "nhóm", tiếp tục là các mục con: "bài đăng", "tệp", "ghi chú"... Hai tiếng đồng hồ, 29 đứa trẻ và gấp đôi số ấy là các cha mẹ hồi hộp đứng đằng sau nhìn.
Hầu hết trẻ 6 - 7 tuổi khi thao tác với máy tính đều học rất nhanh, với điều kiện đó là một giao diện hướng dẫn đơn giản, có những con vật ngộ nghĩnh ló ra mời chào, hướng dẫn ấn nút này, nút kia để tới đích, để làm bài, để hoàn thành. Với Teams, các bài tập vẫn phải làm ra giấy, chụp ảnh lại, gửi đi đính kèm file. Tất cả các thao tác ấy, chỉ tôi mới có thể làm được vì nó không dễ dàng gì với Kem, cháu không có điện thoại, nếu có thì điện thoại cũng phải cài Teams và lưu vào tài khoản Teams riêng của cháu.
Teams không phải là phần mềm duy nhất tôi phải cài vào máy tính của Kem. Năm lớp 1, Kem làm quen với phần mềm Zoom. Tôi cẩn thận ghi ID phòng học của app Zoom cùng passcode ra tờ giấy nhớ dán lên bàn học của Kem, nhưng vừa tới cơ quan đã nhận điện thoại Kem cầu cứu trong tiếng khóc thút thít vì sợ... vào lớp muộn, nức nở đánh vần các từ "wait", "the", "host", "meeting" để giải thích cho mẹ những gì đang hiện lên trên màn hình, hoặc lo sợ vì nhập passcode rồi vẫn không vào lớp được (do đường truyền Internet yếu), hoặc chính cô giáo bị out... Có khi tôi hướng dẫn cho Kem thành công, có khi cũng chịu chết vì... không hiểu gì. Nhiều lần, Kem và bà ôm máy tính sách vở, giấy nháp, bút chì thước kẻ sang nhà bạn cùng trường ở tòa chung cư khác, nhờ bố bạn chỉ cách vào lại Zoom. Kem vừa đi vừa khóc vì sợ không học sẽ bị trừ điểm Class dojo.
Class dojo là phần mềm riêng để bố mẹ nắm được tình hình con học trên lớp. Đây là phần mềm để chấm điểm về sự "ngoan ngoãn, tập trung, chuyên cần" của các học trò trên lớp, thông báo điểm thưởng cuối tháng. Việc theo dõi điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, nhận xét chung sẽ có một phần mềm nữa là eNetViet.
Lớp 2, Kem học tiếng Anh trên Zoom với cô, nhưng sẽ phải làm bài tập trên các link Quizzi cô gửi, hoặc Live work sheet. Quizzi có giao diện thân thiện, cô gửi link là làm được, nhưng Live work sheet phải nhập tài khoản, password riêng.
Tôi cài xong tài khoản Live work sheet và lưu trên Google Chrome cho Kem xong thì chuyển sang cài Scratch 3 để con học lập trình kéo thả các câu lệnh "if - then" (nếu thì) đơn giản. Năm ngoái, Kem đã học scratch 2 và tự làm được hoạt hình bể cá có 3 con cá ba màu, nhưng đó là do Kem được cô hướng dẫn làm tại trường.
Để Kem học âm nhạc, tôi cần cài app Perfect Piano. Perfect Piano không thể dùng trên máy tính mà phải được cài vào điện thoại hoặc iPad để có màn hình cảm ứng cho con nhấn vào các phím đàn ảo. Nghĩa là Kem sẽ mở Zoom để nghe cô giảng, đồng thời mở phần mềm Teams và mở thêm phần mềm Perfect Piano trên iPad trước mặt để đánh đàn.
Không hề giống việc học trên lớp, nơi Kem sẽ tự làm được bài tập về nhà, buổi tối tôi chỉ cần kiểm tra hoặc hỗ trợ làm những bài khó, khi học online, Kem phải đợi tôi về giúp mới làm được, vì phải làm các bài tập dưới nhiều hình thức: Các form toán và tiếng Việt (thường mỗi ngày 1 bài) được nhà trường tạo sẵn trên Microsoft Teams, tiếng Anh theo mẫu (mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày 1 bài), tiếng Anh theo Live work sheet, tiếng Anh theo Google form, nghe tiếng Anh theo link YouTube (cô gửi riêng link của từng ngày trên nhóm Zalo). Các môn thể dục, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, thí nghiệm khoa học thì sẽ quay video hoặc chụp ảnh gửi lên Teams (thường 1 tuần một bài mỗi môn).
Tôi đánh giá cao trường của Kem về cách tổ chức chu đáo, chuyển đổi sang học online khá nhanh chóng, và mua được các nền tảng tốt cho các con học. Nhưng việc phải vào quá nhiều link khác nhau ở trong các file khác nhau vẫn khiến các con rối, không nhớ hết được, thường thì các cháu chỉ làm được các bài đã có sẵn form trên Team, còn lại đều phải nhờ cha mẹ trợ giúp mới làm được bài trên các form, link khác, hay chụp ảnh bài học để đính kèm tệp tin lên Team. Tất cả chúng tôi đều đang học lớp 2.
Các câu hỏi cần phải gõ câu trả lời (thường với môn tiếng Việt) là một
thách thức nữa với học sinh lớp 2. Từ hướng dẫn của cô giáo tin học hồi lớp 1, tôi đã cài đặt phần mềm
Rapidtyping cho con học đánh máy nhưng với lớp 1, việc học này dừng lại ở các ký tự A, S, D, F và H, J, K, L,
các cháu chưa học ghép vần, ghép dấu trên bàn phím và gõ mười đầu ngón tay. Kem có thể đương đầu với bài tiếng
Anh bằng cách gõ mổ cò nếu tôi chuyển sang chế độ gõ tiếng Anh, với bài tiếng Việt thì Kem đọc câu trả lời, tôi
phải gõ giúp. Buổi học tiếng Việt tuần trước, bài tập yêu cầu "em hãy mô tả về người thân". Tôi ngồi trước bàn
phím sẵn sàng chờ, Kem nói: "Mẹ hãy gõ câu "Mẹ của em là người tốt bụng"".
Ba tuần học online vừa qua là ba tuần mà trên Zalo thì các bố mẹ kể cho nhau nghe những âu lo, hỏi nhau về những dấu hiệu "không bình thường" của con mình, than thở việc đã không còn thời gian làm việc khác mỗi tối. Một bạn học của Kem nửa đêm mộng du đòi mang sách ra giải, một bạn khác tự trách mình không thể hoàn thành bài cô giáo giao nên tự cấu vào đùi.
Kem là đứa trẻ kỷ luật, tự giác, có thể tự làm trong Teams trước khi mẹ đi làm về nhưng cũng luôn tìm cách
tự tạo niềm vui cho mình trong lúc học online bằng việc lôi truyện tranh ra đọc, cô giáo gọi mấy lần không hề hay
biết, hoặc lén mở
hai cửa sổ riêng biệt: cửa sổ Zoom để cô giảng và cửa sổ phim hoạt hình trên YouTube. "Mẹ ơi ngồi từ 8h sáng đến 11h
thế này con chán lắm rồi. Các bạn cũng chán lắm, có bạn còn cho cả chân lên bàn nữa đấy" - Kem nói.
Kem học trường tư, bài tập chưa nhiều bằng bạn Bon Bon học một trường công ở Cầu Giấy. Bố của Bon Bon, một tiến sĩ trong top 10 công bố quốc tế ngành kinh tế ở Việt Nam kể ngày nào anh cũng vật vã hướng dẫn con làm bài tập, vợ anh thì hướng dẫn chị Chip học lớp 4 đến 11h đêm mới xong. Trường Bon không nhiều form bằng trường Kem nhưng cũng phải in hết bài tập ra giấy, bố hướng dẫn làm rồi chụp ảnh gửi Zalo cho cô. Nhìn chung, dù công hay tư, tất cả bọn trẻ đang học online lơ mơ, bởi tất cả những lợi thế của việc học trực tiếp tập trung tại trường đều biến mất: tư duy trực quan mãnh liệt của trẻ nhỏ (quan sát, bắt chước), cầm phấn viết, cùng bạn ghi chép, giao tiếp, đùa vui...
Kem và Bon đều có bố mẹ kèm cặp hướng dẫn. Tôi nghĩ về các gia đình mà cha mẹ không thông thạo máy tính, hoặc ở thôn quê không có máy tính, không thể in bài học, việc học online chắc chắn bộn bề gian khó. Dạy học trực tuyến không xóa nổi những bất bình đẳng cơ hội đã tồn tại từ lâu trong giáo dục. Những trẻ em không được trang bị phương tiện học tập, không có người hướng dẫn sẽ phải nỗ lực rất nhiều lần, hoặc tụt lại một thời gian. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy có sự chênh lệch rất lớn về tỉ lệ hộ sử dụng máy vi tính giữa thành thị và nông thôn: hơn 2,5 lần (tương ứng 51,5% và 19,2%). Khoảng cách số rồi sẽ còn đào sâu bất bình đẳng trong giáo dục.
MẸ KEM
Sau ngày đầu tiên con tôi học online, trong bữa tối tôi hỏi con trai: "Hôm nay cô giáo dạy con những gì?". Thằng bé ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: "Con cũng chẳng nhớ nữa". Thế là cả nhà cùng cười.
Ngày đầu tiên vào lớp 1 của đứa bé 6 tuổi trong đại dịch COVID-19 năm nay hóa ra không quá căng thẳng. Cả thế giới đang trong những đợt thử nghiệm khổng lồ vô tiền khoáng hậu, từ các mô hình chống dịch, đến vắc xin, đến những xoay chuyển thích ứng với tình thế mới của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân. Thằng bé không nhất thiết phải được đặt ở ngoài vòng xoáy đó. Tôi nghĩ nó nên biết để thích nghi. Nó đã từng cáu ngậu lên vì mẹ thi thoảng lại cố tình lặp lại "Chúng ta đang ở trong thời kỳ rất khó khăn. Con có gì dùng nấy, có gì ăn nấy, không nên đòi hỏi". Nó khóc òa lên: "Con biết rồi. Mẹ đã nói điều đó một ngàn lần rồi!!!". Biết kiềm chế ham muốn và đòi hỏi là kỹ năng quan trọng.
Vợ chồng tôi dành hẳn buổi chiều cuối tuần chuẩn bị máy móc để kết nối với cô giáo, bạn học. Tôi xác định là
con cần ngồi gần nơi có ánh sáng mặt trời và màn hình không nhỏ quá để tránh hại mắt và gù lưng. Cái máy tính xách
tay cũ rồi cũng
được nối vào màn hình tivi cũng cũ. Thằng bé háo hức khi được hướng dẫn cách điều khiển con chuột, đóng mở file, rồi
được tạo email cá nhân riêng để nhận thông tin của trường.
Thằng bé lăng xăng đi lại, có vẻ phấn khởi khi nghe mẹ nói ngày mai
con sẽ vào lớp 1. "Là con sẽ gặp cô và các bạn à?" - nó tròn xoe mắt hỏi. "Đúng. Nhưng các bạn thân của con
không học cùng, và vì dịch bệnh con sẽ học ở nhà. Con học, ba mẹ làm việc. Chúng ta ai cũng có công việc của
mình, và hãy cố gắng làm tốt nhất" - tôi trò chuyện với giọng điệu nghiêm túc. Nó có vẻ hiểu chuyện. Cách đó năm
ngày, tôi kịp chạy ra siêu thị gần nhà mua ít vở viết, keo dán, vài cây bút chì và một ít giấy in. Siêu thị chỉ
có rất ít lựa chọn cho học tập. Vận chuyển khó khăn, đứt gãy nguồn cung và phân phối, hàng hóa phục vụ học
tập cũng không phải ưu tiên trong dịch.
Buổi sáng hôm sau, trời trong xanh, nắng vàng. Nhưng Sài Gòn yên lặng lắm. Thời điểm con tôi lần đầu gặp cô giáo và gần 20 bạn học, Sài Gòn bắt đầu bước vào đợt giãn cách nghiêm ngặt nhất để chống dịch. Thằng bé dậy ngay khi mẹ gọi, thay quần áo, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Bộ quần áo bảnh bao nhất đã hơi chật rồi. Nhưng đó là lựa chọn tốt nhất hiện tại, giúp con phân định thời gian học, hết giờ học trong ngày. Nó ngồi lọt thỏm trong cái ghế làm việc của ba, do ba mẹ không thể mua được ghế ngồi học vì hạn chế ra ngoài. Tôi truy cập link Zoom, mỗi tiết học 40 phút, đúng thời gian mà ứng dụng này cho các tài khoản trường học dùng miễn phí.
Giao tiếp qua màn hình có nhiều hạn chế. Cô nói mãi trò mới nghe tiếng và làm theo. Trò giơ tay mãi cô cũng chưa nhìn thấy. Thằng bé ngồi nhìn vào màn hình, tham gia trò chơi, bấm vào ký hiệu giơ tay khi muốn phát biểu, bấm vào cả ký hiệu vỗ tay. Nó tò mò di chuột khắp nơi để khám phá. Cô yêu cầu các trò để chế độ "im lặng" khi chưa được gọi đến tên. Nhưng không dễ kiềm chế cơn phấn khích của trẻ nhỏ, nhất là khi chúng biết câu trả lời. Chúng sẽ lên tiếng bằng cách bấm "unmute" (mở tiếng).
Thằng bé ngồi một lúc thì chán, nó chờ mãi không đến lượt phát biểu. Nó bước xuống ghế, đi lại quanh phòng, tìm cuốn sách rồi quay lại ghế ngồi đọc. Nhưng nó vẫn theo dõi diễn biến trong lớp học. Cô giáo đặt câu hỏi đến lượt, nó vẫn trả lời, tham gia trò chơi tương tác. Cô giáo đã phải rất kiên nhẫn để có thể điều phối những trò chơi chỉ qua màn hình với mỗi một học trò với các kiểu tư thế, thái độ. Có đứa tỏ ra chăm chú, có đứa đang nằm bò ra giường, có đứa đang nhìn ngó quanh phòng, có đứa biến mất khỏi camera!
Những lời nhắc nhở, khen ngợi, động viên trong buổi đầu tiên giúp dần xây dựng cảm giác về cộng đồng, tình bạn, những thách thức phải vượt qua, sự vui vẻ nhảm nhí của lứa tuổi. Ba tiết học buổi đầu diễn ra trong sự hồi hộp của cha mẹ. Nhưng hóa ra thằng bé ngồi yên trên ghế, chỉ chạy ra khỏi chỗ ba lần: ăn bánh, uống nước trà và báo với ba là máy tính chỉ còn 7% pin. Thế là thành công rồi!
Tôi nghĩ việc con tôi ngồi học, dù ở mọi tư thế, đến từ một số nguyên nhân:
1 - Cha mẹ nói rõ với con về việc học hành, về những khó khăn, thách thức, và đưa con mình trở thành "đồng đội" để cùng vượt qua. Bước chuẩn bị tinh thần này rất quan trọng.
2 - Làm gương, khích lệ và thử nghiệm. Sau một thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch quá lâu, con tôi đã nối lại việc học nhạc qua Google Meet với cô giáo. Việc con tôi sẵn sàng vì nó nhìn thấy cha mẹ đều học nhạc, học thể dục với người hướng dẫn qua Zoom hay Google Meet và con hiểu cách học đó là bình thường. Học trực tuyến sẽ là tương lai của thế giới. Kiến thức sẽ đến từ bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, theo bất kỳ hình thức nào chứ không chỉ có ở đằng sau cổng trường.
3 - Suy nghĩ của cha mẹ. Dịch bệnh sẽ còn lâu dài, cách học online sẽ là cách học mới mà con cái sẽ phải làm quen, thích nghi và phải làm tốt. Sau dịch, hình thái sinh hoạt lại sẽ xuất hiện trong đời sống con người, như một sự tiến hóa không thể đảo ngược. Con có thể sẽ có vài ngày đến trường và vài ngày học tại nhà, cũng giống như cha mẹ đến nơi làm việc một vài ngày trong tuần. Chúng ta sẽ khó mà trở lại thói quen sinh hoạt như trước đây nữa khi COVID-19 đã thay đổi tất cả. Mỗi một gia đình, với mỗi hoàn cảnh khác nhau, sẽ có những lựa chọn phù hợp với mình. Không có lựa chọn đúng hay sai, chỉ có lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình hay không.
Tối trước ngày vào lớp 1, con tôi đã sung sướng nói với tôi rằng "Tối nay là một tối tuyệt vời nhất, vì con có bài tập về nhà!". Đó chỉ là mấy tờ giấy đồ chữ tôi in và đưa cho con, nhưng có lẽ vì là lần đầu tiên con biết đến "bài tập về nhà".
Đứa trẻ mà tôi đưa đến trường đầy háo hức như thế. Tôi không hề có ý định trao hết con mình cho nhà trường và thầy cô. Tôi sẽ tham gia ít nhất 50% quá trình dạy chữ và dạy người đó. Loài người vẫn luôn tiến hóa để thích nghi. Với thế hệ con tôi, chúng sẽ rất khác trong một thế giới hoàn toàn khác.
KHỔNG LOAN
"Giáo dục không phải là việc đổ đầy một cái bình mà là việc thắp sáng một ngọn lửa" - tôi luôn tâm đắc điều này.
Tôi làm việc trong ngành giáo dục, và là mẹ của hai bé đang học tiểu học tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc. Tại bang này, cấp tiểu học bao gồm 7 lớp, bắt đầu là lớp vỡ lòng và tới lớp 6.
Ở một thành phố lớn và phát triển như Melbourne, vẫn có những gia đình không có đủ thiết bị điện tử hoặc kết nối Internet để con họ học trực tuyến trong lúc giãn cách xã hội. Vì thế, đầu mỗi đợt giãn cách, trường các con tôi gửi thông báo tới phụ huynh qua Compass (một ứng dụng liên lạc điện tử) để các gia đình đăng ký mượn máy tính xách tay và thiết bị kết nối Internet nếu cần.
Trong trường có đội ngũ kỹ thuật trực điện thoại để hỗ trợ phụ huynh giải quyết những vấn đề phát sinh trong sử dụng thiết bị điện tử và các ứng dụng phục vụ học trực tuyến. Sự hỗ trợ này là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu dạy học trực tuyến vì không phải phụ huynh và học sinh nào cũng sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử và ứng dụng hiện đại.
Với một nhóm nhỏ học sinh, việc học trực tuyến là không khả thi hoặc không đủ an toàn. Đó là những học sinh có nhu cầu đặc biệt, cần được dạy bởi những giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt; hoặc những em có bố mẹ vẫn phải đi làm ở ngoài, không có ai thay mình ở nhà hỗ trợ con học; và đó là những học sinh dễ bị tổn thương đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Để những nhóm học sinh ấy theo học trực tuyến, nhà trường phải đầu tư nhiều hơn về nhân lực và cơ sở vật chất. Nhưng đấy là điều họ chú tâm để đảm bảo tất cả học sinh đều được học tập trong môi trường an toàn và không em nào bị bỏ lại giữa thời đại dịch.
Nền tảng học trực tuyến mà trường các con tôi chọn cũng là Microsoft Teams. Giáo viên tạo sẵn các phòng học trên Teams, mỗi phòng tương ứng một môn học toán, đọc, viết, kể chuyện, ngoại ngữ, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thể dục... Các tài liệu liên quan đến môn học được giáo viên tải lên phòng học tương ứng.
Trong năm học 2021, các con tôi mỗi ngày có hai buổi học trực tiếp vào 9h30 và 11h30. Trong các buổi học này, giáo viên và học sinh tương tác với nhau trên Teams. Giáo viên chuẩn bị bài giảng trên PowerPoint và trình chiếu cho học sinh xem trong lúc giảng bài; hoặc ghi lại buổi học trực tiếp để học sinh xem lại nếu cần. Đối với buổi học trực tiếp, học sinh phải tuân thủ đúng thời gian quy định. Thời khóa biểu cũng đưa ra thời gian học gợi ý đối với các môn học khác trong ngày, tuy nhiên học sinh có thể chủ động và linh hoạt sắp xếp thời gian phù hợp để hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Với những môn rất khó để tiến hành dạy học trực tuyến như nghệ thuật biểu diễn và thể dục, họ làm thế nào? Giáo viên gửi cho học sinh đường link dẫn đến một video do giáo viên tự ghi. Học sinh xem video và thực hiện hoạt động theo hướng dẫn của giáo viên, ghi hình lại hoạt động của mình hoặc trả lời một số câu hỏi liên quan đến hoạt động rồi gửi cho giáo viên.
Trong hơn bốn năm các con tôi học tại Úc, tôi thấy rất rõ sự quan tâm của nhà trường tới sức khỏe tinh thần của học sinh. Trong giãn cách xã hội, các cô bé, cậu bé phải ở nhà suốt ngày với bố mẹ - những người cũng bận bịu làm việc trực tuyến hoặc cau có căng thẳng vì những áp lực cuộc sống do đại dịch mang đến. Việc tương tác với thầy cô và bè bạn thông qua máy tính cũng không mấy thú vị với các em. Vì thế, nhà trường thường gửi tới phụ huynh những hướng dẫn cụ thể để phụ huynh chia sẻ cảm xúc với con, giúp con vượt qua sự buồn chán và lo lắng. "Sức khỏe tinh thần của con bạn là điều quan trọng nhất. Đừng quá căng thẳng nếu con bạn không thể hoàn thành hết các hoạt động học tập trong thời khóa biểu này" - trong thời khóa biểu học tập hằng ngày của con tôi khi bé học lớp 1, nhà trường luôn nhấn mạnh điều này.
Đôi dòng nhắn nhủ ngắn gọn đó nhiều khi đã "cứu rỗi" sức khỏe tinh thần của chính tôi, giúp tôi không cảm thấy "tội lỗi" khi không thể "ép" con làm cho bằng hết các bài tập. Có lẽ cũng nhờ đó mà mối quan hệ mẹ con chỉ bị "sứt mẻ" chút ít qua mỗi mùa COVID. Việc "ép" trẻ học không đúng cách về lâu dài sẽ khiến trẻ chán và sợ học. Và xét về đại cục, nếu trong các giai đoạn giãn cách xã hội, các ông bố bà mẹ làm việc trực tuyến ở nhà lại cứ phải hy sinh công việc của mình vì "sự nghiệp học hành" của các con thì thiệt hại nói chung cho kinh tế - xã hội sẽ là không tính đếm hết.
Thật lòng, trong những ngày đầu kèm bé thứ hai học trực tuyến vào năm 2020, tôi có đôi lúc chưa hài lòng với cách tổ chức giảng dạy của nhà trường. Chẳng hạn, việc gửi thời khóa biểu hằng ngày và tài liệu học tập cho học sinh quá gấp gáp, chỉ cách giờ học khoảng 15 phút, khiến nhiều phụ huynh khó chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu học tập cho con, đặc biệt là những phụ huynh phải đi làm từ sớm. Và do không có sự thống nhất các khung giờ học trực tiếp giữa các ngày trong tuần và giữa các tuần, học sinh gặp khó khăn trong việc hình thành thói quen ngồi học trực tiếp vào những khung giờ nhất định. Bài giảng được ghi hình cho học sinh xem nhiều khi còn chưa rõ hình, rõ tiếng. Nhưng tất cả những phàn nàn, góp ý đó của chúng tôi đều được nhà trường lắng nghe và điều chỉnh.
Khi mọi điều khởi sự, không thể trông chờ có ngay sự hoàn hảo. Những thử nghiệm ban đầu có thể thành công hoặc thất bại, nhưng tất cả đều là những trải nghiệm vô cùng cần thiết và quý giá để dần cải thiện chất lượng. Tôi thực lòng biết ơn nỗ lực của các thầy cô trong việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến để con cái chúng tôi không bị "thất học" giữa thời đại dịch và hy vọng các phụ huynh Việt Nam kiên nhẫn hơn, đồng cảm hơn và hỗ trợ các thầy cô nhiều hơn nữa trong hành trình dạy học trực tuyến này.
LAỊ THỊ THANH VÂN (viết từ Úc)
Ở nơi mà điện thoại thông minh còn là điều xa xỉ, huống gì máy tính hay kết nối Internet, vẫn có những nỗ lực đầy sáng tạo để chuyện học hành của con trẻ không bị đứt gãy vì đại dịch.
Chính trong cảnh khó khăn nhất - như những ngôi làng mà thậm chí không có cả sóng truyền hình dưới đây, người ta lại giỏi xoay xở với chuyện có gì dùng nấy nhất.
Punik là một ngôi làng nhỏ nằm cách Sumbawa Besar, thủ phủ của đảo Sumbawa (tỉnh West Nusa Tenggara, Indonesia) 45 cây số, với 500 hộ gia đình, đa số là nông dân trồng cà phê. Punik cùng với hàng ngàn ngôi làng khác phải chật vật tìm cách chuyển sang dạy học từ xa, khi Bộ Giáo dục và văn hóa Indonesia tạm đóng cửa trường học vì COVID-19 hồi tháng 3-2020.
Nằm ở độ cao 820m so với mặt nước biển, không có mạng không dây hay di động nào đến được Punik. Chỉ vài dân làng có smartphone, nói gì đến máy tính. Chuyện học qua mạng là bất khả. Chính trong cái thiếu thốn đó mà Rusdianto, một giảng viên đại học và là thành viên chi nhánh Sumbawa của đài phát thanh quốc gia, nhìn thấy một con đường khác để lời giảng của thầy cô đến được với trò, dù ai ở nhà nấy: liên lạc qua bộ đàm.
Một máy bộ đàm có giá 150.000 rupiah (khoảng 240.000 đồng), ít hơn rất nhiều so với chi phí mua smartphone và trả tiền mạng hằng tháng. Chuyện dạy học qua bộ đàm được nhiều trường như Trường tiểu học và trung học cơ sở Punik Satu Atap ở Punik áp dụng. Thầy cô thay phiên đến nơi tập trung, giảng vào micro và hệ thống sẽ phát đến các em qua bộ đàm. "Ơn trời là nó hiệu quả" - Rusdianto nói với The Jakarta Post vào tháng 8-2020.
Theo báo South China Morning Post, Trường tiểu học SD Negeri Mojo (thành phố Surakarta, đảo Java) cũng áp dụng cách làm này. Sáng tạo, hữu ích nhưng giải pháp tạm thời này cũng có hạn chế của nó. Học sinh chỉ có thể nghe giảng, không có trực quan sinh động và chất lượng âm thanh truyền qua bộ đàm không phải lúc nào cũng rõ.
Trong những ngày trường học tạm đóng cửa vì COVID-19, tại làng Kanwarsika (bang Haryana, Ấn Độ), mỗi sáng vẫn có tiếng chuông báo hiệu đến giờ vào lớp. Nhưng nó không phát ra từ ngôi trường địa phương, mà từ một chiếc xe tải chở theo một cái loa phóng thanh. Học sinh cũng không cắp sách đến lớp, mà ngồi yên trong nhà hay các khu đất trống - dĩ nhiên là có tuân thủ giãn cách, để nghe giáo viên ngồi trong xe, dùng micro giảng bài - mỗi ngày một môn, theo báo Indian Express.
Làng Jhamri cũng dùng cách này nhưng có chút khác biệt. "Tôi đặt hệ thống loa lên một cái xe đẩy. Các giáo viên sẽ thay phiên mỗi ngày đẩy xe đến vị trí thuận lợi và bắt đầu giảng bài ở đó. Dạy kiểu này không bằng trong lớp nhưng ít nhất nó cũng giúp học sinh không bỏ học" - Satyanarayan Sharma, người điều hành một ngôi trường địa phương, nói.
Hệ thống kiểu "loa phường" này thật sự hữu dụng ở những nơi mà thậm chí dạy học qua truyền hình hay sóng phát thanh cũng nằm ngoài tầm với của học sinh, chẳng hạn như Nuevo San Rafael, nơi sinh sống của cộng đồng người bản địa Shipibo ở Ucayali, vùng nằm trong rừng nhiệt đới Amazon ở Peru.
UNICEF đã mang chương trình "học qua loa phát thanh" đến với Nuevo San Rafael. Chiếc loa được đặt trên ngọn cây cao nhất ở Nuevo San Rafael để giọng giảng bài của các thầy cô giáo vang được đến từng ngõ ngách. Nhưng làm được điều đó cũng lắm kỳ công. USB đựng file bài giảng phải được một giáo viên chuyển từ thành phố về làng, rồi mới cắm vào hệ thống phát thanh chạy bằng máy phát điện do phụ huynh góp tiền mua, vì điện ở đây không phải lúc nào cũng có.
Ở những ngôi làng heo hút, chuyện học từ xa vẫn diễn ra mà không có rất nhiều thứ. Không mạng, không thiết bị công nghệ và không có màn hình nào để cô trò thấy nhau, lũ trẻ còn biết bạn bè chúng hiện thế nào như các lớp học qua Zoom nơi thành thị. Nhưng sự học vẫn được duy trì, và cả người dạy lẫn người học đều khao khát đến ngày được trở lại trường lớp cùng bảng đen phấn trắng.
YÊN LAM
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh đứa con gái 7 tuổi của tôi sẽ phải đeo khẩu trang suốt 8 tiếng ở trường. Nhưng giờ đây, cháu đã vào năm học thứ hai với chiếc khẩu trang bất ly thân.
Tháng 5-2020, sau đợt phong tỏa lần thứ nhất, Chính phủ Pháp quyết định mở cửa trường học với hai lựa chọn cho cha mẹ học sinh: theo hình thức học từ xa (cô giáo gửi bài tập qua email của bố mẹ) hoặc cho con tới trường. Chúng tôi quyết định cho con ở nhà vì nghĩ rằng sự học là cả đời, lúc này an toàn là trên hết. Tới tháng 9, tổng thống kiên quyết: trẻ em phải tới trường. Để đảm bảo an toàn, toàn bộ học sinh tiểu học từ 6 tuổi trở lên sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường, chỉ trừ giờ ăn trưa.
Tôi lo âu trước ý nghĩ con tôi - một đứa trẻ bị hen suyễn - phải đeo khẩu trang suốt 8 tiếng ở trường. Nhưng bé rất nóng lòng đến trường. Ngày đầu tiên trở lại trường, đeo khẩu trang suốt 8 tiếng chỉ trừ giờ ăn trưa, con tôi nói rằng cháu thấy mệt và khó thở, "nhưng vẫn vui hơn ở nhà nghe mẹ mắng".
"Đeo khẩu trang trong lúc dạy khổ lắm, chúng tôi phải nói to
hơn và chậm hơn để học trò nghe rõ hơn và hiểu bài tốt hơn. Nói chung, học trò bảo rằng các
cháu hiểu bài, nhưng khi viết chính tả thì có cháu bảo tôi rằng cháu chẳng nghe được cô đọc
gì cả" - Sandrine, cô giáo dạy lớp 3 tại Tourcoing, một thành phố thuộc miền Bắc nước Pháp, nói
với phóng viên báo Le Huffpost. Khi học trò không nhìn được khẩu hình của cô vì khẩu trang che
kín, các giáo viên phải tăng cường sử dụng ánh mắt, giai điệu, ngữ điệu, kết hợp các cử chỉ,
động tác. Đó là những thách thức mới đối với họ. "Những ngày đầu tiên thật khó khăn, nhưng
chúng tôi dần làm quen với việc phải đeo khẩu trang khi dạy học. Giờ chỉ còn vấn đề duy nhất là
kính thường xuyên bị mờ" - cô Babette, một giáo viên tiểu học tại Marseille, miền Nam nước
Pháp, cho biết.
Cô Bourras, giáo viên của con gái tôi, chia sẻ: "Cũng thật khó cho bọn trẻ khi buộc chúng phải đeo khẩu trang hằng ngày. Thỉnh thoảng vẫn có bé kéo khẩu trang xuống cằm để nói chuyện với bạn và tôi phải để ý nhắc nhở suốt. Tuy vậy, tôi rất hài lòng khi được thấy bọn trẻ hào hứng, vui vẻ khi quay lại trường học, khác hẳn với lúc tôi dạy chúng qua màn hình máy tính. Tôi cũng vui vì được gặp chúng".
Và thế là, dù có mệt và khó thở, bất tiện với khẩu trang nhưng con tôi vẫn vui vẻ suốt 10 tháng ở trường. Các thầy cô giáo cũng có cảm nhận tương tự vì họ còn được tới trường, làm việc trực tiếp với học sinh, thay vì phải vừa dạy học qua màn hình và có người còn phải quản lý thêm cả việc học của chính con mình tại nhà.
Suốt năm học, chỉ một lần duy nhất cả lớp phải nghỉ học 7 ngày vì có một học sinh bị mắc COVID; may mắn là không học sinh nào bị lây. Nếu có nhiều hơn 3 học sinh mắc COVID, cả lớp sẽ phải nghỉ học 2 tuần.
Năm học thứ 3 mùa COVID, mặc dù phần lớn dân số đã được tiêm vắc xin nhưng rất có thể các con tôi vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang khi tới trường. Nhưng dù sao, được tới trường nghĩa là vẫn còn may mắn lắm. Bởi chỉ sau 1 tháng phong tỏa đầu tiên vào tháng 5-2020, Bộ Giáo dục Pháp đã nhận thấy những điều bất ổn nếu trẻ em tiếp tục học từ xa tại nhà: có đến 7% số học sinh "không thể liên lạc được". Tuy nhiên, hai nhà giáo dục Pascal Dumas và Thierry Thollot, tác giả cuốn COVID-19: Học sinh bỏ học tại Pháp, xuất bản hồi tháng 8-2020, nghi ngờ con số này. Theo hai tác giả, con số 7% mà chính phủ đưa ra là một sự "lạc quan giả tạo", bởi theo các ước tính của giáo viên, phải đến 30% học sinh không nộp bài hay có mặt ở lớp học ảo như yêu cầu.
Hiện vẫn còn quá sớm để các nhà giáo dục có thể đánh giá rõ ràng những mất mát về giáo dục mà học sinh phải gánh chịu trong khoảng thời gian học từ xa. Tuy nhiên, nghiên cứu đăng ngày 27-4-2021 trên tạp chí PNAS (Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ) của nhóm nhà khoa học thuộc ĐH Oxford (Anh) và ĐH Stockholm (Thụy Điển) cũng cho ta những cái nhìn đầu tiên.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ 350.000 bài kiểm tra quốc gia của học sinh tiểu học Hà Lan, được thực hiện trước và sau kỳ phong tỏa. Hà Lan được xem là "kịch bản tốt nhất" khi có kỳ phong tỏa ngắn, nguồn tài trợ công bằng cho trường học và tỉ lệ truy cập băng thông rộng hàng đầu thế giới. Các nhà khoa học nhận thấy: học sinh tiểu học Hà Lan hầu như không tiến bộ hoặc tiến bộ rất ít sau 8 tuần theo học trực tuyến, và những mất mát trong học tập là rõ ràng nhất ở những gia đình khó khăn.
Khi so sánh kết quả bài kiểm tra (2 lần/năm) suốt từ năm 2017 đến 2020 ở các môn toán, đánh vần và đọc, các nhà khoa học nhận thấy trong thời gian 8 tuần học tập tại nhà, các học sinh tiểu học Hà Lan không tiến bộ chút nào, thậm chí có những học sinh bị thụt lùi. Nghĩa là các em đã mất hoàn toàn 8 tuần học tập.
Từ tháng 6-2020, World Bank bắt đầu thực hiện một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời kỳ COVID-19 về kết quả đi học và học tập của trẻ em trên toàn thế giới. Họ phân tích dữ liệu của 157 quốc gia và nhận thấy mức độ đi học và học tập trên toàn cầu sẽ giảm xuống. Theo tính toán của World Bank, quãng thời gian tới trường 12 năm của một học sinh tương đương với 7,9 năm học tập chất lượng. COVID-19 có thể khiến các em mất từ 0,3 - 0,9 năm học chất lượng, làm giảm số năm học chất lượng thời kỳ phổ thông của học sinh xuống còn từ 7,0 đến 7,6 năm.
Tất cả thực tiễn ấy, cộng với niềm tin rằng trường học
không phải là "ổ bệnh", bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp kiên quyết duy trì mở cửa trường học ngay
trong đại dịch. Các trường học chỉ phải đóng cửa 1 tháng duy nhất trong năm học 2020-2021.
Theo một khảo sát mới hồi tháng 6-2021 đăng trên tạp chí BMC Public Health của các nhà khoa học Ý với hơn 1.600 phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học và cấp II, việc học trực tuyến kéo dài đã có những ảnh hưởng nhất định lên hành vi và thái độ của các học sinh nhỏ. Các em không thể tập trung quá 20 phút, cứ 10 phút lại cần nghỉ giải lao và biểu hiện bồn chồn nhiều hơn trong các bài học trực tuyến. Phần lớn các bà mẹ đều nhận thấy con mình, đặc biệt là các cháu ở độ tuổi tiểu học, trở nên bồn chồn và cáu kỉnh hơn. Hơn một nửa các bậc phụ huynh tham gia khảo sát than phiền rằng họ không có đủ thời gian để theo sát việc học hành của con, cũng như chăm sóc cả gia đình. 72% các bậc phụ huynh phản đối hình thức học từ xa trong trương lai, đặc biệt đối với trẻ tiểu học.
Hơn 10.000 cha mẹ tham gia chương trình khảo sát Co-SPACE cho biết hành vi của con họ càng lúc càng tệ hơn, như nóng nảy, tranh luận tăng lên và không làm theo lời bố mẹ. Trẻ cũng gia tăng các biểu hiện bồn chồn và khó tập trung hơn sau một tháng phong tỏa. Tom Madders, giám đốc chiến dịch tại YoungMinds, cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy rằng nhiều trẻ nhỏ ngày càng cảm thấy khó chịu khi suốt ngày phải ở nhà do phong tỏa, có thể là do các con cảm thấy cô đơn, lo sợ về coronavirus hoặc mất thói quen và hỗ trợ từ trường học".
Đó là những bằng chứng cho thấy một vai trò rộng lớn hơn rất nhiều của trường học thực tế: đó không chỉ là nơi cung cấp cho trẻ kiến thức mà còn là chỗ trẻ chơi, kết bạn, phát triển các kỹ năng cảm xúc - hành trang không thể thiếu để trẻ tự tin bước vào đời.
Khi phải học tại nhà trong thời gian dài, không chỉ kiến thức bị mất đi mà cả những cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm cũng bị tước đoạt. Được gặp gỡ bạn bè, chơi các trò chơi tuổi thơ là những yếu tố cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Đó là chưa kể, trường học còn được xem là nơi trú ẩn an toàn của nhiều đứa trẻ, giúp chúng tránh khỏi những đòn roi vô cớ từ người lớn trong nhà.
Báo cáo Sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh niên ở Anh năm 2020, do NHS Digital và văn phòng Thống kê quốc gia thực hiện cho biết trong số 3.000 trẻ em từ 5-16 tuổi, cứ 6 trẻ em lại có 1 trẻ gặp vấn đề về rối loạn tinh thần.
Ngay lúc này, các nhà thực thi chính sách giáo dục nên sớm vạch ra các phương án để "bù đắp" cho những tổn thất mà COVID-19 gây ra cho các học sinh tiểu học, để khi quay lại trạng thái "bình thường mới", các em không trở thành một "thế hệ bị lãng quên".
TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LÊ
Trong bối cảnh TP.HCM đang tập trung toàn lực chống dịch COVID-19, khi năm học mới đến gần, những câu hỏi cấp bách đặt ra cho ngành giáo dục TP về thời điểm, hình thức học và giải quyết những vấn đề phát sinh khi học online là lựa chọn duy nhất... đặt ra. Những quốc gia đã dày dặn kinh nghiệm trong vấn đề này do từng trải qua nhiều giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài vì dịch bệnh mang lại những bài học gì?
Singapore được coi là quốc gia đã áp dụng dạy học từ xa sớm nhất, trong đợt dịch SARS 2005. Họ đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống dạy trực tuyến ứng phó với các trường hợp đặc biệt, và thực hành liên tục để giáo viên và học sinh làm quen với học trực tuyến hằng năm. Vì thế, khi COVID-19 diễn ra, nhà trường và học sinh của nước này không còn bỡ ngỡ trước việc dạy và học trực tuyến.
Hong Kong và Ba Lan đưa vào các khung chương trình chung và tuyển chọn nguồn học liệu kỹ lưỡng cho từng môn học và từng khối lớp. Do đó, họ có thể cung cấp kho học liệu số để hỗ trợ thiết kế và giảng dạy những bài học trực tuyến mang tính tương tác cao.
Phần Lan đã áp dụng chiến lược đầu tư phát triển kỹ năng của giáo viên để việc chuyển sang dạy trực tuyến thành công. Giáo viên được hướng dẫn và đào tạo cách sử dụng các công cụ kỹ thuật và nguồn học liệu có sẵn sao cho hiệu quả.
Tại Canada, các bang Alberta và Ontario đã ban hành hướng dẫn cho từng lớp về thời lượng học sinh học mỗi tuần và trọng tâm của các môn học. Bang British Columbia thiết kế bộ học liệu dạy và học để các gia đình có thể sử dụng cho việc dạy học tại nhà. Bộ học liệu này là một minh chứng cho nỗ lực của sở giáo dục bang này trong việc hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong quá trình học trực tuyến. Những hỗ trợ tương tự như vậy từ nhà trường là vô cùng cần thiết để đảm bảo mỗi học sinh đều được tiếp cận với những điều kiện thiết yếu phục vụ việc học tập trực tuyến tại nhà.
Tại Úc, sở giáo dục của từng bang thống nhất lịch dạy và học trực tuyến theo chỉ đạo của chính quyền bang về giãn cách xã hội. Một số trường xây dựng website học trực tuyến và phân công giáo viên thiết kế học liệu. Giáo viên mỗi khối phân công nhau làm các bài giảng video. Các lớp học được quản lý qua các nền tảng như Google Classroom hay Microsoft Teams. Học sinh tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn nộp bài trực tuyến trên những nền tảng này.
Với các khối bé hơn (ví dụ khối tiền tiểu học và lớp 1), vì học sinh chưa có kỹ năng sử dụng máy tính, nhà trường cho các bé sử dụng các ứng dụng học tập (ví dụ ứng dụng Seesaw) để nộp bài qua iPad hoặc điện thoại. Nhà trường luôn lấy ý kiến phản hồi của phụ huynh và học sinh về bài học để có những điều chỉnh kịp thời. Các gia đình có thể mượn laptop hoặc iPad từ nhà trường để cho các con học tập tại nhà, có thể liên lạc với bộ phận phụ trách kỹ thuật của nhà trường khi gặp khó khăn trong việc giúp đỡ con em mình sử dụng các thiết bị công nghệ học trực tuyến.
Dạy và học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời. Các quốc gia nên xác định đây là chiến lược lâu dài, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Dẫu có rất nhiều trở ngại, nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả dạy học trực tuyến nói riêng và áp dụng công nghệ trong giảng dạy nói chung mang lại. Vì thế, mô hình này nên được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai để đưa vào trường học ở phạm vi toàn phần hoặc bán phần.
TP.HCM đã trải qua một vài đợt giãn cách xã hội ngắn tính đến đợt dịch lần này. Khi khảo sát ý kiến phụ huynh và học sinh trên địa bàn TP, chúng tôi nhận được những phản hồi không mấy tích cực về việc dạy và học trực tuyến của khối phổ thông các trường công lập. So với các trường quốc tế và trường tư, khối các trường công lập gặp nhiều lúng túng trong việc xây dựng bài giảng trực tuyến và quản lý học sinh. Kỹ năng sử dụng công nghệ của cả giáo viên và học sinh ở nhiều trường công lập nhìn chung còn tương đối hạn chế. Trong những đợt giãn cách trước, dường như nhà trường và học sinh đều coi việc học trực tuyến là giải pháp tình thế, và theo lời một phụ huynh là "tạm chấp nhận được chứ chưa có chất lượng".
Điều đáng mừng là ở khối đại học, giảng viên và sinh viên đã thích ứng rất nhanh với công nghệ và các hoạt động học trực tuyến. Các trường đại học đa số sử dụng lớp học trực tuyến có camera quay trực tiếp thầy cô giảng bài hay các phần mềm như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet... để giảng dạy. Các giảng viên tích cực áp dụng các tiện ích trực tuyến như giao và quản lý bài tập trên Google Classroom; sử dụng Google form, Google docs để cho sinh viên làm việc nhóm. Các tiện ích trò chơi (Kahoot, Quizizz, Membrite...) được lồng ghép vào việc giảng dạy để tăng tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Những kinh nghiệm tích cực này của khối đại học cần được chia sẻ để các trường phổ thông học hỏi áp dụng.
Chúng tôi cho rằng việc quan trọng nhất lúc này của Sở GD-ĐT TP.HCM là chuẩn bị tinh thần, con người và cơ sở vật chất để tiếp tục dạy và học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và học sinh cũng như cộng đồng. Chúng tôi khuyến nghị TP chú trọng những điểm sau để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến hiệu quả:
Một là, Sở GD-ĐT điều chỉnh thống nhất khung nội dung cho các chương trình/môn học trực tuyến. Có thể cân nhắc giữ lại những nội dung chính để đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình và giảm tải một số nội dung để tránh áp lực quá cao cho giáo viên và học sinh. Sở có thể hỗ trợ các trường phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho dạy học trực tuyến, ví dụ nâng cấp đường truyền Internet, tăng hệ thống máy tính, thiết bị ghi hình bài giảng...
Hai là, các trường thiết kế hệ thống học trực tuyến với những lớp học ảo, các phòng dạy trực tuyến có đầy đủ
Vấn đề - sự kiện các phương tiện hỗ trợ dạy học đặc thù của từng môn học. Thiết kế lớp học sao cho sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh.
Ngoài ra, các trường cần khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên để họ kịp thời xây dựng những bài giảng trực tuyến có chất lượng. Giáo viên trong cùng tổ bộ môn có thể cùng góp sức xây dựng nội dung bài giảng, chia sẻ dữ liệu nguồn bài tập mang tính tương tác cao. Các bài giảng có thể được ghi sẵn và sử dụng chung cho toàn khối để giảm khối lượng công việc cho giáo viên. Các buổi dạy trực tiếp có thể được thực hiện qua các nền tảng Zoom, Microsoft Teams, Google Meet... áp dụng phong phú các hoạt động toàn lớp, đơn lẻ và theo nhóm để tránh nhàm chán và tăng tương tác của học sinh trong buổi học. Giáo viên nên khuyến khích học sinh liên lạc và trao đổi với giáo viên nếu gặp khó khăn trong việc hiểu bài hoặc làm bài tập. Các bài kiểm tra đánh giá cũng nên được thiết kế phù hợp với hình thức trực tuyến.
Một điều không thể thiếu là các trường nên thường xuyên đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, quan tâm tới sức khỏe tinh thần của cả giáo viên và học sinh, và tăng kết nối giữa nhà trường và học sinh.
Ba là, bộ phận công nghệ thông tin của các trường cần có thêm nhân lực để hỗ trợ giáo viên toàn trường, giúp huấn luyện, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên ghi hình các bài giảng trực tuyến. Đây là lực lượng rất quan trọng trong công cuộc số hóa nhà trường, đặc biệt khi có rất nhiều giáo viên chưa sử dụng công nghệ thành thạo trong giảng dạy.
Bốn là, các gia đình hỗ trợ nhà trường qua việc tạo môi trường không gian học tập yên tĩnh, không gây mất tập trung cho các con, cố gắng trang bị đầy đủ cho các con bàn học, máy tính, mạng Internet. Lý tưởng nhất là mỗi gia đình có ít nhất một người lớn giúp đỡ những lúc các con cần khi đang học trực tuyến. Quan trọng hơn cả là sự cảm thông và kiên nhẫn với các thầy cô và nhà trường, bởi họ đang và sẽ phải chịu rất nhiều áp lực mới với khối lượng công việc khổng lồ để việc dạy và học trực tuyến được diễn ra.
DƯƠNG THỊ ANH, NGUYỄN THỊ BÍCH DIỆP, LẠI THỊ THANH VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận