Thầy Nguyễn Tường Vũ hướng dẫn học sinh thực hiện thí nghiệm trên máy hút chân không do thầy sáng tạo ra - Ảnh: NHẬT LINH
Những thiết bị này đơn giản, rẻ tiền nhưng lại đạt hiệu quả cao trong việc dạy học.
Từ chiếc bơm xe đến máy hút chân không
"Bắt đầu tiết học hôm nay, thầy cho các em xem một thí nghiệm rất thú vị" - thầy Vũ vừa nói vừa đặt lên bàn học một bộ dụng cụ, gồm bơm xe đạp và chiếc hũ nhựa cứng. Sau đó, thầy Vũ đặt vào bên trong chiếc hũ nhựa một quả bóng, rồi cắm vòi của bơm xe vào chiếc van được lắp trên hũ.
Khi một học sinh dùng bơm xe bơm vào hũ nhựa, quả bóng đặt trong bình nhựa cũng phình to ra trước sự ngỡ ngàng của tất cả học sinh quan sát.
"Đấy là do sự co giãn của không khí có trong quả bóng, khi ta đặt chúng trong môi trường chân không. Tiết học hôm nay thầy sẽ giải thích cho các em về môi trường chân không" - thầy Vũ nói.
Những vật dụng vừa kể trên chính là "máy" thí nghiệm chân không, do thầy Vũ sáng tạo nên. Chiếc "máy" này có giá thành chưa đến 300.000 đồng, rẻ hơn... 20 lần so với chiếc máy hút chân không được dùng trong thí nghiệm vật lý (có giá khoảng 6 triệu đồng/chiếc).
Chia sẻ cùng chúng tôi, thầy Vũ nói rất trăn trở với việc dạy và học vật lý tại các trường THPT ở nước ta hiện nay. Vật lý là môn học thực nghiệm, kiến thức đều được rút ra sau khi tiến hành các thí nghiệm. Tuy nhiên, đa số học sinh VN vẫn còn phải học vật lý mà không có thí nghiệm trên lớp.
"Chính vì thế, tôi đã cố gắng tìm tòi trên mạng, làm ra các dụng cụ thí nghiệm đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả. Tôi có thể đưa các dụng cụ này vào thí nghiệm trực tiếp trong các tiết học mà mình giảng dạy" - thầy Vũ nói.
Ngoài "máy" hút chân không, thầy Vũ còn làm ra nhiều thiết bị thí nghiệm khác như ống đo vận tốc âm thanh từ nhựa PVC, máy tạo mây nhân tạo từ ống nhựa, chai phế liệu và bơm xe đạp...
"Những thiết bị thí nghiệm của thầy Vũ cần được nhân rộng trong việc dạy và học tại các trường phổ thông hiện nay" - TS Bùi Thắng, phó hội trưởng Hội liên hiệp Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét.
Trăn trở về một trung tâm thí nghiệm vật lý
Em Trần Hà Duy Khang (học sinh lớp 9, Trường quốc tế Phượng Hoàng) cho biết chưa bao giờ em thấy chán khi học môn vật lý do thầy Vũ giảng dạy. "Chúng em chỉ học lý thuyết trong nửa tiết học, thời gian còn lại thầy cho thực hành, nên rất thích" - Khang nói.
"Với tôi, nếu học sinh chỉ học "vẹt" lý thuyết cho qua chuyện, mà không nắm rõ vấn đề của bài học thì rất nguy hiểm. Ví như sau này khi các em sửa chữa một vi mạch điện, mà không rõ điện trở hay dây điện loại nào là phù hợp thì sẽ dễ gây chập điện, cháy nổ" - thầy Vũ chia sẻ.
Theo thầy Vũ, thực tế hiện nay, nhiều sinh viên ra trường dù rất giỏi về lý thuyết nhưng không được trọng dụng vì thiếu kiến thức thực tế.
"Nguyên nhân một phần là do khi học phổ thông, các em ít được thí nghiệm những kiến thức đã học. Chính vì vậy, tôi đang ấp ủ việc mở một trung tâm thí nghiệm vật lý tại Huế" - thầy Vũ hào hứng nói.
Nói là làm, thầy Vũ cùng ban giám hiệu Trường quốc tế Phượng Hoàng đã ra Hà Nội, gặp đại diện Trung tâm thí nghiệm vật lý Edison mong được hợp tác. Trung tâm Edison đã đồng ý mở chi nhánh tại Huế, và dự kiến vào cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động.
Đưa thí nghiệm lên mạng xã hội
Ngoài áp dụng vào giảng dạy, thầy Nguyễn Tường Vũ còn dùng các dụng cụ của mình thực hiện một số thí nghiệm vật lý, quay thành clip đưa lên Facebook và YouTube nhằm phổ biến kiến thức thực nghiệm trong môn vật lý. "Cộng đồng mạng, đặc biệt là các em học sinh, rất quan tâm các video này" - thầy Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận