Biết báo Tuổi Trẻ có học bổng tiếp sức tân sinh viên, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Cao Ngọc Hà nhắn ngay cho hai mẹ con gọi điện để viết tiếp ước mơ cho em.
Tiếp sức đến trường 2024: Người mẹ thất học gọi điện thoại xin học bổng cho con - Thực hiện: HOÀNG TÁO - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ
Thất học nên muốn con có một con đường khác
4h30 sáng hằng ngày, chị Cao Thị Sen (42 tuổi, trú thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) thức dậy, nấu vội đồ ăn sáng cho cả nhà rồi đi xe máy đến làm thuê cho một quán cháo dinh dưỡng cách nhà hơn 10km ở thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh).
Quán phục vụ trẻ mầm non nên phải nấu sớm để trẻ kịp ăn khi đến trường. Cháo vừa chín thì chị Sen tất tả ship cháo cho khách quen. Công việc luôn tay luôn chân đến 19h mới tan làm về nhà.
Nhà có 6 sào ruộng nhưng làm không đủ ăn, chị Sen cho người khác thuê ruộng rồi bôn ba đi làm thuê khắp nơi, tìm đủ phương cách để nuôi 2 con gái và mẹ già.
"Công việc riết như vậy ngày qua ngày, nắng cũng như mưa, khiến nhiều khi tôi nghĩ mình như con robot. Mỗi đêm chợp mắt, chỉ mong sáng thức giấc vẫn khỏe mạnh.
Việc không nặng nhọc nhưng chiếm nhiều thời gian, ngày công được 150.000 đồng nhưng nghỉ ngày nào thì bị trừ tiền ngày đó đến 200.000 đồng", chị Sen nói.
Khoản tiền đó không đủ chi dùng cho 4 miệng ăn, chị Sen quây thêm mảnh lưới phía vườn thả đàn gà, trồng thêm khoai sắn. Trứng gà thu được thì dùng máy ấp điện trong thùng xốp nhỏ để úm thành gà con. Gà to gà nhỏ, quanh thôn xã ai có nhu cầu thì chị đều bán.
Chị kể vì nghèo khó mà thất học, bôn ba làm công nhân ở TP.HCM rồi về quê chạy chợ, làm công nhân cho đến gần đây chuyển sang làm công ở quán cháo, nhưng không đủ sống.
"Trước đây tôi thất học nên giờ quyết tâm cho con đi học, dù phải vay mượn", chị Sen nói.
"May là hạt lúa, quả trứng, rau quanh vườn nên không phải mua, nhưng đi học đại học thì cần rất nhiều tiền. Hằng tháng tôi tính đóng thùng xốp gửi gạo, mắm muối vào cho con. Cái ăn là vậy nhưng tiền học chưa có", chị Sen nhắc về ước mơ của đứa con gái đầu, dù nhìn trong căn nhà xây tuềnh toàng cũ kỹ không có thứ gì đáng giá.
"Ban đầu cho cháu ở nhờ nhà người quen. Cái gì khó thì gỡ dần dần. Cái ăn chỗ ở có rồi, nhưng tiền học chưa có nên phải quyết tâm vay mượn, mà chỗ nhanh nhất là ngân hàng", chị Sen nói.
Điểm tốt nghiệp xếp hạng 26 của tỉnh Quảng Trị
Dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, gương mặt rắn rỏi và đầy nghị lực, Ngọc Hà nói động lực lớn nhất của mình là hoàn cảnh.
"Em tự thúc đẩy bản thân sôi nổi, năng nổ để tạo thiện cảm với thầy cô, có hứng thú với học hành, luôn giữ vững học sinh giỏi. Em chăm chỉ, cố gắng hơn, thường tham gia các cuộc thi của trường để có giải thưởng mang về đỡ đần cho mẹ", Hà nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi, Hà đứng thứ 26 toàn tỉnh Quảng Trị tính tổng điểm 6 môn thi, tổ hợp xét tuyển đại học Hà đạt 27,25 điểm.
Hành trang có 3,3 triệu đồng làm thêm
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, Hà tìm quán cà phê ở thị trấn để làm thêm. Mỗi ca Hà được trả 72.000 đồng.
"Nhà xa nên tiền xăng đi làm với em cũng là một vấn đề lớn. Nhiều khi làm về muộn, em phải chờ mẹ đến đón để đi qua con đường vắng giữa đồng", Hà kể. Hành trang vào đại học của Hà là 3,3 triệu đồng tiền làm thuê thời gian qua.
"Tuy em đặt nguyện vọng và có mong ước tiếp tục theo đuổi con đường đại học, song để chi trả cho một tân sinh viên bước lên cánh cửa đại học và em gái hiện đang cuối cấp 2 là quá sức đối với mẹ. Sức khỏe mẹ em không được tốt lắm vì mang một số bệnh về dạ dày, gan... phải thường xuyên điều trị. Còn bà ngoại lớn tuổi mất sức lao động, hoàn toàn phụ thuộc", Hà nói.
Hà cho hay ban đầu sẽ tìm quán cà phê để làm thêm, sau sẽ tìm việc gia sư phù hợp với năng khiếu ngôn ngữ với hy vọng đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ.
Đậu ngành ngôn ngữ Anh Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, đặt quyết tâm kết thúc đại học với tấm bằng giỏi hoặc xuất sắc, kết hợp học bổ trợ thêm ngôn ngữ khác, Hà mong muốn tìm kiếm công việc ở một công ty thương mại đa quốc gia.
"Em hy vọng sau này đỡ đần được cho mẹ và gia đình", Hà nói.
Thầy Đặng Hữu Vũ, chủ nhiệm 3 năm cấp ba tại Trường THCS và THPT Bến Hải (xã Vĩnh Lâm), nhận xét Hà có năng lực học tập tốt, có khả năng quản lý, lãnh đạo, hòa đồng với bạn bè.
"Vì nhà không có điều kiện học thêm nên em có ý thức tự học rất tốt, lên lớp có trách nhiệm, phân công việc gì thì làm tròn nhiệm vụ, chỉn chu.
Biết hoàn cảnh của em, nhà trường tạo mọi điều kiện về vật chất, động viên tinh thần, miễn giảm các nguồn thu để em vươn lên. Giờ em ra trường rồi, thầy cô mong muốn xã hội trợ giúp chứ nhà trường cũng chỉ phần nhỏ thôi", thầy Vũ nói.
Hà cũng đang dành dụm để tự mua cho mình một chiếc máy tính xách tay. Lên đại học, nhiều chương trình học, bài tập phải làm trên máy tính. Chiếc điện thoại 5 năm tuổi của Hà đã quá cũ để hoàn thành những bài tập phức tạp.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận