Chúng tôi mua 1 miếng đất nông nghiệp 100m2 với giá 300 triệu đồng ở một thành phố đẹp và lãng mạn, khí hậu rất trong lành - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Năm 1998, tôi vào TP.HCM để học đại học. 12 năm sau, tôi và bạn gái quyết định kết hôn và về quê lập nghiệp. Quê chúng tôi là một thành phố đẹp và lãng mạn, khí hậu rất trong lành.
Năm 2010, tổng thu nhập từ lương của vợ chồng là 12 triệu đồng. Công việc toàn thời gian nên chúng tôi không có thu nhập nào khác. Vợ chồng tâm niệm, "buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè lỗ miệng". Chúng tôi luôn có kế hoạch rõ ràng cho việc tiết kiệm:
Chúng tôi ở chung với ông bà, góp 3 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng.
Hai vợ chồng tiết chế tối đa các khoản chi như quần áo, giày dép, mua sắm. Trong tủ, tôi thường chỉ có 3 quần jeans, 4 - 5 cái áo thun mặc đi làm, một bộ sơ vin để mặc khi đám cưới, tiệc. Tôi mặc đến khi nào hư, rách mới thôi.
Về du lịch, vợ chồng chỉ đi 3 lần trong 1 năm: 1 lần với công ty vợ tôi, lần 2 là với công ty tôi và lần 3 là đi với gia đình. Đi với công ty thì chi phí rất ít, vợ hoặc chồng chỉ phải đóng thêm từ 1 - 2 triệu đồng cho 1 chuyến đi du lịch biển 2 ngày 1 đêm. Đi với gia đình thì khoảng 6 triệu 1 chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm cho 4 người.
Những khoản chi lặt vặt, vợ chồng tôi luôn có cách chi tiêu hợp lí. Ví dụ xài điện thoại, chúng tôi hầu hết chỉ để nghe. Chi phí cho 1 điện thoại trả sau của tôi chưa bao giờ quá 150.000 đồng/ tháng, và của vợ trả trước không tới 100.000 đồng. Điều này chúng tôi duy trì gần 10 năm qua.
Vợ tôi cũng không có sở thích shopping. Mỗi năm công ty vợ cấp 2 triệu để may đồng phục và đồ trang điểm cho nữ. Vợ tôi chỉ may đồng phục 1 lần, mà mặc tiếp vài năm sau.
Chúng tôi chi nhiều hơn cho giày dép. Mỗi năm tôi mua 2 đôi giày, khoảng 300.000 đồng/ đôi. Còn vợ tôi mua 4 đôi. Sau này khi kinh tế khá hơn, tôi mới biết tới những đôi giày 2-3 triệu, và thấy rằng nó rất tốt. Ví dụ 1 đôi hàng hiệu giá 2 triệu đồng, nếu chịu khó đợi giảm giá có thể chỉ 1,4 - 1,5 triệu đồng, nhưng độ bền rất cao, tôi mang liên tục 2 năm không hư.
Chúng tôi luôn dành khoản hơn 50% thu nhập để tiết kiệm.
Những năm 2010, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, trả lãi ngân hàng khi mua nhà đất, tôi thường tiết kiệm được hơn 50 triệu/ năm, nhưng với tiền lương ngày càng tăng, đến năm 2018, vợ chồng tôi mỗi năm đã tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng. Từ mức lương 12 triệu năm 2010, tới năm 2018, tổng lương vợ chồng là 35 triệu đồng/tháng.
Được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên từ cửa sổ, tôi thấy hành trình bao năm qua thật vất vả nhưng thật đáng giá - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Về căn nhà mơ ước là một hành trình dài. Năm 2011, chúng tôi mua 1 miếng đất nông nghiệp 100m2 với giá 300 triệu đồng (trong đó 100 triệu đồng là tiền tiết kiệm và tiền cưới còn dư, 200 triệu đồng vay ngân hàng). Sau 3 năm, chúng tôi trả hết nợ.
Tới năm 2014, chúng tôi mua lại 1 suất chung cư 69m2 tái định cư (chưa hóa giá), giá 250 triệu đồng. Tới năm 2015, tôi bán chung cư, mua 1 căn nhà cấp 4 có gác, rộng 109m2, gần trung tâm thành phố giá 1,2 tỷ (trong đó 350 triệu là tiền bán chung cư, 150 triệu là tiền lương thưởng, tiết kiệm và 700 triệu đồng vay ngân hàng).
Năm 2018, tôi mua 1 chiếc Ford Laser giá 150 triệu đồng.
Và tới hôm nay khi tôi viết bài này, tôi đã trả xong món nợ 700 triệu đồng cho ngân hàng, rút sổ về.
Có những chi tiết nhỏ nhặt trong chi tiêu rất khó kể hết, nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Và khi ngồi trong căn nhà chính thức của mình sau khi trả hết nợ ngân hàng, được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên từ cửa sổ, tôi thấy hành trình bao năm qua thật vất vả nhưng thật đáng giá.
Gần 10 năm tiết kiệm để có 1 căn nhà mơ ước, có thể ở được cả đời. Quả là một đánh đổi đáng giá.
Trong ngần ấy năm, nhìn bạn bè mua xe mới, thay điện thoại xoành xoạch, đi du lịch, mua quần áo liên tục, ai mà không ham? Nhưng vì mục tiêu lớn, 2 vợ chồng tặc lưỡi cho qua.
Có những dè bỉu và khó chịu về những người tiết kiệm đủ mọi thứ để mua nhà, nhưng trên tất cả, chúng ta sống tốt với mọi người, sống có kế hoạch và tiết kiệm. Rồi bạn sẽ có được căn nhà mơ ước.
Các bạn trẻ có thể nói về những chuyến phượt của cuộc đời, cuộc sống ngắn lắm, hãy tận hưởng, hãy đi du lịch, hãy mua sắm, hãy trải nghiệm này kia. Giờ tôi còn nửa cuộc đời để thực hiện điều đó, với giá rẻ hơn rất nhiều do cạnh tranh, dịch vụ ngày càng rẻ, còn nhà đất ngày càng đắt đỏ.
Hiện giờ căn nhà tôi mua 1,2 tỉ đồng đã lên tới 5 tỉ đồng. Nếu ngày đó không cố gắng dành dụm để mua thì bây giờ không thể nào mua nổi.
Bạn có cho rằng người trẻ nên nhất định dành dụm tiền để mua nhà, hay nên thoải mái tận hưởng cuộc sống, đầu tư cho học hành? Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận