11/04/2025 16:20 GMT+7

Tiết kiệm 2% điện, doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm 4.000 tỉ đồng chi phí mỗi năm

Trong bối cảnh các dự án điện mới đang chậm tiến độ và những thách thức trong việc đảm bảo cân bằng nhu cầu điện trong giai đoạn 2025-2026, việc tiết kiệm điện là hết sức bức thiết.

tiết kiệm điện - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tại TP.HCM lắp điện mặt trời trên mái của trung tâm thương mại để tiết giảm chi phí tiền điện mua từ EVN - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 11-4, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” tại TP.HCM.

Kêu gọi tiết kiệm điện trong bối cảnh các nguồn điện mới chậm tiến độ

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - phó cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay tiềm năng tiết kiệm điện trong các ngành công nghiệp và xây dựng Việt Nam còn rất lớn, từ 20-30%.

Theo ông Vũ, cả nước hiện có hơn 300 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (bao gồm cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp, đơn vị vận tải, công trình xây dựng - PV), chỉ cần mỗi cơ sở tiết kiệm 2% lượng điện tiêu thụ, trên toàn quốc sẽ tiết kiệm đến 2 tỉ kWh điện mỗi năm, tương đương với việc tiết kiệm được 4.000 tỉ đồng.

Trong năm nay, dự kiến sản lượng điện thương phẩm quốc gia sẽ tăng trưởng 12,5% so với năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm có thể đạt được 340 tỉ kWh. 

Do đó nếu tiết kiệm được 2% sản lượng điện thương phẩm, giá trị kinh tế mang lại cho đất nước sẽ rất lớn.

“Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các nguồn điện mới đang chậm tiến độ và những thách thức trong việc đảm bảo cân bằng nhu cầu điện trong giai đoạn 2025-2026”, ông Vũ nói.

Xài lưu trữ sẽ giải bài toán điện mặt trời ngừng phát ban đêm

Ông Trần Viết Nguyên - phó trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho hay việc điều chỉnh hành vi dùng điện sẽ mang lại những kết quả tích cực trong tiết kiệm điện như tăng nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý sẽ giúp tiết kiệm từ 3-5% năng lượng. 

Ngoài ra việc đầu tư vào các công nghệ giám sát từ xa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) cũng giúp tối ưu hóa năng lượng, mang lại hiệu quả tiết kiệm điện cao hơn.

Theo ông Nguyên, các chính sách hiện nay khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời tự sản tự tiêu, cho phép bán tối đa 20% lượng điện dư thừa lên lưới cũng là giải pháp để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung nguồn điện phân tán.

Tại diễn đàn, ông Trần Văn Quy - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Dệt may Trung Quy - cho hay với đặc thù của doanh nghiệp sản xuất hoạt động 24/7, song điện mặt trời chỉ phát vào ban ngày, ban đêm muốn sử dụng năng lượng xanh nhưng hệ thống không phát điện. 

Trả lời vấn đề này, đại diện các doanh nghiệp năng lượng cho rằng giải pháp cho nhu cầu điện ban đêm khi sử dụng điện mặt trời là lắp thêm hệ thống lưu trữ điện (BESS). 

Hệ thống BESS có khả năng sạc điện từ điện mặt trời hoặc lưới vào giờ thấp điểm (khi giá điện thấp) và xả ra sử dụng vào giờ cao điểm (khi giá điện cao), giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí điện cũng như giải quyết được bài toán dùng điện xanh.

Ông Trần Viết Nguyên cho rằng với việc giá thành hệ thống lưu trữ năng lượng ngày càng giảm, các doanh nghiệp lắp hệ thống lưu trữ để sử dụng kết hợp với hệ thống điện mặt trời.

EVN sẽ mua điện từ hệ thống lưu trữ

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời năm 2025, trong đó nguồn điện mặt trời có pin lưu trữ sẽ được EVN mua lại điện với mức giá cao hơn.

Theo đó, đối với loại hình nhà máy điện mặt trời có hệ thống pin lưu trữ, mức giá tối đa cho điện mặt trời mặt đất ở miền Bắc là 1.571,98 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.876,57 đồng/kWh. Tại miền Trung, các loại hình điện mặt trời này có giá tương ứng 1.257,05 đồng/kWh và 1.487,18 đồng/kWh. Còn ở miền Nam, các loại hình điện mặt trời có giá tương ứng 1.149,86 đồng/kWh và 1.367,13 đồng/kWh.

Chỉ cần làm điều này, doanh nghiệp sẽ giúp cả nước tiết kiệm được 4.000 tỉ đồng tiền điện - Ảnh 2.Các ông lớn FDI sắp lắp điện mặt trời ở nhà xưởng, sản lượng điện tái tạo sẽ tăng

Các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, các nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam tiếp tục lắp đặt hệ thống trên mái nhà xưởng, sản lượng điện mặt trời ở TP.HCM sẽ tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên