Theo nghị quyết, sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chậm nhất đến quý 2-2024, hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước.
Xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Chậm nhất hết năm 2025, chỉ đạo các địa phương hoàn thành bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.
Đối với lĩnh vực giáo dục, nghị quyết có nội dung nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo. Nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương. Sớm sửa đổi, bổ sung quy định về dạy thêm, học thêm.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...
Trước khi Quốc hội biểu quyết, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo nghị quyết như: việc đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí; về thời hạn giải quyết dứt điểm việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra còn có các nội dung như xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; dành từ 2% ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Năm 2024 giải quyết dứt điểm vướng mắc y tế, thiếu thuốc
Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, trong năm 2024 có phương án giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam vào hoạt động. Có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.
Bảo đảm đủ vắc xin và duy trì tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tập trung đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.
Với lĩnh vực tài chính, khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Khẩn trương đánh giá và có phương án giải quyết trường hợp doanh nghiệp quá hạn, mất khả năng thanh toán trái phiếu đã phát hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận