12/04/2014 14:16 GMT+7

Tiếp tục "chung sống hòa bình" với khối "thai đá"

V.T.
V.T.

TTO - Liên quan ca “thai đá” (lithopedion) của cụ bà Nguyễn Thị S. (76 tuổi, trú Cam Ranh, Khánh Hòa), bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên PGĐ phụ trách khối ngoại khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết sẽ không có cuộc hội chẩn lần 2 tại Cam Ranh như dự kiến.

k1UznxYy.jpgPhóng to
Thăm khám cụ S. trước hội chẩn

Các bác sĩ đã trao đổi qua điện thoại, email và đi đến quyết định trước mắt sẽ để cụ S. tiếp tục “chung sống hòa bình” với khối “thai đá”.

Trước đó, tại hội chẩn ngày 31-3, với sự tham gia của nhiều bác sĩ ngoại tổng hợp, ngoại niệu, sản, chấn thương, gây mê hồi sức… đến từ Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Cam Ranh và Sở Y tế Khánh Hòa, do bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - giám đốc Bệnh viện Cam Ranh - chủ trì, đã kết luận Bệnh viện Cam Ranh sẽ tiếp tục điều trị giảm đau lưng, chứng bàng quang thần kinh, thăm dò lòng tử cung bằng que thăm dò qua âm đạo, cho chụp MSCT tại Bệnh viện Khánh Hòa để phân biệt u trong tử cung hay trong ổ bụng và xem có dính vào các mạch máu vùng chậu không.

Dự kiến sau đó sẽ tổ chức hội chẩn lần 2, mời thêm các bác sĩ chuyên khoa cột sống và chẩn đoán hình ảnh. Trên cơ sở đó sẽ quyết định mổ bóc tách khối “thai đá” hay không.

97QxOjLc.jpg
Ảnh X-quang khối thai đá ca cụ S.

Bác sĩ Hiền cho biết thêm tại hội chẩn ngày 31-3, nhiều bác sĩ có kinh nghiệm đã khuyến cáo không nên mạo hiểm mổ, vì khối “thai đá” đã “tồn tại hòa bình” suốt nhiều thập niên. Hơn nữa, cụ S. tuổi đã cao, lại bị tăng huyết áp. Nếu mổ có khả năng dính nhiều, có thể xảy ra nhiều tai biến như thủng ruột, tổn thương bàng quang, niệu quản, mạch máu...

Sau mổ, bệnh nhân sẽ vẫn đau lưng, do tuổi cao bị xẹp đốt sống, gai cột sống, cột sống biến dạng, chứ không phải do “thai đá”. Nhưng cũng có bác sĩ cho rằng nên mổ, phòng ngừa khối “thai đá” gây biến chứng nguy hiểm về sau.

Nhiều bác sĩ cho biết “thai đá” (thai chết lưu, vôi hóa) là hiện tượng rất hiếm gặp. Suốt mấy trăm năm qua y văn thế giới chỉ ghi nhận khoảng 300 trường hợp. Ở Việt Nam, đây là ca đầu tiên được giới y khoa biết đến.

V.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên