21/09/2018 14:39 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai

LINH ĐAN
LINH ĐAN

TTO - 11 năm nay, mẹ bại liệt nằm một chỗ, cha già thường đau yếu nên cuộc sống gia đình luôn túng khó. Thế nhưng chừng ấy năm, Hương vẫn tin sẽ thay đổi cuộc sống của mình bằng việc học hành chăm chỉ.

Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai - Ảnh 1.

Thanh Hương với công việc làm thêm tại tiệm photocopy để duy trì việc học của mình - Ảnh: LINH ĐAN

Đầu tháng 9-2018, trong khi nhiều tân sinh viên được cha mẹ, bạn bè chở đến trường nhập học, mua sắm các vật dụng cần thiết cho bốn năm tới thì Nguyễn Thanh Hương (19 tuổi, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) lặng lẽ đi tìm phòng trọ. 

"Mình không dám ở ký túc xá vì sẽ không nhiều thời gian đi làm thêm được. May có người chị quen chỉ cho phòng mình từng ở và nhường lại nhiều vật dụng" - Thanh Hương tâm sự.

9 tuổi mới bắt đầu học lớp 1

Sau khi đăng ký nhập học, Hương lập tức đi tìm việc làm. Thấy tiệm photocopy ở cổng sau Trường ĐH Tây Nguyên đang cần người, cô tân sinh viên ngành kinh doanh thương mại đến đề xuất làm và được nhận với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. 

"Số tiền này sẽ đủ cho mình trang trải những ngày đầu và gom góp để nộp học phí vào cuối kỳ học" - Hương tâm sự.

Tự đi làm kiếm tiền đi học không quá xa lạ với cô gái bé nhỏ này. Bởi 11 năm trước, bà Nguyễn Thị Dậy (60 tuổi) bị tai biến rồi bại liệt, nằm một chỗ. Cha cô, ông Nguyễn Bá Tiến (71 tuổi) cũng thường xuyên đau yếu nhưng vừa chăm sóc vợ bệnh, con thơ, vừa bươn chải nuôi cả gia đình. 

"Mình lớn lên trong hoàn cảnh luôn thiếu trước hụt sau" - Hương kể thêm.

Sự thiếu may mắn của tuổi thơ đã hun đúc cho Hương một nghị lực hơn các bạn cùng trang lứa. Hương nói mình may mắn vì dù đau bệnh nhưng mẹ luôn vui vẻ, động viên cô con gái duy nhất phải vượt qua nghịch cảnh, học thật giỏi và hãy chinh phục những điều mới mẻ. 

Cha Hương sau những giờ lao động vất vả lại là thầy giáo dạy thêm cho bạn những lúc trời đã về khuya.

"Ba luôn động viên mình phải tự tin vào bản thân, phải học để thoát khỏi cuộc sống lam lũ, khó khăn của gia đình. Thế nhưng đất đai ít ỏi, phải bận chăm sóc mẹ khiến công việc của ba thu nhập không được bao nhiêu. Từ khi bắt đầu học cấp III, mình đã tự hứa sẽ đi làm để trang trải cuộc sống, học tập và góp thêm phụ giúp gia đình" - Hương nhớ lại.

Và cứ thế, sau buổi đến trường cô nữ sinh lại đi bưng bê ở các quán ăn, quán cà phê gần nhà. Ngày lễ, tết trong khi bạn bè đi chơi thì Hương làm thêm để kiếm tiền đóng học phí hoặc dành cho những ngày đi học xa sắp tới.

"Tết đến nhiều quán ăn, quán cà phê... rất cần người phục vụ nên họ trả lương cao. Tranh thủ những lúc như vậy mình kiếm được nhiều tiền hơn. Có tiền để dành mình mới yên tâm đi học được" - Hương nói.

Sẽ "tự cân đối" để đi học

Hương nói chưa bao giờ có ý nghĩ phải nghỉ học dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. "Mình nghĩ ngành kinh doanh thương mại sau này sẽ có rất nhiều công việc phù hợp, từ đó mình sẽ trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức để khẳng định bản thân" - Hương tự tin.

Hiện nay Hương đang đi làm thêm và dự định xin thêm một công việc nữa. Hương cho biết bạn đang làm hồ sơ xin học bổng của một tổ chức nước ngoài để đảm bảo tiền học trong bốn năm học.

"Trước khi đăng ký ngành này của ĐH Tây Nguyên mình đã tìm hiểu rất kỹ. Trường không bắt sinh viên đóng học phí ngay khi nhập học mà chỉ cần đóng trước ngày thi học kỳ. Do dành dụm được ít tiền nên mình có thể trang trải vài tháng đầu tiên. Với mức lương hiện tại, mình tạm đủ sinh hoạt, đóng học phí" - Hương nói.

Theo Hương, bạn quyết tâm đi học vì tin vào tương lai. "Một sinh viên ra trường có kiếm được việc làm hay không dựa vào ba yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ, trong đó thái độ là quyết định. Người có kỹ năng, kiến thức tốt lại có thái độ chân thành, cầu thị, học hỏi những người đi trước, những bạn bè xung quanh thì sẽ thành công" - Hương tự tin.

Con cứ đi học đi

Bữa ăn của nữ sinh viên này tại phòng trọ nói lên đầy đủ cụm từ "dành dụm cho việc học". Bữa cơm với bát cơm trắng, rau luộc.

Thỉnh thoảng bữa cơm cô độc của cô nữ sinh được cải thiện mấy lát thịt hoặc cá kho do cha chuẩn bị sẵn trước khi Hương trở lại phòng trọ.

"Mình không sợ cực khổ. Mình tin với công việc hiện tại đủ trang trải cho cuộc sống và việc học. Hôm trước về mình hỏi mẹ có buồn không, nếu buồn mình sẽ nghỉ. Mẹ cười mà rơm rớm: "Con cứ đi học đi chứ sao mẹ phải buồn" - Hương xúc động.

Tiếp nhận 100 triệu đồng từ Vedan

20-9_vedan ung ho_triệu 3(read-only)

Đại diện báo Tuổi Trẻ, anh Hoàng Đại Thắng - chánh văn phòng (trái) - tiếp nhận 100 triệu đồng từ ông Ni Chih Hao vào sáng 20-9 - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Sáng 20-9, đại diện báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận 100 triệu đồng từ Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam ủng hộ cho Quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường".

Ông Ni Chih Hao, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, đánh giá cao vai trò, chức năng cầu nối của báo Tuổi Trẻ trong việc xây dựng và phát triển học bổng "Tiếp sức đến trường" trong 16 năm nay.

"Chúng tôi rất vui khi được tham gia, đồng hành nhiều hơn cùng báo Tuổi Trẻ trong các hoạt động xã hội từ trước đến nay" - ông Ni Chih Hao chia sẻ thêm.

CÔNG TRIỆU

Tiếp sức đến trường: Học trò làm thuê trúng tuyển trường y

TTO - Chồng bỏ đi, người vợ đưa con nhỏ về quê ngoại bươn chải làm thuê nuôi con ăn học. Thương mẹ vất vả, người con sau giờ học phụ mẹ làm và nỗ lực vượt khó học tập.

LINH ĐAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên