Tiêu chí cán bộ, công chức, viên chức không vô cảm trước những bức xúc của dân được nhiều người ủng hộ. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận 10, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đó là một trong những yêu cầu của kế hoạch tổ chức phong trào Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Từ chuyện giày dép đến chuyện bia rượu
Bản kế hoạch đưa ra tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức, viên chức là không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Với lãnh đạo quản lý, tiêu chuẩn thi đua yêu cầu phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý, không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen, không nâng đỡ cấp dưới vì động cơ, mục đích không trong sáng; không duy ý chí, áp đặt, bảo thủ...
Đặc biệt, lãnh đạo quản lý cần chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín hoặc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm được giao.
Với nhân viên, bản tiêu chuẩn thi đua này yêu cầu cán bộ không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng; đồng thời phải "tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo điều hành, phân công công việc của cấp trên".
Với cán bộ, công chức, viên chức nói chung phải "tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc".
Bộ tiêu chuẩn còn có quy định cụ thể là công chức, viên chức "khi thực hiện nhiệm vụ thì trang phục phải gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu"; không đánh bạc, sa vào tệ nạn xã hội, không sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa...
Một trong những tiêu chuẩn thi đua với cán bộ, công chức là phải "tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều làm ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ".
Vương triều nào cũng có quan từ chức
Góp ý về kế hoạch này, một công chức trẻ công tác tại một trường đại học ở Hà Nội cho rằng khi đã đánh giá thi đua với công chức, viên chức "kiểu định tính" đòi hỏi phải có một quy trình đánh giá thống nhất ở tất cả cơ quan chứ không phải cơ quan A đánh giá khác cơ quan B...
Trong khi đó, nhà văn, nhà báo, TS Hồ Bất Khuất lại nghi ngờ về tính định tính của bộ tiêu chí đánh giá thi đua của công chức, viên chức này khi các tiêu chí này sử dụng nhiều khái niệm khó được hiểu như nhau trong xã hội như "thuần phong mỹ tục", "trang phục lịch sự", "chuẩn mực đạo đức gia đình"...
Về tiêu chí công chức, viên chức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều; ông Khuất đồng ý là không riêng cán bộ, công chức, viên chức mà mỗi công dân đều không nên tuyên truyền các thông tin phiến diện, sai trái trên mạng xã hội.
"Một công dân tốt khi thấy những thông tin sai trái, có hại cho xã hội trên mạng xã hội cần phải lên tiếng phản biện và họ có thể sử dụng mạng xã hội để lên tiếng, bằng không sẽ là vô cảm" - TS Hồ Bất Khuất nói.
Về tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý cần chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín..., GS.TSKH Vũ Minh Giang nói ông rất ủng hộ điều này.
"Trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam thì vương triều nào cũng đều có những vị quan từ chức, cáo quan về quê cả" - ông Vũ Minh Giang nói.
"4 xin và 4 luôn"
Theo phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025", khi giao tiếp với người dân, cán bộ cần thực hiện "4 xin và 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận