20/11/2024 14:43 GMT+7

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào?

Chiều 20-11 tại khách sạn Majestic (Q.1, TP.HCM), gần 300 doanh nghiệp, người bán hàng, sàn thương mại điện tử, người làm chính sách đã có mặt tham gia Hội thảo 'Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử'.

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" - Ảnh: HỮU HẠNH

Hội thảo: "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn KIDO, Công ty Shopee Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh việc đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.

Các sàn thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, để thành công trên các sàn thương mại điện tử, hàng Việt phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Đặc biệt gần đây, sự đổ bộ của thương mại điện tử xuyên biên giới như Taobao, Temu đã bộc lộ rõ hơn sức năng lực sản xuất, bán hàng của doanh nghiệp trong nước.

Mua hàng trên sàn thương mại điện tử nước ngoài quá nhanh, quá rẻ, vì sao?

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc Hội thảo: "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" - Ảnh: HỮU HẠNH

Mở đầu hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" chiều 20-11, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết cách dây vài tháng, báo Tuổi Trẻ đã đề cập câu chuyện thương mại điện tử xuyên biên giới sôi động, sau đó tuyến bài nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản hồi.

Trong số đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về sự bất thường của đơn hàng mua từ các nước chỉ cần 1-2 ngày đã được giao về TP.HCM.

"Phương thức vận chuyển với tốc độ quá nhanh và quá rẻ vậy là vì sao?". Để trả lời câu hỏi này, hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ đã sang tận Trung Quốc tìm hiểu phương thức giao nhận và cung đường đi của món hàng. Và hành trình 10.000 km để có mặt ở thủ phủ của Trung Quốc đã giúp làm rõ hơn đường hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trung Quốc đã hình thành cụm "Thành phố 15 phút" nhằm giải thích tốc độ giao hàng của một đơn hàng kể từ khi người mua hàng click chuột chốt đơn. Vậy làm thế nào trong thời gian ngắn, một món hàng đã được giao đến người tiêu dùng. Vì sao một món hàng cùng trải qua cung đường dài nhưng chi phí lại rẻ hơn ngay tại Việt Nam?

Nếu tình hình thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục phát triển thì sản phẩm nội địa sẽ cạnh tranh như thế nào? Làm sao hệ thống logistics trong nước phát triển? Cần có chính sách thuế, nhân lực như thế nào để cải thiện, tăng sức cạnh tranh?

"Tuyến bài nhiều kỳ vẫn chưa thỏa mãn được câu hỏi đặt ra, đây là lý do để báo Tuổi Trẻ cùng Vecom tổ chức hội thảo ngày hôm nay", ông Xuân Toàn nhấn mạnh.

Với sự tham gia đa dạng thành phần từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo, thuế, doanh nghiệp sản xuất, người bán hàng… ông Trần Xuân Toàn cũng nhấn mạnh, hội thảo tập trung vào 4 vấn đề: Nhận diện thực trạng phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam; Nhận diện hàng Việt Nam đang hiện diện trên sàn thương mại điện tử như thế nào? Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như giao nhận kho bãi, thương mại điện tử; Sản xuất và nội lực của doanh nghiệp trong nước…

Kênh livestream mới tạo đã thu hút hàng chục nghìn người xem

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) trình bày xu hướng mua sắm qua kênh thương mại điện tử, cũng như những khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp Việt - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), dẫn thống kê của Google cho thấy thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm vừa qua. Thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng cũng khoảng 18% trong quý vừa qua. 

Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng khoảng hơn 30 đến 40%. Người tiêu dùng tập trung mua chủ yếu trên những nền tảng lớn, trong đó Shopee và TikTok Shop đã chiếm khoảng gần 90% thị phần.

Về việc hỗ trợ tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT, ông Đức cho biết Vecom đã triển khai nhiều hoạt động, như: đào tạo tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp phối hợp với các sở công thương các tỉnh để phát triển TMĐT; tổ chức các chợ phiên TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp, biến mỗi doanh nghiệp thành một gương điển hình ở trong tỉnh, từ đó truyền cảm hứng và nhân rộng mô hình đến các doanh nghiệp tại địa phương…

Về xu hướng TMĐT, theo ông Đức, các doanh nghiệp phải liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số TMĐT hiệu quả hơn. Những điểm chính quan trọng các doanh nghiệp cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), livestream và quảng cáo.

Ông Đức đưa ra ví dụ hiện nay "nhiều doanh nghiệp chỉ cần được tập huấn ở chừng hai ngày đến ba ngày là đã có thể tự tổ chức livestream chọn quảng cáo". Nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày và tiến hành livestream hàng đêm đã thu hút đến 30.000 - 40.000 người xem, tức có thể đạt đến gần cả chục triệu lượt xem mỗi tháng… Từ đó dễ dàng tăng trưởng doanh thu.

Đặc biệt, ông Đức cho rằng TMĐT chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. "Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15 - 20% mỗi năm".

Các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein gây áp lực lớn cho doanh nghiệp nội

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề xuất một số giải pháp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử theo định hướng bền vững - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho hay trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.148,4 nghìn tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng thực tế đạt 5,3%.

Việt Nam sở hữu mạng lưới rộng lớn với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 75% thị phần và phục vụ 85% nhu cầu tiêu dùng. Kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi chiếm 20% doanh số, với mức tăng trưởng ổn định 10% mỗi năm. 

Kênh bán hàng online, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, đang bùng nổ với mức tăng trưởng 35-45%, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang kênh hiện đại và thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu.

Tuy nhiên, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.

Tiktok Shop và Shopee lần lượt tăng trưởng 110.6 - 11.3% về doanh số so với cùng kỳ năm 2023. Tiki mặc dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, nhưng so với quý trước liền kề, tăng trưởng 38% về doanh số.

Số lượng Shop Mall và doanh số Shop Mall đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đặc biệt doanh số tăng trưởng 53.11%. Tiktok Shop mặc dù mức tăng trưởng số lượng shop mall thấp hơn Shopee nhưng tăng trưởng gấp 3 lần về doanh số so với Shopee. Thị trường dịch vụ giao nhận nhanh, chuyển phát và bưu kiện (CEP) lớn nhất ước tính đạt 1,62 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,53 tỉ USD vào năm 2030...

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 5.
Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 6.
Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 7.

Các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống TMĐT, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ. Do vậy, chúng ta cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Thảo cũng đề xuất giải pháp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn TMĐT theo định hướng bền vững, đó là phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh; sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường, giúp tăng hình ảnh của hàng Việt; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn. 

Song song đó, tăng cường hợp tác với chính phủ và ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi và giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững đối với hoạt động logistics cho TMĐT.

Quảng cáo lừa ảnh hưởng các kênh thương mại điện tử

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 8.

Ông Trương Gia Bảo, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nêu thực trạng và các giải pháp trong hoạt động truyền thông, quảng cáo của các thương hiệu Việt trên sàn TMĐT cùng các kiến nghị cần tháo gỡ - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Trương Gia Bảo, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, đã nêu thực trạng và các giải pháp trong hoạt động truyền thông, quảng cáo của các thương hiệu Việt trên sàn TMĐT cùng các kiến nghị cần tháo gỡ.

"Traffic không đến từ các trang nội dung mà bây giờ là sân chơi của các mạng xã hội, short video... Hiệp hội Quảng cáo nhận thấy mình có cũng trách nhiệm trong hỗ trợ hàng Việt chuyển đổi", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, với quảng cáo, khách hàng ở đâu, quảng cáo ở đó. Người dùng đang dành nhiều giờ hơn trên online, vì thế ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này. Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029, có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số.

Ngân sách quảng cáo chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngoại, họ tung tiền lớn quảng cáo, cách tiếp cận chủ động và bủa vây thị trường online Việt Nam. Hiệp hội quảng cáo và Bộ Thông tin và truyền thông cũng cũng khá đau đầu với các hiện tượng chuyển doanh thu ra biên giới.

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 9.

Các đại biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong bối cảnh đó, thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử là gì?

Không chỉ thương mại điện tử mà quảng cáo trực tuyến bây giờ cũng khác. Với khối lượng sản xuất khổng lồ các nội dung quảng cáo hiện nay, lĩnh vực quảng cáo đang chuyển từ hình thức hậu kiểm.

Theo ông Bảo, điều này cũng có phần dẫn đến tình trạng quảng cáo sai sự thật; quảng cáo gian lận như các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc các sản phẩm không có giấy chứng nhận chất lượng.

"Đặc biệt là quảng cáo lừa đảo. Các hình thức quảng cáo lợi dụng tâm lý người tiêu dùng để lừa đảo, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi giả, trò chơi may mắn, bán hàng "giá hời" thực chất là lừa đảo. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh và niềm tin của người dùng với kênh thương mại điện tử", ông Trương Gia Bảo ý kiến.

Từ "Nhà máy livestream" Trung Quốc đến cơ hội cho hàng Việt

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 10.

Ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, kiêm CEO kênh TMĐT E2E - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc tập đoàn Kido kiêm giám đốc điều hành thương mại điện tử E2E, cho biết thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng tất yếu trong phân phối sản phẩm, và tập đoàn Kido đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. 

Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm riêng, Kido xác định xây dựng một kênh phân phối hiệu quả, mở rộng đầu ra không chỉ cho các sản phẩm của tập đoàn mà còn cho nhiều thương hiệu khác.

"Chúng tôi tham gia vào thương mại điện tử không phải để cung cấp dịch vụ hay chỉ tập trung bán sản phẩm riêng. Chúng tôi định hướng xây dựng một kênh phân phối toàn diện, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm khác nhau, từ thương hiệu của Kido đến các đối tác", ông Bảo chia sẻ trong phần thảo luận.

Định hướng này của Kido không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống phân phối bán hàng của sản phẩm.

Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược phát triển thương mại điện tử của Kido là tận dụng sức mạnh của KOL (Key Opinion Leaders) và KOC (Key Opinion Consumers). Theo ông Bảo, đây là những lực lượng lao động mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời đại số. 

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 11.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

"Mạng xã hội và thương mại điện tử đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng, mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu và cần được công nhận", ông Bảo khẳng định.

Ông cũng chỉ ra rằng tại các quốc gia phát triển như Trung Quốc, khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện. Các doanh nghiệp thậm chí thiết lập các "nhà máy livestream" với hàng ngàn phòng và vận hành theo ca, giống như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc lực lượng này đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể.

Thực tế, livestream không chỉ là phương tiện tiếp thị mà đã trở thành một công cụ phân phối hiệu quả. Kido đang tận dụng xu hướng này để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt và nội dung tương tác trực tiếp. 

"Việc công nhận livestream như một lực lượng lao động chính thức không chỉ khích lệ cá nhân tham gia mà còn tạo động lực để ngành công nghiệp thương mại điện tử phát triển hơn nữa", ông Bảo cho biết.

Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế kiểm soát chất lượng, ngôn ngữ

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 12.

KOL Diệp Lê chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Diệp Lê (32 tuổi), một KOL nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế hiện nay với những phiên livestream đem lại doanh thu triệu đô, chia sẻ trước đây cô kinh doanh cửa hàng thời trang nhưng sau dịch phải đóng cửa và chuyển sang làm KOL truyền cảm hứng trên mạng xã hội. Hiện Diệp Lê đang cùng chồng điều hành một công ty đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện trên sàn TMĐT.

Diệp Lê chia sẻ: "Tôi có đi Trung Quốc và Hàn Quốc để xem một số doanh nghiệp ở đây thực hiện livestream như thế nào để có thể bán những đơn hàng khủng, cũng như tìm hiểu các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nước sở tại bán hàng xuyên biên giới. Tôi thấy rằng không có một công thức chung nào cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc hay Hàn Quốc khi bán hàng ra thế giới. Và tôi tin Việt Nam mình cũng như thế".

Sau khi đồng hành cùng nhiều sàn TMĐT để thực hiện các phiên livestream lớn, KOL nổi tiếng này cho rằng: "Vấn đề cần giải quyết khó nhất hiện nay với các đơn hàng quốc tế là cách kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, thế mạnh của hàng Việt Nam là có thể kiểm soát chất lượng đơn hàng".

Bên cạnh đó, theo Diệp Lê, doanh nghiệp Việt không bị rào cản ngôn ngữ nên đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hoạt động thuận lợi hơn qua những chiến dịch hậu mãi của mình. Doanh nghiệp Việt cũng sẽ hiểu người tiêu dùng Việt hơn để có thể hoàn thành đơn hàng có trải nghiệm đầy đủ từ livestream lúc bán hàng cho đến khi người tiêu dùng cầm được món hàng trên tay. "Đó là lợi thế mà tôi thấy hiện tại doanh nghiệp trong nước mình có thể làm được trong giai đoạn này", Diệp Lê chia sẻ.

Doanh nghiệp phải tự chuyển mình để bắt kịp xu hướng

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More, cho rằng các doanh nghiệp phải tự tìm công thức riêng để tiếp cận thành công bán hàng trên thương mại điện tử - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc công ty Meet More - một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu Việt và những bài học rút ra trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Với các doanh nghiệp, đây là hình thức mới, do đó bản thân ông cũng không ngừng học hỏi từ thị trường trong và ngoài nước. Trong hành trình này, ông từng đi học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với doanh nghiệp của mình. 

Doanh nghiệp cũng tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm và thích nghi với xu hướng thương mại điện tử.

Ông Luận nhấn mạnh việc sử dụng thương hiệu OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế. 

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 14.

Thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng sôi động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tôi cho rằng lấy thương hiệu OCOP làm trọng tâm là một cách tiếp cận đúng đắn. Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn thương mại điện tử", ông nói.

Nhìn sang Trung Quốc, ông Luận nhận thấy quốc gia này đã tạo ra các "nhà máy livestream", nơi hàng nghìn phòng vận hành chuyên nghiệp theo mô hình dây chuyền. Đây là bài học quan trọng cho Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng lực lượng livestream chuyên nghiệp hơn. 

"Người dân và tiểu thương Trung Quốc rất rõ ràng về cách làm thương mại điện tử. Chỉ cần một kênh mới ra mắt, họ đã biết cách tận dụng và phát triển. Còn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự hiểu bản chất", ông Luận phân tích.

"Tôi nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu rõ cách khai thác thương mại điện tử. Đơn cử, tại các buổi livestream, không ít doanh nghiệp chưa biết cách thiết lập giỏ hàng hay thu hút khách hàng hiệu quả. Thực tế, chúng ta cần thay đổi tư duy, học hỏi và xây dựng một nền tảng chuyên nghiệp hơn", ông Luận thẳng thắn.

Dù còn nhiều thách thức, ông Luận tin rằng thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng lớn nếu doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như OCOP và học hỏi từ quốc tế. Ông cũng khuyến nghị cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức và chính phủ để thúc đẩy hàng Việt vươn xa hơn.

Logistics của Việt Nam có thực chậm và kém?

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 15.

Theo ông Nguyễn Thành Trung - giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Logistics (LTS), hàng Trung Quốc khi vào Việt Nam thì cũng phải sử dụng dịch vụ logistics của doanh nghiệp nội địa - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Nguyễn Thành Trung - giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Logistics (LTS), cho biết những bài báo ca ngợi tốc độ nhanh và rẻ của các doanh nghiệp Trung Quốc thực sự cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Logistics Việt Nam có năng lực gì không?

"Các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại có thể đáp ứng tốt các dịch vụ trong nội địa, nhưng vẫn cần những bước đột phá để trở thành một trung tâm logistics khu vực", ông Trung khẳng định.

Ông Trung cho rằng Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm logistics khu vực. Theo đề án hiện tại, dự kiến TP.HCM sẽ xây dựng 8 hub logistics. "Chúng ta có thể học hỏi từ các sàn thương mại điện tử, nơi luôn xây dựng những trung tâm logistics hiện đại để chia tách, phân phối hàng hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất khẩu ra nước ngoài cũng cần tận dụng mô hình này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là làm sao để logistics nhanh hơn, rẻ hơn", ông nhận định.

Ông Trung nhấn mạnh rằng, khi nói đến logistics, yếu tố cốt lõi mà khách hàng quan tâm là tốc độ và chi phí. Hiện nay, dù các doanh nghiệp trong nước đã có năng lực phục vụ tốt thị trường nội địa, nhưng để vươn tầm khu vực và quốc tế, họ cần cải tiến cả về quy trình lẫn công nghệ.

"Chúng ta cần các hệ thống logistics liên kết chặt chẽ hơn. Nếu làm tốt, không chỉ phục vụ TMĐT nội địa, mà còn giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế nhanh chóng và hiệu quả hơn chưa được đề cập thời gian qua", ông nói.

Bên cạnh những khó khăn về chi phí và tốc độ, ông Trung cũng nhận định các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ. Những mô hình logistics hiện đại, lấy cảm hứng từ các tập đoàn TMĐT lớn, là hướng đi khả thi để Việt Nam có thể cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn trong khu vực.

Công nghệ giúp vượt qua rào cản để bán hàng xuyên quốc gia

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 16.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Theo ông Nguyễn Minh Hùng - phó phòng quản lý thường mại Sở Công thương TP.HCM, Việt Nam là đất nước xuất khẩu, việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết; vị trí địa lý lại quan trọng, có đường biển có lợi thế để phát triển rất lớn.

Tại sao chúng ta đặt một đơn hàng chỉ trong 2 ngày từ Trung Quốc đến Việt Nam? Tôi thử đặt đơn hàng xuyên Trung Quốc và theo dõi chỉ mất nửa giờ để đóng gói, mất 2 tiếng để thông quan và ngay hôm sau là bắt đầu giao cho mình.

Nói vậy để thấy logistics là rất quan trọng. Bên cạnh những dự án lớn phải làm thì những kho chuyên biệt phải được đầu tư mạnh hơn để giúp chúng ta chuyên sâu, tùy chỉnh hỗ trợ tốt cho xuất khẩu xuyên biên giới. Trong tổng kim nghạch xuất khẩu của Trung Quốc, những kiện hàng nhỏ xuất khẩu xuyên biên giới chiếm hơn 10%.

Khi các nền tảng TMĐT vào Việt Nam, chúng ta nhìn thấy nhiều thách thức, chúng ta thấy hàng nhiều quá chúng tôi cạnh tranh không lại, đối với người tiêu dùng thì lo bảo mật thông tin...

Nhưng chúng ta nhìn thấy cơ hội. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng hơn 20 tỉ USD, toàn thế giới thì quy mô còn lớn nữa, vấn đề là làm sao tận dụng thị trường này.

Dù mua bán bằng công nghệ đi chăng nữa thì vẫn phải giao nhận, nên logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải nhanh chóng thích ứng và xem công nghệ là chiến lược bán hàng, kênh phân phối mới.

Công nghệ giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ. Một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ, giọng điệu rất địa phương. Do đó, nếu chúng ta tận dụng tốt công nghệ sẽ dễ giành thắng lợi.

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 17.

Toàn cảnh phiên thảo luận giải pháp để hàng Việt tăng sức cạnh tranh, có môi trường công bằng, phát triển bền vững hơn trên sàn TMĐT - Ảnh: HỮU HẠNH

5 từ khóa để tăng cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử

Các diễn giả đã đề xuất 5 từ khóa mà doanh nghiệp Việt cần phải nắm bắt để tăng sức cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử.

KOC Diệp Lê chọn từ khóa "truyền tải thông tin". Theo cô, những người bán hàng KOC/KOL đều mong muốn trở thành cánh tay nối dài, tiếp sức cho hàng Việt. Tuy nhiên, câu chuyện khó nhất vẫn là truyền tải thông tin, người bán cũng muốn biết cần bao nhiêu ngày thì càng đến người mua, nhà sản xuất có những thế mạnh riêng với sản phẩm gì? Và nếu kết nối tốt thì trải nghiệm mua hàng sẽ liền mạch hơn.

Ông Minh Đức chọn từ khóa "quyết tâm". Theo đại diện VECOM, để theo đuổi bán hàng online, các doanh nghiệp phải có sự quyết tâm. Bởi hàng Việt hiện nay đã được tiếp sức rất nhiều, họ muốn bán hàng livestream hay bán hàng ra nước ngoài đều có người sẵn sàng hỗ trợ. "Phần còn lại chủ yếu là do những xử lý nội bộ trong chính các doanh nghiệp chưa tốt để có thể quản lý và bán hàng", ông Đức nói.

Ông Minh Hùng của Sở Công thương TP.HCM chọn từ khóa "thích ứng". Thế giới thay đổi nhanh và các doanh nghiệp chỉ cần ngủ quên sẽ khó theo kịp. Doanh nghiệp Việt cần xem bán hàng trực tuyến là bắt buộc, phải thích ứng. Các doanh nghiệp cũng cần trong tâm thế: bây giờ livestream đang là xu hướng nhưng trong tương lại hình thức này cũng có thể bị thay thế bằng hình thức khác.

Ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho rằng từ khóa của thương mại điện tử hàng Việt là "logistics". Theo ông Trung, logistics chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại dù ở ngay trên sân nhà. 

Cụ thể, nhờ nắm bắt được các xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam nên phía Trung Quốc có thể xây dựng các kho sát biên giới Việt Nam. Cũng nhờ nắm bắt được xu hướng nên phía Trung Quốc có thể gom hàng tới một địa điểm gần với khu vực tiêu thụ nhiều nhất. Nhờ đó, tốc độ giao hàng được thực hiện một cách nhanh nhất.

Theo ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cần có chỉ dẫn cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Chỉ dẫn này vừa xác thực gian hàng chính hãng, vừa còn là logo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Những chỉ dẫn về hiểu biết sẽ giúp các doanh nghiệp Việt dễ dàng lên sàn và phát triển. Thứ nhất là những chỉ dẫn về tập khách hàng cụ thể cho TMĐT. Thứ hai là giúp các bên thực hiện đúng khái niệm M2C là từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Thứ ba là tính thống nhất cao giữa các bên liên quan như nhà quản lý, doanh nghiệp, sàn TMĐT.

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 18.

KOC Huyền Phi nêu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Lý Đại Lâm, đại diện cửa hàng Cà Ri Anh Hai (chợ Bến Thành) nhìn nhận hàng hóa Trung Quốc rất đa dạng và nắm bắt thị hiếu của người Việt rất tận tường. Nhờ vậy, sức cạnh tranh của mặt hàng Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử là rất cao và được người tiêu dùng dễ dàng đón nhận.

Trước xu hướng bán hàng mới, ông Lâm đề xuất nên thường xuyên có những buổi tập huấn cho tiểu thương chợ truyền thống, giúp họ tiếp cận được thông tin trên sàn thương mại điện tử.

Thứ hai là câu chuyện thuế. "Cần có chính sách hỗ trợ tài chính như giảm thuế cho tiểu thương tham gia thương mại điện tử", ông Lâm đề xuất.

Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc công ty thiết bị điện Cát Vạn Lợi, cho rằng xu hướng bán hàng trực tuyến phải thích ứng chứ không thể chống lại và phải nâng cấp bản thân không ngừng.

Đứng trong vai doanh nghiệp sản xuất và bán hàng quốc tế qua nền tảng điện tử, ông nhấn mạnh không nên đợi chính sách mà phải "tự cứu mình trước". Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp là phải chủ động nâng cao tư duy nội lực và năng lực của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt thường yếu chiến lược tiếp thị, làm thường sơ sài, đội ngũ nhân sự bài bản cho khâu này cũng rất thiếu.

Phải hiểu thị hiếu của khách hàng thì mới marketing tốt. Chính vì vậy, hiệp hội, nhà trường cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cấp góc nhìn về năng lực marketing để không chỉ làm tốt thị trường trong nước mà còn quốc tế.

"Nếu học trong trường thôi thì không đủ mà phải thực chiến. Cần người thầy cập nhật kiến thức thực tế. Để nâng cấp cho bản thân, tôi phải tầm sư học đạo rất nhiều. Chúng tôi phải tự triển khai chứ không có nguồn lực để thuê bên ngoài. Marketing quyết định đội ngũ bán hàng và là lực lượng vạch đường đi cho đội ngũ bán hàng".

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 19.

Anh Bùi Đức Thiện, Đồng sáng lập - Giám đốc điều hành thương hiệu Erosska chia sẻ về hành trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử - Ảnh: HỮU HẠNH

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 20.
Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 21.
Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 22.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký VECOM:

Tận dụng AI

Hiện nay nhân viên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thực hiện các phiên livestream, thậm chí một phiên livestream có thể đạt đến vài nghìn đơn hàng; bán hàng thời trang đổi size, đổi màu... thì AI hầu hết đều xử lý được. Dựa vào nền tảng công nghệ để phân tích và dựa câu hỏi để đưa ra câu trả lời, AI có thể xử lý 10.000 nhu cầu khác nhau.

Dĩ nhiên AI không thay thế hết con người nhưng nếu tận dụng tốt AI thì giúp doanh nghiệp giảm 70-80% nhân sự cho khâu bán hàng, hậu mãi. Chẳng hạn, thay vì mướn 10 người thì chủ doanh nghiệp chỉ cần 2-3 người, còn lại tận dụng AI.

Theo thống kê gần đây, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn TMĐT thì chỉ có Vinamilk là doanh nghiệp nội, nhưng nằm cuối cùng trong danh sách, còn lại là ở Mỹ, Trung...

Với những sản phẩm như thời trang, gia dụng... tỉ lệ người mua quan tâm hàng trong nước chỉ 17%, còn lại là hàng nước ngoài. Ngược lại, đối với hàng bách hóa, nông sản, thực phẩm, 80% người tiêu dùng quan tâm hàng Việt Nam.

Dựa vào thế mạnh bản địa, am hiểu khách hàng sâu sắc và chăm sóc hậu mãi, hàng Việt có thể tận dụng công nghệ để hỗ trợ, tăng cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử.

KOC Huyền Phi:

Thay đổi cách bán hàng

Rào cản lớn nhất đối với hàng Việt là chưa tiếp cận được nhiều công nghệ bán hàng và sàn TMĐT. Doanh nghiệp lớn có lực lượng nhân sự tốt nên ổn, nhưng cơ sở nhỏ, nông dân thì chưa rành cách bán hàng trên sàn, thậm chí không biết sàn TMĐT là gì.

Gần đây, sau buổi training do Tiktok Shop hỗ trợ, đào tạo bán hàng, cô chú nông dân bất ngờ khi chỉ 2-3 tiếng đã bán được rất nhiều hàng, hơn hẳn cách bán truyền thống.

Bà Trần Thị Tân, Giám đốc Trách nhiệm xã hội TikTok Shop:

Cần sự chung tay ủng hộ

Để chung tay tiếp sức hàng Việt trên TMĐT, cần sự ủng hộ nhiều của đối tác, người bán hàng, cơ quan ban ngành. Các yếu tố này sẽ tạo bệ phóng cho hàng Việt trên sàn MTĐT.

Đối với TikTok Shop, đơn vị đã có nhiều chính sách tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT, như thực hiện chương trình "Chợ phiên OCOP", ra mắt sáng kiến "Tự hào hàng Việt" cả online và offline, hợp tác các sở ngành tổ chức lễ hội kết nối cung cầu... Tính đến nay đơn vị đã triển khai hợp tác tại 33 tỉnh thành với 100 chương trình đã thực hiện và con số này còn tăng lên...

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 4.Cùng 'xắn tay' hỗ trợ, quảng bá hàng Việt

Cùng với nỗ lực thay đổi để thích nghi của các doanh nghiệp trong nước, theo các chuyên gia, cần có chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tích cực tham gia quảng bá hàng Việt.

Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, cách nào? - Ảnh 23.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên