03/12/2024 13:25 GMT+7

Tiểu ban đặc biệt của Mỹ phát hiện gì trong vụ COVID-19 nghi 'rò rỉ từ phòng thí nghiệm' Trung Quốc?

Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 của Hạ viện Mỹ công bố báo cáo cuối cùng, đưa ra nhiều kết luận đáng chú ý liên quan đến nguồn gốc đại dịch này.

Tiểu ban đặc biệt của Mỹ phát hiện gì trong vụ COVID-19 'rò rỉ từ phòng thí nghiệm' Trung Quốc? - Ảnh 1.

Một y tá đang chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 trong phòng săn sóc đặc biệt ở Bệnh viện SSM Health St. Anthony, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Theo báo Hill, ngày 2-12 (giờ địa phương), Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 của Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo cuối cùng của mình.

Bản báo cáo dài 520 trang, chứa nhiều kết luận của cơ quan này liên quan đến đại dịch như nguồn gốc virus SARS-CoV-2, hiệu quả của việc tiêm chủng và các động thái phòng, chống dịch cấp tiểu bang...

Kết luận mới nhất về virus gây bệnh COVID-19 khiến hàng triệu người chết sau 2 năm điều tra

Chủ tịch tiểu ban Brad Wenstrup tuyên bố: "Từ tháng 2-2023, tiểu ban đặc biệt đã bắt tay thực hiện một báo cáo đầy đủ. Qua đó chỉ ra một lộ trình giúp Quốc hội, phía hành pháp và mảng tư nhân chuẩn bị và phản ứng tốt hơn với những đại dịch trong tương lai.

Trong quá trình này, Tiểu ban đặc biệt đã thực hiện 38 buổi phỏng vấn, tổ chức 25 buổi điều trần hoặc phiên họp và nghiên cứu hơn 1 triệu trang tài liệu từ các bên liên quan".

Những phát hiện đáng chú ý của bản báo cáo trên gồm:

Virus SARS-CoV-2 "rò rỉ từ phòng thí nghiệm"

Báo cáo khẳng định virus SARS-CoV-2 "nhiều khả năng bị phát tán bởi một tai nạn trong phòng thí nghiệm hoặc phòng nghiên cứu".

Báo cáo khẳng định: "Khả năng cao nhất là COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc".

Phát hiện này được nhiều nhân vật uy tín ủng hộ, bao gồm cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield, cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe và cựu thủ tướng Anh Boris Johnson.

Báo cáo dẫn lời ông Redfield: "Dựa trên phân tích dữ liệu ban đầu của tôi, tôi đã tin và vẫn tin rằng khả năng COVID-19 lây lan do một vụ rò rỉ mang tính tai nạn trong phòng thí nghiệm cao hơn khả năng bùng phát tự nhiên".

Tiểu ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ cũng cho rằng cựu giám đốc Viện quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAD) Anthony Fauci đã tác động vào nghiên cứu "Nguồn gốc gần của SARS-CoV-2" (2020).

Ông Fauci đã khiến nghiên cứu trên kết luận theo hướng đại dịch có nguồn gốc tự nhiên và phủ nhận thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, theo Hạ viện Mỹ. 

Cố vấn y tế đầu ngành cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trong giai đoạn COVID-19 hiện vẫn phủ nhận mạnh mẽ cáo buộc này. 

Cho đến nay, các cơ quan liên bang của Mỹ đã đưa ra nhiều kết luận khác nhau về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Không ít kết luận trong số trên đối lập nhau, khiến vấn đề này tiếp tục là một dấu hỏi lớn.

Tổ chức Mỹ tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán

Tiểu ban đặc biệt của Mỹ phát hiện gì trong vụ COVID-19 'rò rỉ từ phòng thí nghiệm' Trung Quốc? - Ảnh 2.

Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Viện Virus học Vũ Hán đã xây dựng hoàn thành phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia vào tháng 1-2015 và đây là phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) đầu tiên ở châu Á - Ảnh: AFP

Báo cáo của tiểu ban rất quan tâm đến những động thái của EcoHealth Alliance - tổ chức phi chính phủ giúp các phòng nghiên cứu trên thế giới tiếp cận khoản tài trợ của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH).

Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc), nơi bị nhiều quan chức Mỹ nghi là nguồn gốc rò rỉ virus SARS-CoV-2, là một trong những cơ sở nhận khoản tiền tài trợ trên.

Tiểu ban Hạ viện cho rằng EcoHealth đã không giám sát đầy đủ những thí nghiệm được liên minh này tài trợ, hỗ trợ các thí nghiệm gain-of-function (tăng chức năng cho virus) và đánh lừa NIH về chi tiết các dự án nghiên cứu. Ngược lại, bản thân NIH cũng đã không giám sát tốt EcoHealth.

Trước việc này, Bộ Tư pháp Mỹ đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn hình sự để điều tra về nguồn gốc COVID-19.

"EcoHealth đang đối diện nhiều vụ điều tra liên bang về vai trò tiềm năng của họ đối với đại dịch COVID-19 và một loạt cáo buộc vi phạm chính sách tài trợ liên bang. Kết quả của hầu hết vụ điều tra này đều được công khai.

Tuy nhiên, Tiểu ban đặc biệt nhận thấy Bộ Tư pháp cũng đang điều tra về nguồn gốc COVID-19. Hiện chưa rõ chi tiết cụ thể của vụ điều tra, nhưng nhiều khả năng nó liên quan đến vai trò của EcoHealth đối với đại dịch".

Báo cáo khẳng định tính đến ngày 4-12-2024, kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ vẫn sẽ không được công khai.

Khẩu trang, cách ly xã hội không cản được COVID-19

Báo cáo của tiểu ban Hạ viện chỉ trích khá gay gắt những biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn đầu.

Báo cáo kết luận khẩu trang nói chung và các quy định đeo khẩu trang nói riêng "không có tác dụng trong việc kiểm soát đà lây lan COVID-19".

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng có thể làm giảm khả năng lây nhiễm virus qua đường hô hấp, nhưng khẩu trang không phải phương án đơn lẻ có thể kiềm chế dịch.

Hơn nữa, báo cáo cũng kết luận các biện pháp phong tỏa xã hội "gây hại nhiều hơn lợi" cho nền kinh tế, sức khỏe tổng thể của người Mỹ và sự phát triển của trẻ em.

Trái ngược với những chỉ trích trên, Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 nhận thấy một số biện pháp phát huy tác dụng.

Điển hình trong đó là lệnh giới hạn di chuyển và sự hợp tác giữa khu vực công lập và tư nhân. Sự hợp tác trên đã tạo điều kiện cho việc xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng ngay từ đầu đại dịch, mặc dù những biện pháp xét nghiệm COVID-19 ban đầu chưa thật sự chính xác.

Báo cáo kết luận: "Sau bốn năm nhìn lại, việc giới hạn di chuyển quốc tế ngay từ những ngày đầu đại dịch giúp trì hoãn, song không thể ngăn COVID-19 tiến vào Mỹ".

Nhiều năm qua, Trung Quốc kiên quyết phủ nhận khả năng COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm của nước này. Hiện Trung Quốc và các nước khác trên thế giới chưa phản hồi chính thức nội dung báo cáo trên.

Chi tiết báo cáo kết luận của Hạ viện Mỹ về nguồn gốc COVID-19 - Ảnh 4.NÓNG: Mỹ kết luận COVID-19 không từ động vật, có thể liên quan 'tai nạn nghiên cứu' của Trung Quốc

Ngày 2-12, cuộc điều tra kéo dài hai năm của các nghị sĩ Mỹ đã đi tới kết luận: virus gây bệnh COVID-19 khiến hàng triệu người chết trên toàn cầu khả năng đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên