Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá: bên cạnh ưu điểm là đã bắt đầu đưa vào áp dụng các chuẩn quốc tế và quốc gia, thì cơ cấu hệ thống giáo dục do Bộ GD-ĐT xây dựng chưa phù hợp với thực tế, không khả thi, còn thiếu những luận cứ, cơ sở khoa học...
Các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự kiến phân luồng của Bộ GD-ĐT đối với THPT và đào tạo ĐH. Như việc phân thành ba luồng ở THPT dự báo sẽ khó thực hiện, tương tự như việc phân ban trước đây, tên gọi các nhánh theo định hướng đào tạo khác nhau trong giáo dục ĐH...
Một nội dung khác được nhiều đại biểu đề cập là những vướng mắc giữa Luật giáo dục nghề nghiệp và thực tế, bất cập giữa Luật giáo dục nghề nghiệp và Luật giáo dục ĐH. Trong đó, các ý kiến đều không đồng tình với việc nhập CĐ với CĐ nghề là một, và đưa vào giáo dục nghề nghiệp, vì cho rằng CĐ phải là bậc đào tạo thuộc giáo dục ĐH.
Các đại biểu cũng kiến nghị: khi xây dựng hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục thì cần điều chỉnh vấn đề nói trên, xác định lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
GS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: để có thể xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện ở VN, trước hết Bộ GD-ĐT phải phân tích được những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện nay và chỉ ra được các nguyên nhân của những yếu kém đó, nhất là về công tác quản lý, cơ chế vận hành của hệ thống giáo dục.
Đồng thời phải xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia trên nguyên tắc là một hệ thống giáo dục mở, gỡ bỏ được những rào cản đối với người học, để tạo cơ hội cho người học có thể dễ dàng tiếp cận với hệ thống giáo dục.
Các đại biểu cũng thống nhất ý kiến: cần xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục gắn liền với khung trình độ quốc gia.
Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết bộ đang trình Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia và sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận