• Bộ KH-ĐT thúc đẩy các địa phương dành vốn trả nợ xây dựng cơ bản
Phóng to |
Theo Bộ KH-ĐT, các tỉnh cần dành vốn để trả nợ đọng xây dựng cơ bản, hạn chế khởi công mới dự án - Ảnh: V.N.A. |
Theo Bộ KH-ĐT, trong 2 năm tới tập trung đầu tư nhằm hướng tới thực hiện bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Cần tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các ngành, các địa phương.
Đáng lưu ý, với dự án khởi công mới, Bộ KH-ĐT vẫn siết khá chặt với yêu cầu các dự án khởi công mới phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách và có đầy đủ các điều kiện sau:
+ Dự án nằm trong quy hoạch đã được duyệt, thuộc nhiệm vụ ngân sách nhà nước.
+ Xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
+ Dự án phải hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định trước ngày 31-10-2012…
Thực tế các chuyên gia cho biết hiện các cơ quan nhà nước đang nợ đọng xây dựng cơ bản gần 100.000 tỉ đồng, thông báo của Bộ KH-ĐT cũng nêu hướng các tỉnh cần dành vốn để trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng cần “bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước đúng thời hạn quy định”. Số vốn còn lại bố trí cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ đã phê duyệt…
Trên thực tế có những dự án không thể bố trí đủ vốn, Bộ KH-ĐT cũng nêu luôn định hướng xử lý: đối với các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, nhưng không bố trí được vốn kế hoạch đầu tư giai đoạn 2014-2015, với các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác, các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích và lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác như đầu tư xây dựng chuyển giao (BOT) hoặc theo hình thức đối tác công tư (PPP)...
Đối với các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác, các bộ, ngành và địa phương cần điều chỉnh, cắt giảm các hạng mục đầu tư, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn; chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc bố trí vốn để thanh toán khối lượng đã thực hiện và thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để phát huy hiệu quả phần vốn đã đầu tư…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận