Phóng to |
Bà Năm Hường - một trong những người phụ nữ của đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: Tấn Đức |
Đôi vai tải đạn
“Tháng 11-1962, tôi tòng quân về bến Cà Mau, được phân công làm tiểu đội trưởng nữ bốc vác, có tất cả tám người. Cùng làm việc với chúng tôi còn có hai tiểu đội bốc vác nam, tổng quân số chừng 30 người...” - bà Tư Mai, 72 tuổi, ở ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau), nhớ lại.
Ngày qua ngày dưới tán rừng đước thâm u, những cô gái tuổi đời rất trẻ, có người mới hôm trước còn là nữ sinh, chưa quen lao động, đã phải bắt tay vào những phần việc nặng nhọc nhất.
Giai đoạn 1962-1964 tàu chở vũ khí về rất nhiều, có tháng đón đến 2-3 chuyến tàu, mỗi chuyến từ vài chục đến cả trăm tấn “hàng”. Phải quay ra ngay nên tàu vừa vào bến là lực lượng bốc vác lập tức có mặt, vào việc ngày đêm. Những bó súng gồ ghề, những thùng đạn nặng trịch không biết kiêng nể đôi vai con gái.
“Nhẹ nhất là đạn cũng đã từ 32-50kg/thùng. Mấy chị em tôi có thể một mình vác lên kho. Gặp loại cối nòng 60 ly thì phải hai người chung tay mới đưa lên được khỏi hầm tàu. Thấy vũ khí mới ham quá, có chị bặm môi ráng sức vác lên, bị cụp xương sống nằm cả tháng mới đứng được dậy” - bà Tư Mai mỉm cười kể về thời con gái ở rừng của mình.
Ngoài hai tiểu đội bốc vác, giao liên nữ, bến Cà Mau còn có hơn 40 nữ chiến sĩ tham gia các bộ phận quân y, quân trang, văn phòng, phục vụ bếp... Nhiều người trong số họ đã cảm tử để bảo vệ bí mật tuyệt đối của những con tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Cũng như các thủy thủ tàu không số, yêu cầu lớn nhất với các nhân viên làm việc ở bến là tuyệt đối bí mật. Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Không chỉ là không được ra ngoài, mà ngay trong bến cũng việc ai làm nấy biết, khu nhà ai nấy ở. Từ dãy nhà này qua dãy nhà khác có khi cách nhau cả mấy tiếng bơi xuồng. Mọi hoạt động, giao lưu trao đổi đều hạn chế tối đa đến gần như không có. Tám chị em tiểu đội nữ được ở chung và họ làm luôn cả việc của đàn ông: đốn cây dựng nhà, bện cây làm giường nằm ngay trong rừng đước.
Khó khăn nhất là nước ăn uống và sinh hoạt. Mỗi người được cấp một cái lu, tự hứng nước mưa để dùng cả năm. Hứng nước mưa không đủ, vào mùa khô để có nước dùng mấy chị em phân công nhau “cất” nước: múc nước mặn nấu sôi rồi hứng lấy hơi, cho ngưng tụ lại thành nước ngọt. Ngày nào cũng phải cất cả buổi mới đủ dùng cho cả tiểu đội. Ấy vậy mà phải chọn lúc giữa trưa mới được làm để khói bốc lên cao, tan nhanh vào không khí. Nấu bếp vào sáng sớm hay lúc trời mù sương, khói sẽ tụ trên đọt cây, làm thành dấu hiệu cho đối phương phát hiện.
Tính kỹ vậy mà vẫn có bận các cô gái phải bám cây chạy trối chết vì trực thăng nhìn thấy cột khói bốc lên, mang bom đạn tới giội. Sống trong rừng dày dạn nhưng Tư Mai đã có mấy bận lạc đường, suýt mất mạng khi đi tìm ngọn rau, con cá cải thiện bữa ăn.
Có một buổi quá mải mê đuổi theo mấy con vọp, đêm xuống nhanh không tìm được đường về, Tư Mai phải trèo lên ngọn đước cao chót vót để ngủ, chờ sao mai mọc để định hướng. Chừng sáng ra, cô giật bắn người khi phát hiện tối qua mình đã băng qua “bãi lửa” (bãi mìn) do bộ phận tiền tiêu gài nơi cửa sông phòng ngừa đối phương xâm nhập.
“Không sợ chết, chỉ sợ... ma”
Đó là hồi ức của bà Năm Hường, 72 tuổi, hiện ngụ ở ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Đầu năm 1963, khi đang phụ trách chi đoàn thanh niên xã, bà được địa phương cử vào “cứ” tham gia nhiệm vụ đặc biệt.
“Nhận được lệnh là chúng tôi lên đường ngay, đoạn tuyệt hẳn với gia đình. Từ Khánh Bình Tây Bắc, chúng tôi đi bộ ròng rã cả tháng trời mới tới Rạch Gốc. Tới nơi, tôi mới biết được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu đội giao liên tại bến tiếp nhận vũ khí của các đoàn tàu không số chở từ Bắc vào” - bà Năm Hường nhớ lại.
Phạm vi hoạt động của đội giao liên trải dài từ Gành Hào lên tới Khai Long, Đất Mũi, tổng chiều dài bờ biển trên 70km. Trong khu vực này có rất nhiều bộ phận trực thuộc bến đóng quân như bộ phận tiền tiêu, bộ phận bốc xếp, bộ phận kho... Tiểu đội giao liên chín người của bà Năm Hường được giao nhiệm vụ kết nối các bộ phận đó với ban chỉ huy, điều hành bến; tiếp nhận thư của các đơn vị bạn và của tuyến trên chuyển cho bến.
Công việc đòi hỏi các chị luôn phải “sẵn sàng cái chân”, đi bất cứ lúc nào để thư tới nơi sớm nhất. Biển Cà Mau thủy triều lên xuống hai lần/ngày như sóng trào, nước lớn ròng có khi chênh nhau tới 3-4m, nhiều lúc bơi xuồng đi đưa thư, gặp lúc nước rút nhanh, xuồng mắc cạn giữa lòng rạch, tiến thoái lưỡng nan.
“Chị em giao liên chúng tôi không ai biết sợ chết là gì, trên đường làm nhiệm vụ, gặp giặc thì sẵn sàng cảm tử để thư từ không rơi vào tay đối phương. Nói vậy nhưng vẫn cứ là con gái. Đêm hôm khuya khoắt, trời tối như bưng, đang bơi xuồng gặp con nước ròng không đi được, có người đã bật khóc vì... sợ ma, sợ rắn hổ và đẻn nước. Nhưng dù sợ mấy thì khóc xong rồi cũng phải lội xuống bùn mà kéo xuồng đi cho kịp” - bà Năm Hường bồi hồi kể.
Giữa năm 1969, đối phương tái chiếm chi khu Năm Căn và triển khai các hạm đội nhỏ lùng sục khu vực Vàm Lũng, Rạch Gốc, cửa Bồ Đề. Các toán biệt kích, người nhái được tung ra trên nhiều tuyến kênh rạch hòng xâm nhập sâu khu vực bến Cà Mau.
Tình thế này gây khó khăn cho việc tiếp nhận tàu, đặt các nữ giao liên trước những mối nguy hiểm khôn lường. Hai cô gái hi sinh trên đường giao thư vì bị phục kích, nhưng suốt mấy năm liền tiểu đội giao liên của bến Cà Mau với tuổi đời chỉ mới đôi mươi như Hai Phương, Tư Phấn, Tư The, Thu Hà, Thanh Vân... thậm chí có người mới 14 tuổi như Hồng Nhỏ (quê ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh), vẫn kiên trì bám sát địa bàn. Tuổi trẻ, máu xương của các cô đã góp một phần vào thành công của những chuyến tàu không số.
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
__________
Bến tiếp nhận vũ khí từ những con tàu không số không nằm ở đâu xa, mà chính trong lòng dân. Mỗi người dân vùng lân cận đều được coi là người của bến. Nhờ có dân bảo vệ, các kho vũ khí mới được an toàn trọn vẹn, đường chuyển tiếp mới được thông suốt...
Kỳ tới: Bến cảng trong lòng dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận