Giáo viên tự thiết kế chủ đề dạy học tại một buổi tập huấn cho giáo viên THCS ở Lâm Đồng - Ảnh: VĨNH HÀ
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức đợt tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục cho gần 600 tổ trưởng chuyên môn cốt cán của các trường THPT thuộc 16 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Cùng với hai đợt tổ chức tại Hải Phòng, Nghệ An, tới thời điểm hiện tại các tổ trưởng chuyên môn bậc THPT tại 63 tỉnh, TP đã dự tập huấn để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên có thể đề xuất
Khác với trước đây, những đợt tập huấn trên đã tiếp tục đặt ra vấn đề rà soát, tinh giản nội dung chương trình hiện hành. Không phải cách tinh giản tạm thời triển khai như đã làm để đối phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian vừa qua, mục tiêu Bộ GD-ĐT hướng đến là việc tinh giản triển khai song song với đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Chia sẻ trong đợt triển khai này, TS Sái Công Hồng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh việc "đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá phải đồng bộ với hoạt động tinh giản nội dung dạy học. Vì có như vậy mới giúp giáo viên có thêm thời gian thực hiện các đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá".
Cách rà soát, tinh giản được Bộ GD-ĐT thống nhất là giảm các nội dung dạy học vượt quá yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, điều chỉnh, tinh giản những nội dung trùng lặp giữa các môn học, hoạt động giáo dục, bổ sung, cập nhật thông tin mới, thay thế thông tin cũ, lạc hậu trong chương trình.
"Trong quá trình rà soát, tinh giản, tùy theo nội dung, giáo viên có thể thực hiện việc tích hợp hoặc ghép các nội dung kiến thức thành bài học hoặc chủ đề dạy học, thay bằng dạy các bài đơn lẻ như trước" - TS Sái Công Hồng cho biết.
Các nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học của từng môn học. Căn cứ vào đó, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy cho cá nhân, chủ động áp dụng linh hoạt, sáng tạo các bài hoặc chủ đề dạy học theo phương pháp dạy học phù hợp, bám sát yêu cầu cần đạt và điều kiện thực hiện (thời gian, cơ sở vật chất, khả năng tiếp thu của từng đối tượng học sinh).
Nói thêm về cách triển khai rà soát, tinh giản, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - khẳng định giáo viên có thể trực tiếp rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học, đề xuất xây dựng các chủ đề, nhóm chủ đề theo nội dung đã tinh giản.
Sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm tổng hợp các đề xuất của giáo viên, gửi về Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục nghiên cứu các đề xuất để tư vấn cho Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học, thống nhất trên toàn quốc.
Cần thống nhất, đồng bộ
Theo một số giáo viên có mặt trong đợt tập huấn tại Hải Phòng vừa qua, các hướng dẫn về tinh giản chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học cá nhân họ đều đã ít nhiều triển khai. Nhưng nếu nội dung tinh giản được thống nhất từ Bộ GD-ĐT thì họ đỡ cảm giác "như đi trên dây".
Cô Phạm Thị Kim Sanh, giáo viên Trường THPT Trương Vĩnh Ký (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), chia sẻ nội dung chương trình - SGK hiện hành nặng tính hàn lâm, thiếu ứng dụng thực tiễn. Nội dung một số môn học giữa các lớp học trong cùng cấp có sự trùng lặp, khiến học sinh không có hứng thú học tập.
"Cách tổ chức dạy học qua trải nghiệm, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh khiến học sinh rất hứng thú. Nhưng với chương trình hiện hành, chúng tôi chỉ có thể thu xếp tổ chức cho học sinh vài buổi trong một học kỳ vì thời lượng kiến thức bắt buộc phải dạy nhiều, thời gian không được nới thêm. Nếu Bộ GD-ĐT cho phép tinh giản chương trình, áp dụng thống nhất trên cả nước, chúng tôi sẽ có điều kiện để đa dạng hóa cách tổ chức dạy học" - cô Kim Sanh cho biết.
Cô Nguyễn Thị Anh Lương - Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ - bày tỏ quan điểm tinh giản giúp thầy cô có thêm thời gian đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nhận xét kỹ lưỡng học sinh.
"Bài phải dạy 4 tiết mới đủ hết nội dung chương trình - SGK, giờ tinh giản còn 3 tiết, sẽ dôi ra 1 tiết để giáo viên áp dụng các phương pháp mới trong dạy học, có thời gian để sửa chữa bài, nhận xét kỹ hơn để học sinh hiểu, đây là điểm hay của việc tinh giản" - cô Anh Lương nhận xét.
Tuy vậy, như ý kiến của nhiều giáo viên các địa phương khác, cô Anh Lương cũng cho rằng để hiệu quả, tinh thần đổi mới phải triển khai quán triệt tới các sở GD-ĐT. Vì giáo viên các trường hiện tại vẫn bị vướng do những quy định cứng về đầu điểm kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên.
Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá HS
Theo TS Sái Công Hồng, tới đây Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học.
"Việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng nhận xét không thực hiện chung chung, mà đánh giá sự tiến bộ của người học về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh" - ông Hồng nói.
Những hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng sẽ được khuyến khích như hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá qua sản phẩm học tập, hoạt động trải nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học…
Thụ động, lúng túng
Năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, áp dụng đối với bậc giáo dục trung học.
Bên cạnh những nhà trường đã cải thiện rõ rệt hoạt động chuyên môn theo cách này, nhiều trường còn thụ động, lúng túng, trông chờ sự "cầm tay chỉ việc". Tâm lý phổ biến của giáo viên và các nhà quản lý là lo sợ "bỏ sót nội dung học sinh sẽ phải thi" nên ôm đồm kiến thức, "nói không với tinh giản nội dung dạy học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận