Cuộc hội thoại diễn ra lúc 16h ngày 7-5-1954. Cogny là tướng chỉ huy các lực lượng mặt đất ở miền Bắc Việt Nam từ Hà Nội; còn tướng De Castries là chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ khi đó.
Phim tài liệu dài 50 phút, do ban truyền hình đối ngoại (VTV4) thực hiện phát trên VTV tối 7-5, công bố những hồ sơ mật của quốc phòng và Quốc hội Pháp nói về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuộc hội thoại cuối cùng của tướng De Castries và Cogny
Giữa năm 1953, nước Pháp rơi vào khủng hoảng bởi cuộc chiến ở Đông Dương. Quân Pháp lúc này đã lún sâu vào thế phòng ngự.
Trong khi đó, bộ đội, du kích Việt Nam mở các trận đánh lớn, nhỏ làm suy yếu quân Pháp trên mọi chiến trường.
Nghị trường Pháp dậy sóng bởi những tranh luận không dứt về chiến tranh tại Đông Dương. Tranh cãi tại Quốc hội Pháp cuối năm 1953 cần chấm dứt chiến tranh Đông Dương và tìm ra lối thoát trong danh dự.
Trong phiên họp Quốc hội Pháp ngày 27-10-1953, đại biểu Gilbert De Chambrun nói: "Nếu các ông không muốn đối thoại với Chính phủ Hồ Chí Minh thì chẳng có lối thoát nào khác, đó sẽ là chiến tranh và chúng ta sẽ còn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh rất dài".
Phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp tiết lộ bản âm thanh gốc "Cuộc hội thoại cuối cùng giữa Cogny và De Castries" lúc 16h ngày 7-5-1954.
"- Chúng tôi sẽ cầm cự càng lâu càng tốt.
- Tôi nghĩ điều tốt nhất bây giờ là lực lượng không quân phải yểm trợ hỏa lực lớn để cố gắng đảm bảo quân Việt Minh dừng lại, chấm dứt nỗ lực tấn công của họ.
- Vâng, thưa tướng quân, giờ có rất nhiều người bị thương và nhiều người trong số họ nằm trong tay kẻ thù.
- Tôi hiểu chứ. Hãy làm tốt nhất có thể bằng mọi cách để kết thúc. Những gì ông làm là quá tốt rồi. Ông hiểu điều đó không, tướng quân?
- Vâng tôi hiểu, thưa tướng quân. Tạm biệt ông, hẹn gặp lại.
- Tôi sẽ gọi lại cho ông trước khi đụng độ".
Lúc 17h30 ngày 7-5-1954, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm khiến nước Pháp và cả thế giới rung chuyển.
Bản âm thanh gốc “Cuộc hội thoại cuối cùng giữa Cogny và De Castries" lúc 16h ngày 7-5-1954.
Hậu Điện Biên Phủ, nước Pháp thế nào?
Một cuộc chiến đã khép lại nhưng một cuộc chiến mới lại nổ ra trong nội bộ nước Pháp.
Gần một năm sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 31-3-1955, một ủy ban điều tra đã được Bộ Quốc phòng Pháp thành lập nhằm làm sáng tỏ mọi sự việc liên quan tới thất bại mang tên Điện Biên Phủ.
Nhiều nhân vật, tướng lĩnh chủ chốt khác có liên quan đã được mời tới điều trần, trong đó có ba tướng chỉ huy trực tiếp là: tướng Henri Navarre - tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng René Cogny và tướng De Castries.
Phim Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp "giải mật" những hồ sơ ít hoặc lần đầu được công bố về sự thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ - Ảnh chụp màn hình
Với những hồ sơ mật thu thập được từ quốc phòng và Quốc hội Pháp, phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp đã lần đầu đưa những thông tin về cuộc điều trần này ra ánh sáng.
Nhiều năm sau cuộc chiến, người Pháp vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "ai là người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa mang tên Điện Biên Phủ?".
Một câu hỏi lớn được đặt ra: "Gần một phần mười quân viễn chinh ở Viễn Đông bị tiêu diệt tại Điện Biên Phủ. Thiết kế căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ có nằm trong chính sách quân sự chung của chính phủ không? Nếu có thì chính phủ phải chịu trách nhiệm về thất bại này".
Tướng Navarre nói về thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ
Trong cuốn Hồi ký Tướng Navarre, Navarre đã đưa ra ba lý do dẫn đến thất bại của Pháp.
1. Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch.
Còn phía Pháp chúng ta là một liên minh các quốc gia có quyền lợi khác nhau, do dự và thiếu hẳn sự kết hợp giữa chính trị và quân sự trong chiến tranh.
2. Phía Việt Minh là một cuộc chiến tranh được dân chúng tham gia một cách toàn diện.
Phía chúng ta là một cuộc chiến tiến hành nửa vời. Người ta thậm chí không buồn nói tại sao người lính của chúng ta phải chiến đấu.
3. Phía Việt Minh là một quân đội hết sức cơ động linh hoạt. Phía chúng ta, tuy mạnh hơn, nhưng phải trả giá nặng nề bởi sự cồng kềnh và thiếu thích nghi với đất nước và con người ở xứ sở này.
Chúng ta luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy, tất cả họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận