Nhận vốn 20 triệu
Chưa đầy 3 tháng, cậu thanh niên Ma Đình Đạt, ở thôn Bản Pèo, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã có một mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung Nông Văn Phóng đánh giá, mô hình của Đạt là mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất của hội viên trẻ trong xã.
Hiện Ma Đình Đạt đang có hơn 700 con gà thả vườn. Anh chọn giống gà lông phượng, chăn nuôi theo đúng hướng dẫn kỹ thuật đã được Công ty Cổ phần GREENFEED tập huấn trong lễ nhận vốn.
Đàn gà của Đạt nuôi ở một khu đất tách biệt với khu dân cư, chung quanh là vườn rừng, phía sau là núi, dưới chân là sông.
Đạt chăn bằng thức ăn công nghiệp trong thời gian đầu để gà đủ dinh dưỡng, đủ sức đề kháng rồi cho tập ăn thức ăn thô. Hơn 40 ngày tuổi, anh bỏ cám tổng hợp, chuyển sang chăn gà bằng thóc, ngô và cỏ ở trong vườn. Anh còn học cách dùng rượu tỏi để làm kháng sinh tự nhiên cho đàn gà khỏe mạnh.
Toàn bộ quy trình được Đạt quay video, đăng lên mạng xã hội để khách hàng gần xa biết đến.
Đàn gà chạy nhảy suốt ngày kiếm ăn ngoài vườn, cứ thấy tiếng chủ gọi là chen nhau chạy về "chén" thóc. Con nào con nấy ức dày, lông bóng mượt, nặng chừng cân rưỡi mỗi con. Đạt khoe vì nuôi gà thả vườn theo cách bán tự nhiên nên chỉ cần đăng tin bán gà trên mạng xã hội là khách "nhảy" vào ầm ầm, trả lời không hết.
Đàn gà ban đầu có 1.000 con, Đạt đã bán "tỉa" 300 con, còn hơn 700 con anh để dành bán dịp Tết. Đạt nhẩm tính mỗi con trung bình đến lúc xuất chuồng nặng khoảng 2,2 cân, tổng đàn nặng 1,5 tấn, nhân với giá hiện tại 80.000 đồng/kg tại chuồng, anh cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng.
Đạt tiết lộ nhận 20 triệu đồng tiền vốn vay của chương trình "Tiếp sức nhà nông", anh mua 1.000 gà giống hết 10 triệu đồng, còn lại 10 triệu mua thức ăn, vắc xin, thuốc thú y…
Theo chàng thanh niên này, cái được lớn nhất trong chương trình là được tập huấn kỹ thuật.
"MÌnh thấy mình hiểu biết được nhiều hơn. Biết cách vào vắc xin thế nào rồi cách chăm sóc gà trong từng giai đoạn ra làm sao, hạch toán thế nào cho hiệu quả... Nói chung cũng nắm bắt được khá nhiều. Nếu không chắc không dám khởi nghiệp mà có chưa chắc đã hiệu quả như thế này", Đạt cười.
Đạt dự tính bán hết lứa gà này, anh dành một ít tiền làm vệ sinh phòng dịch và sẽ "vào" 2.000 con gà.
Cơ hội thoát nghèo của người nông dân mù
Nhà ông Thào Seo Chảo (ở thôn Vàng Dọc, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) nằm giữa bản. Ông Chảo bị bị mù cả hai mắt nhưng cái nghèo, cái khổ khiến ông vẫn phải làm việc như một người bình thường.
Kinh tế gia đình chỉ dựa vào vài mảnh ruộng và cái nương sắn. Ngày chưa có vợ, ông Chảo có con ngựa làm bạn dẫn đường. Đi làm ruộng, hay làm nương ông nhờ người dân trong bản dắt ngựa đi trước, ông nắm đuôi con ngựa theo sau.
Đến ruộng ông Chảo mù (theo cách người dân bản vẫn gọi) mò mẫm cấy lúa, vơ cỏ, bón phân… mọi việc nhờ vào cảm giác của đôi bàn tay. Chiều muộn, con ngựa lại dẫn ông bước thấp bước cao về nhà.
Vậy nhưng ở Vàng Dọc không ai nuôi lợn "mát tay" như ông Chảo mù.
Người Mông chỉ quen nuôi lợn thả rông như… nuôi gà. Đi làm nương kiếm được thứ gì thì mang về cho lợn ăn, còn lại cứ để nó dũi đất tự tìm rễ cây, con giun mà ăn. Người ta chỉ nhốt lợn khi quanh nhà mới trồng cây. Có nhà không làm chuồng, lấy cái dải váy cũ thòng vào cổ lợn buộc vào gốc mận.
Ông Chảo nuôi lợn trong chuồng như người dưới xuôi. Chuồng có tường xây, thoáng vào mùa hè, ấm vào mùa đông, có nền xi măng, lúc nào cũng sạch bóng. Con lợn của ông Chảo nuôi béo múp, trắng nần nẫn.
Chuồng trại ông nghe cán bộ thú y hướng dẫn, còn thức ăn cho lợn ông biết cách ủ chuối rừng, bột ngô với bỗng rượu. Lợn chỉ dăm tháng đã được bán, chưa đủ lớn đã có người đến đặt vì lợn chăn bỗng rượu có thịt nạc và thơm.
Thế nhưng người đàn ông mù lại chẳng đủ vốn để nuôi nhiều con lợn. Mỗi lứa chỉ nuôi hai con, một năm bán được 4 con lợn, chẳng đáng là bao.
Hôm nhận đồng vốn của chương trình "Tiếp sức nhà nông" về, ông Chảo nhờ vợ chở xe máy ra chợ, chọn năm con lợn giống.
"Cán bộ hướng dẫn mình rồi - ông Chải nói - muốn hết nghèo thì phải chăn nuôi nhiều lên. Mình không dám chăn nhiều con lợn vì không có tiền mua giống. Mình cũng sợ nó bị bệnh, nó chết. Cán bộ bảo cho mình cách phòng bệnh cho con lợn như bác sĩ bảo mình phòng cái ốm ấy. Mình không sợ nữa".
Lúc nhận vốn trong chuồng nhà ông Chảo đang có hai con lợn "giò giò", ông nuôi thêm năm con. Cùng một công nắm đuôi ngựa lên rừng chặt chuối, cùng một cái chảo đun cám, ông lại chăn được 7 con lợn, gần gấp đôi năm trước.
Hiện tại, đàn lợn năm con mỗi con đã được gần 80 cân, hai con ông Chảo nuôi trước được hơn một tạ mỗi con. Nếu xuất bán với giá lợn hơi hiện tại ở Bình Trung 65.000 đồng/kg thì ông Chảo đút túi gần 40 triệu đồng ngon ơ!
"Mấy con này có người đặt rồi, gần tết là mình bán thôi! Mình phải xem người ta mua giá cả thế nào đã, nhưng mà mình sẽ nuôi thêm 10 con. Nếu 10 con này bán được, mình sẽ xây thêm chuồng, nuôi nhiều như người dưới xuôi thôi!", Thào Seo Chảo cười.
Anh Nông Văn Phóng - chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung - cho hay chưa dự án nào được Hội đánh giá mang lại hiệu quả nhanh như chương trình "Tiếp sức nhà nông". Mỗi hộ chỉ nhận 20 triệu đồng tiền vốn vay với phiếu thức ăn 3 triệu đồng nhưng sử dụng đồng vốn rất hiệu quả.
Hội Nông dân tỉnh vừa đi khảo sát kết quả sau ba tháng giải ngân của chương trình "Tiếp sức nhà nông", điều bất ngờ là cả 40 hộ nhận vốn đã có mô hình mang lại thu nhập khá. Điển hình là các hộ chăn nuôi gà với quy mô vài trăm con, nhiều hộ khác nuôi gà, nuôi dê.
"Bà con đều rất phấn khởi! Nhận điền vốn là bắt tat vào chăn nuôi luôn! Qua kiểm tra, 40/40 hộ chăn nuôi theo mô hình đã đăng ký, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát để cùng công ty GREENFEED hỗ trợ bà con, làm sao con đồng vốn của bà con phát huy được hiệu quả nhất", ông Phóng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận