Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) chuẩn bị hoa cho mùa Tết - Ảnh: H.T.V |
Theo tờ trình này, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 hoặc 9 ngày. Cụ thể, ở phương án nghỉ 9 ngày sẽ bao gồm bốn ngày cuối năm Giáp Ngọ và năm ngày đầu năm Ất Mùi. Trong khi đó, phương án nghỉ 7 ngày bao gồm một ngày cuối năm Giáp Ngọ và sáu ngày đầu năm Ất Mùi.
Một số bạn đọc theo phương án 7 ngày. Anh Dương Anh Khoa (Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng: “Nghỉ lâu quá sẽ làm công việc đình trệ, nhất là các công ty có giao dịch với nước ngoài, công ty xuất nhập khẩu. Nghỉ càng lâu thì con người càng dễ lười, khi bắt tay trở lại, tiến độ công việc sẽ bị ảnh hưởng”.
>> Anh Dương Anh Khoa
Tuy nhiên đa phần bạn đọc đều ủng hộ nghỉ Tết 9 ngày.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn đọc Tuấn Vinh (An Giang) cho biết: “Chọn phương án nghỉ 9 ngày là hợp lý. Đây là phương án tối ưu làm giảm áp lực tàu xe cho người lao động và người lao động có thời gian dọn dẹp nhà cửa, về quê phụ ông bà chuẩn bị đón Tết”.
Bạn đọc Trường Giang đồng tình: “Cả năm làm việc vất vả thì Tết là cơ hội để mình về với gia đình, tranh thủ đi thăm ông bà, hàng xóm và tổng kết lại năm qua mình đã làm được gì và chưa làm được gì?”.
Chị Trần Thị Trang (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Mỗi năm tôi chỉ về quê một lần, tốn từ 2 – 3 triệu đồng. Nghỉ 9 ngày thì người lao động có thêm thời gian để thăm gia đình, người thân”. Giải thích thêm, chị Trang cho biết những năm trước đây lịch nghỉ Tết vẫn là 9 ngày nên nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở đã quen với thời gian như vậy, nếu năm nay vẫn nghỉ 9 ngày cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động sản xuất của họ.
>> Chị Trần Thị Trang
Theo chị Nguyễn Ngọc Mai (quê Nam Định) hiện đang là nhân viên kinh doanh tại Q.1, TP.HCM thì nghỉ 9 ngày là phù hợp. Do điều kiện không cho phép nên chị Mai chỉ có thể về quê bằng tàu. Chuyến về mất 2 ngày, chuyến lên lại thêm 2 ngày nữa nên thời gian ở quê không còn nhiều.
“9 ngày không phải là thời gian quá dài. 9 ngày này có nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa, chúng ta có thể khai thác làm thế mạnh du lịch, giải trí” - chị Mai đề xuất.
>> Chị Nguyễn Ngọc Mai
Cần phù hợp với điều kiện thực tế
Truyền thống văn hóa Việt Nam từ xã hội nông nghiệp đã có khoảng thời gian nghỉ Tết dài ngày để người dân tham gia các hoạt động văn hóa giao lưu.
TS Nguyễn Nhã - người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cho biết: “Ngày xưa, ăn Tết thường kéo dài đến ngày hạ nêu, tức mùng 7 âm lịch. Còn hội Tết kéo dài đến suốt tháng Giêng, bao gồm nhiều lễ, hội”.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Nhã cũng khẳng định quá trình đô thị hóa đã làm tục lệ này có nhiều biến chuyển cho phù hợp.
>> TS Nguyễn Nhã
Tết là một phần tất yếu trong tâm thức người Việt, là dịp để mọi người nghỉ ngơi, làm mới chính mình để bước vào một chu kì mới. Thời gian nghỉ Tết của dân tộc Việt Nam từ xưa đã mang tính quy ước.
TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng bộ môn Lý luận Văn hóa học, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Tết bao gồm Tết của thân tộc kéo dài khoảng 1 tuần là dịp để thăm gia đình, người thân và lễ hội làng râm ran xuyên suốt nhiều ngày vì thời điểm ấy mùa xuân chỉ mới chớm qua nên thời tiết cũng chưa thích hợp cho việc gieo trồng”.
>> TS Nguyễn Ngọc Thơ
Ở phương Tây, các nước vẫn nghỉ dài ngày từ Giáng sinh đến Tết dương lịch. Theo TS Nguyễn Nhã, người dân thường chọn dịp này để đi du lịch. Do vậy, nếu đặt vào trường hợp nghỉ Tết dài ngày Việt Nam, chúng ta vẫn có thể phát huy các hoạt động lễ hội văn hóa vào du lịch vì khí hậu cũng rất thuận lợi.
>> TS Nguyễn Nhã
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng chia sẻ thêm: “Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn sẽ là một nước lấy nông nghiệp làm điều kiện kinh tế cơ bản. Nhưng trong tiến trình hội nhập, việc nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng một phần tới sản xuất, giao lưu thương mại, phát triển kinh tế”.
Các nước phương Tây vẫn dành khoảng thời gian từ 5 ngày đến một tuần cho Tết truyền thống của các nước Đông Á để hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Tuy nhiên, điều này cũng chỉ có thể kéo dài từ 5 ngày tới một tuần. Thói quen làm ít, nghỉ ngơi nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội của nước ta” - TS Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định.
>> TS Nguyễn Ngọc Thơ
Từ truyền thống, khi cận Tết, mọi người không ai còn tâm lý muốn làm việc. Đây là khoảng thời gian họ mong muốn trở về gia đình dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc tổ ấm.
TS Nguyễn Nhã cho biết: “Chính vì vậy, dù nghỉ 7 hay 9 ngày thì tâm lý người đi làm cũng không thể thay đổi”. TS Nguyễn Nhã đề xuất: “Trong những dịp nghỉ Tết dài ngày, các cơ quan cần phân công người trực để tiếp nhận những nhu cầu về thủ tục hành chính cho người dân”.
>> TS Nguyễn Nhã
Chia sẻ về trường hợp những người lao động xa quê, TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng: “Cần quan tâm đến những trường hợp này, vấn đề giao thông, vận tải phải chuẩn bị tốt hơn để rút ngắn thời gian cho người lao động”.
TS Nguyễn Ngọc Thơ bày tỏ niềm tin trong tương lai khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đặc biệt là những tuyến đường xe lửa cao tốc sẽ góp phần giúp người lao động di chuyển nhanh hơn, an toàn hơn để có thể tận hưởng không khí Tết trọn vẹn.
>> TS Nguyễn Ngọc Thơ
Trên 70% ý kiến chọn phương án nghỉ Tết 9 ngày Ngày 24-11-2014, có hàng ngàn bạn đọc tham gia trả lời thăm dò do Tuổi Trẻ thực hiện trên tuoitre.vn. Trong đó chỉ có 27,8% chọn nghỉ Tết 7 ngày, 70% chọn nghỉ Tết 9 ngày, còn lại là ý kiến khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận