13/08/2018 12:08 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Kỳ công của Thảo

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Lê Trần Kim Thảo (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) gầy gò, đầu liên tục lắc lư vì bị bại não từ khi còn nhỏ, nhưng đã được xét tuyển vào ngành CNTT Trường ĐH Quảng Nam.

Tiếp sức đến trường: Kỳ công của Thảo - Ảnh 1.

Thảo bên ông ngoại, người đã nuôi nấng cháu 18 năm trời - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngay sau khi biết tin đậu đại học, Thảo đã gửi thư cho chương trình "" của báo Tuổi Trẻ. Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Phụng (62 tuổi, ông ngoại Thảo) mắt đỏ hoe, nghẹn ngào kể ngay: "Con bé có tuổi thơ buồn lắm, không may mắn như những đứa trẻ khác".

19 năm về trước, con gái đầu của vợ chồng ông Phụng lấy chồng, rồi sinh Kim Thảo. Nhưng đứa trẻ lọt lòng đã không may mắn như bao đứa trẻ khác khi bị chứng bệnh bại não. "Con bé mắc di chứng tật đầu không yên, cong vẹo cột sống cổ, lưng, nhược tứ chi, hạn chế vận động, tỉ lệ mất sức lao động 61%" - ông Phụng kể.

Vì cuộc sống gia đình khốn khó, chỉ vài tháng sau khi sinh con, vợ chồng con gái phải gửi bé Thảo cho ông bà ngoại chăm sóc, để vào TP.HCM làm công nhân kiếm sống, gửi tiền về nuôi con. Dù còn phải nuôi ba đứa con ăn học, vợ chồng ông Phụng vẫn lặng thầm cưu mang thêm cô cháu gái tật nguyền tội nghiệp.

"Từ nhỏ, người nó quặt quẹo, đi đứng khó khăn, đầu liên tục lắc, giọng nói ngọng nghịu. Sinh hoạt, học hành cũng chậm hơn những đứa bạn đồng trang lứa" - bà Trần Thị Chín, bà ngoại Thảo, kể thêm.

Thảo học đến năm lớp 6, cha mẹ em chia tay. Mẹ ẵm em trai về quê, ít lâu sau lập gia đình khác. Thương con gái lận đận, có chồng mới nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, hai vợ chồng ông Phụng bảo sẽ làm lụng nuôi luôn bé Thảo ăn học.

"Con bé ốm đau liên miên, đi đứng khó khăn, tui phải chở nó đi học mỗi ngày, rồi phải chở đến trung tâm trẻ khuyết tật tập vật lý trị liệu. Đã có lúc sợ cháu không sống nổi, giờ con bé lớn được chừng này là mừng lắm rồi!" - ông Phụng thổ lộ.

Học để trả ơn ngoại

Bị bệnh bẩm sinh, Thảo quá khó trong chuyện học hành. Từ nhỏ, Thảo đọc, viết rất chậm do miệng bị méo, tay chân co quắp. Giọng nói ngọng nghịu, phát âm chậm chạp.

"Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đang ngồi học mà mệt quá bị ngất xỉu trong lớp, hay những lần đạp xe đi học bị té xỉu giữa đường, phải nhập viện điều trị" - Thảo nhớ lại.

Ông Phụng kể, mỗi khi thấy quá giờ mà con bé chưa đi học về, ông biết cháu té xỉu giữa đường, ông phải tất tả chạy xe đi kiếm.

Hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng Thảo vẫn quyết chí học tập để không thua kém các bạn. Từ lớp 1-12, Thảo luôn là học sinh khá, giỏi. Năm lớp 10,cô bé khiến bạn bè ngỡ ngàng khi thi đậu vào lớp chọn của Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Núi Thành).

Với số điểm tổng kết năm 12 ba môn toán 8,3, vật lý 8,3, hóa học 7,6 của lớp 12, Thảo dùng học bạ để xét tuyển, và cửa ngành Công nghệ Thông tin (CNTT)Trường ĐH Quảng Nam đã mở ra với Thảo.

Thảo kể từ nhỏ rất thích vẽ, vẽ rất đẹp và muốn học ngành thiết kế đồ họa. Nhưng vì không đủ điều kiện để học thêm những kỹ năng khác, Thảo chọn học ngành CNTT, sau này có thể ứng dụng bên thiết kế đồ họa. "Con bé học có kết quả như vậy là gia đình tui mừng lắm rồi. Sợ nó bỏ dở học hành, nhưng nó vẫn quyết tâm, nỗ lực vậy, hai vợ chồng tôi không mong gì hơn nữa" - ông ngoại Thảo xúc động.

Ông Phụng kể thầy cô trong trường động viên ông cố gắng cho con bé học, vì cháu học tốt lắm. Chưa biết được sau này ra sao, nhưng hai vợ chồng ông tâm niệm đã nuôi con bé khổ cực 18 năm qua, giờ ráng nuôi cháu tiếp để có tương lai tươi sáng hơn.

Dù còn khó khăn, hai vợ chồng ông vẫn tiếp tục làm lụng để nuôi cháu ăn học. Bà ngoại Thảo mới đây phải vào tận tỉnh Long An làm công cho một khách sạn, dành dụm tiền gửi về cho chồng trả nợ dần, nuôi cháu. Còn ông Phụng tất tả bên mấy sào ruộng, con heo con gà, vun vén cho cháu mình tương lai tốt đẹp hơn.

"Nhà tui còn một mảnh đất ông bà tổ tiên để lại, nếu khó quá thì tui bán lấy tiền cho con bé ăn học đến nơi đến chốn, không để cho nó phải nghỉ học, cực khổ" - ông Phụng quả quyết.

Thảo nói rất biết ơn công lao dưỡng dục, cưu mang của ông bà ngoại. "Em sẽ cố gắng học thật tốt, ra trường đi làm kiếm tiền nuôi ông bà ngoại lúc tuổi già, trả ơn những tháng ngày cơ cực nuôi em" - Thảo xúc động.

Nhớ đến học bổng "Tiếp sức đến trường"

Ông Phụng kể khi biết cháu mình đậu đại học, ông lại nhớ đến chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ. Cách đây chín năm, cô con gái thứ hai của ông là Trần Thị Trang đậu ĐH Quảng Nam cũng được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường".

"Học bổng đã tiếp sức cho con tôi theo đuổi giấc mơ giảng đường. Hai đứa con gái tui đã tốt nghiệp ở hai trường ĐH, giờ ra trường đi làm. Cậu con trai út cũng học xong ĐH, ra trường đang xin việc".

Chị Trang kể năm 2009 khi đậu ĐH, gia cảnh khó khăn, suất học bổng trị giá 5 triệu đồng khi đó đã giúp chị trang trải cuộc sống những ngày đầu bước vào giảng đường.

Hiện chị là giáo viên THCS, có chồng con nhưng cuộc sống còn khá chật vật, khó khăn. Em gái chị cũng đi làm ở TP.HCM nhưng lương vừa đủ sống nên hai chị em không giúp được gì nhiều cho cháu Thảo ăn học.

"Mong sao lần này cháu tôi sẽ nhận học bổng để ba mẹ bớt cực, cháu có thêm hành trang bước vào giảng đường" - chị Trang tâm sự.

Tiếp sức đến trường: Viết tiếp ước mơ của mẹ

TTO - Ba bị tai nạn giao thông mất khả năng lao động, mẹ ung thư phổi giai đoạn cuối. Mai Thị Thùy Trang (18 tuổi) phải cùng mẹ chống chọi với bệnh tật và thực hiện ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên