Bảo Yến cùng ông bà nội - Ảnh:B.D.
Một buổi sáng tháng 8, căn phòng nhỏ tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tập trung nhiều thầy cô giáo và tân sinh viên.
Cháu biết mẹ khổ nên nói rằng sẽ nghỉ học nhưng mấy hôm nay thầy cô, rồi nhiều người biết chuyện đã tìm đường xuống nhà động viên, hứa giúp đỡ. Mọi thứ giờ quá khó khăn, không biết tương lai của con sẽ ra sao.
Bà THÂN THỊ NGA (mẹ Hiếu)
Sau nhiều đêm bàn bạc với gia đình về những ngày kế tiếp, cả Hiếu và Yến đều dự định tạm gác lại chuyện nhập học để ở nhà làm thêm, bảo lưu kết quả thi để qua năm vào trường.
Giảng đường của cháu, cả đời lam lũ của ông
Cả Bảo Yến và Tấn Hiếu đều là hai học sinh học lực khá, được nhiều thầy cô tại Trường Nguyễn Duy Hiệu biết và giúp đỡ trong nhiều năm học tại trường. Cầm tờ giấy gọi nhập học vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Trường ĐH Kinh tế với tổng điểm 22,5, Yến ngần ngừ trước dãy hành lang.
Biết cô học trò nghèo đang bế tắc, ông Nguyễn Tấn Sáu, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, đã gọi Yến vào rồi trấn an: "Mình cứ làm thủ tục đầy đủ rồi trở về nhà sắp xếp đồ đạc, dù thế nào cũng phải vượt qua lúc khó khăn này, không bỏ lỡ việc học. Trước mắt thầy sẽ xin cho khoản trợ giúp 1 triệu đồng, thầy sẽ vận động thêm bạn bè, cựu học sinh giúp mình những ngày tới".
Thấy các em, tôi thương đứt ruột, cứ nghĩ rằng đó chính là con cái của mình. Tôi cũng tự bỏ tiền túi ra, rồi các thầy cô nữa cho các em một ít để các em về trường. Không có thầy cô những lúc thế này thì các em sẽ bỏ học đồng loạt.
Ông Nguyễn Tấn Sáu, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu
Trưa nắng như đổ lửa. Ngôi nhà của Yến gió thổi xiêu vẹo, nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa tại khối Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cô học trò khuôn mặt khắc khổ đội chiếc nón cời đạp xe băng qua lối đi nhỏ xuyên qua đám ruộng, tiếng xe đạp vừa lọc cọc dựng ở sân thì mấy tiếng ú ớ trong căn nhà cất lên.
"Khuya rồi mà còn cơm nước gì nữa". Biết bà nội đang lên cơn, Yến thả nón ngay bậc thềm rồi vào choàng tay bế bà lão đã 86 tuổi, mù mắt, cơ thể dặt dẹo như cọng rơm nằm liệt giường suốt bốn năm nay.
"Nội mình yếu lắm rồi, giờ chỉ nằm liệt giường và thỉnh thoảng lại nói sảng" - Yến nói rồi lau nước mắt nhìn bà nội.
Trong lứa học trò tại Trường Nguyễn Duy Hiệu, Bảo Yến được thầy cô yêu thương nhiều nhất bởi Yến quá nghèo và mang một câu chuyện đặc biệt của số phận: mẹ bỏ đi khi em mới 18 tháng, năm lên lớp 4 ba Yến cũng mất sau cơn xuất huyết não.
Yến, lúc đó mới 9 tuổi, cùng người anh trai ngơ ngác nhìn ông bà nội già yếu trong căn nhà trống trơn. Gần 10 năm nay, hai đứa trẻ cùng người vợ nằm liệt giường phải sống dựa vào ông Đỗ Thưởng là ông nội của Yến.
Ông nội rơi nước mắt khi kể về quá trình nuôi hai anh em Yến. "Tui năm nay 85 tuổi rồi nhưng phải cố gắng chăm từng gốc ổi, nuôi thêm con gà, mớ trứng để lấy tiền cho hai cháu đi học. Có miếng gì ngon ông bà cũng nhường cho cháu để mong sau này học hành thành tài, thoát khổ".
Cả bốn miệng ăn phải trông chờ vào mảnh vườn 1,5 sào cùng khoản trợ cấp người già thiếu trước hụt sau. Mấy hôm nay biết tin Yến đậu đại học, ông nội Yến lo lắng cuốc bộ đi tìm người để rao bán con bò mà ông nuôi hai năm nay, và là của để dành duy nhất cho đứa cháu nghèo.
"Con bò đó bán cũng được khoảng 20 triệu đồng. 10 triệu tôi cho cháu đóng học phí, 10 triệu còn lại cho anh trai nó đang học năm thứ 3 cao đẳng tại Đà Nẵng" - ông Thưởng nói.
Nghe chuyện ông bán bò, nghĩ đến cảnh phải đi học trên lưng ông bà nội mình quá già yếu, Yến khóc rồi nói với ông rằng sẽ bảo lưu kết quả để đi làm, qua năm sẽ nhập học.
"Mấy đêm nay, tôi ôm hai cháu vào lòng và bảo rằng chừng nào ông bà còn sống thì sẽ ráng để dành dụm, làm lụng nuôi cháu đi học chứ không được bỏ" - ông Thưởng bật khóc.
"Tiền ông bán cau đây, cháu cầm đi mà nhập học"
Câu chuyện của Bảo Yến đang diễn ra trong căn nhà đơn sơ thì một người buôn cau ghé tới. Sau khi đu người trên mấy cây cau cao chót vót, người buôn cau hái xuống một mớ trái và đưa cho ông Đỗ Thưởng, ông nội của Bảo Yến, 150.000 đồng.
Cầm những tờ tiền trên tay, ông Thưởng run run nhìn cháu: "Cau chưa chín nhưng ông gọi người tới hái để lấy tiền góp cho cháu vào trường. Cháu cầm đi". Nhìn khuôn mặt khắc khổ và dòng nước mắt như chực trào của nội vì quá thương cháu, Yến bưng mặt chạy vụt xuống bếp ngồi khóc.
Hành trang gian nan của cậu học trò trượng nghĩa
Nguyễn Tấn Hiếu - tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cùng mẹ và người em trai bị câm điếc bẩm sinh trong căn nhà của mình - Ảnh: B.D.
Đầu năm 2019, câu chuyện cậu học trò nghèo trường Nguyễn Duy Hiệu là Nguyễn Tấn Hiếu trong lúc đi học về nhặt được bọc tiền 50 triệu đồng, quyết tâm đi tìm người mất để trả lại gây xôn xao tỉnh Quảng Nam.
Câu chuyện đẹp đó đã "chạm" đến trái tim nhiều người, bởi đằng sau hành động đẹp đó, cậu học trò suốt 12 năm phải đến trường trong gia cảnh ngặt nghèo: bố bị câm điếc bẩm sinh, nhiều năm nay phải nằm viện chạy thận nhân tạo; người em trai cũng bị câm điếc và phải gửi tại Làng SOS Đà Nẵng, người mẹ nghèo gầy khô như tàu lá hằng ngày đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả nhà.
Mới đây, cậu học trò "nổi tiếng" ngày nào đã khấp khởi lên trường để nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành kỹ thuật cơ điện tử Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với tổng điểm 22. Ngay lúc cầm tờ giấy báo trên tay, Hiếu nói với thầy cô rằng em sẽ không đi học, bởi khoản học phí mỗi năm tới trên 30 triệu đồng - ngoài tầm với của một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau nhiều ngày được hàng xóm, thầy cô giáo động viên, đi vận động quyên góp, mấy hôm nay Hiếu đã vững chãi hơn để xếp dọn đồ đạc chuẩn bị lên đường ra Đà Nẵng làm thủ tục.
Chúng tôi về thăm lại nhà Hiếu ở cuối thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Ngôi nhà như một hộp diêm trống trơn ở hai đầu. Tới nay nhà vẫn chưa có cửa, tường xếp bằng những viên gạch dang dở mà chưa có tiền để gia trát bên ngoài.
Mẹ Hiếu là bà Thân Thị Nga năm nay 50 tuổi nhưng già, gầy khô vì lao lực như người 60. Ngôi nhà không có tài sản nào ngoài chiếc tivi cũ đã mua cả chục năm về trước.
Nhắc đến Hiếu, nhiều người ở quanh đó vẫn nhớ tới chuyện Hiếu đã tìm trả lại 50 triệu đồng cho một tiểu thương ở thị xã Điện Bàn khi Hiếu trên đường trở về nhà. Hành động nghĩa hiệp đó càng quý giá trong hoàn cảnh chẳng lấy gì làm khá giả khiến nhiều người cảm động và tới nay giấy khen từ bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Nam, Tỉnh đoàn Quảng Nam cùng các đơn vị khác vẫn được treo kín trên bức tường loang.
Trao hai suất học bổng "nóng"
Hai tân sinh viên Nguyễn Tấn Hiếu và Đỗ Thị Bảo Yến nhận “nóng” hai suất học bổng Tiếp sức đến trường năm nay - Ảnh: B.D.
Sáng 16-8, báo Tuổi Trẻ đã đến gia đình bạn Nguyễn Tấn Hiếu và Đỗ Thị Bảo Yến, trao tận tay hai suất học bổng "nóng" để hai bạn có lộ phí vào trường nhập học. Cả Hiếu và Yến cho biết do quá khó khăn nên dù đã có giấy gọi, cả hai vẫn chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết để nhập học. Yến được trao suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng và Hiếu được nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng.
"Mình không biết nói gì lúc này để cảm ơn những tình cảm mà mọi người dành cho. Mình sẽ vào trường ngay ngày mai" - Hiếu xúc động nói.
Mời bạn đọc đồng hành Tiếp sức đến trường 2019
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận