Vừa từ trường về tới căn chòi trong khu rẫy ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), Trần Thị Bích Vân lại lúi húi chất chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc, sách vở rồi chạy chiếc Cub 50 lên bệnh viện ở TP.HCM chăm ba. Đó là những ngày cuối tuần.
Trời về khuya, dưới ánh đèn bệnh viện, cô bạn lại tranh thủ lật tập ra học những lúc ba nghỉ ngơi. Hết ngày chủ nhật, Vân lại chạy xe ngược về Bình Phước để đi học. Suốt cả tháng trời ròng rã như vậy.
Rẫy cao su có cô bé nghèo ham học
Tạm dứt khỏi dòng nghĩ ngợi về thời điểm khó khăn của năm ngoái, đôi mắt thâm quầng của Vân bất giác đỏ hoe. Đáng lẽ thời điểm này Bích Vân đã là sinh viên năm thứ hai khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng cảnh nhà quá ngặt nghèo, ba bị gout nặng và đột quỵ não, cô con gái phải ngắt quãng một năm đi học.
Hồi THPT, một ngày của Vân bắt đầu từ 5h sáng thức giấc, vượt chặng đường 30km đến trường. Gặp hôm mưa to, mãi tối muộn mới về tới nhà. Mà đoạn sắp tới nhà ngày nào cũng đi qua hai nghĩa trang âm u, đi riết thành quen. Cô học trò 42kg ấy ùa vào bếp phụ mẹ lo cơm nước sau giờ học về.
Không có đất, gia đình Vân được người bác cho cất tạm cái chòi trong rẫy để ở. Mọi sinh hoạt trong căn chòi một gian, điện chưa thể câu vào nên cả nhà xài điện năng lượng mặt trời. Chừng 8h tối đã phải đi ngủ nên Bích Vân luyện nhớ bài ngay trên lớp.
Hôm nhận kết quả tuyển sinh hồi năm 2023, bà Trần Thị Lịch (49 tuổi) - mẹ Vân - vay được ngót chục triệu đồng cho con lên TP nhập học. Hiểu rõ gia cảnh, nhiều lần Vân thủ thỉ với mẹ muốn nghỉ học ở nhà kiếm việc làm phụ mẹ. Nhưng mẹ Vân lại không nghĩ vậy, bà muốn con phải đi học vì đó là con đường duy nhất để thoát nghèo.
Vậy mà năm ngoái, Vân mới nhập học, làm quen cuộc sống sinh viên chừng tuần, ba Vân đổ bệnh liên miên. Có vẻ ông trời cũng thử thách lòng người. Cô nữ sinh tạm gác giấc mơ đại học. Con gái lúc này gần như trở thành điểm tựa duy nhất cho mẹ.
Thương mẹ một mình đi cạo mủ cao su trong đêm tối, Vân đội đèn, cầm dao theo phụ. "Mình chú ý nhìn từng đường dao mẹ gọt lên thân cây mà học dần cách cạo mủ. Ban đầu còn cạo phạm nhưng vài bữa là quen việc. Mình cứ xách cả xô mủ nặng 18kg cạo từ nửa đêm đến sáng thì xong" - Vân kể.
Hộp cơm 25.000 đồng chia hai lần ăn
Nhận tin con thi tốt, bà Lịch mừng lắm nhưng lại lo nhiều hơn vì không có tiền cho con. Vân tự lên TP đi làm thêm kiếm tiền chứ ba mẹ không lo được gì cả. Mẹ chỉ động viên con gái ráng học, có thiếu hụt đâu thì mẹ cũng ráng vay mượn. Học cho có công ăn việc làm ổn định để sau này làm lụng có tiền.
Hôm Vân đi, bà nhín được chút tiền đưa nhưng con gái nói "con có rồi". Đó là số tiền 1,5 triệu đồng Vân dành dụm được từ việc dạy thêm gần nhà dạo trước. Lên TP.HCM từ tháng 6, Vân ở ghép với bạn cùng quê, cỡ 1 triệu đồng/tháng.
Ban ngày, bạn phụ quán bún bò từ 5h30 - 14h, tiền công 18.000 đồng/giờ. Sáu buổi tối trong tuần, bạn dạy kèm ba nơi tại TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh. Về tới phòng cũng rạc người nhưng bao lo toan khiến Vân cứ thao thức đến 1-2h sáng.
Sắp tới Vân nghỉ phụ quán để có thời gian học. Vân khoe có mấy bộ đồ, nếu chuyển vào ký túc xá ở mỗi tháng tốn mấy trăm ngàn tiền phòng cũng đỡ. Chỉ lo là không có máy tính sẽ không biết học thế nào khi cần.
Mỗi ngày, Vân mua hộp cơm 25.000 đồng, lúc nào cũng xin cơm thêm rồi chia làm đôi để dành ăn cả tối. Ngày nào không cơm thì chỉ có mì gói, còn bữa sáng để bụng đói, nhịn riết thành quen. Lần trở lại này, Vân tự hứa phải ráng hết cỡ để không dở dang giấc mơ giảng đường một lần nữa.
Chặng đường phía trước chính Vân hiểu rõ còn rất dài nhưng luôn tin sẽ vượt qua, chỉ cần mình cố gắng.
Học tốt không chỉ là mục tiêu, với Vân còn là mệnh lệnh nếu muốn lo cho gia đình sau này. Chỉ mong Vân đừng gục ngã, luôn bền lòng, kiên vững như cách bạn đã từng cho đến hiện tại, được tiếp sức đến trường...
Muốn trở thành nhà khảo cổ học
Một năm ở nhà, con gái đỡ đần cho mẹ được bao nhiêu là việc. Tới mùa, Vân đi nhặt điều thuê, chiều lo cắt cỏ chăn bò cho bác kiếm thêm tiền thuốc thang cho ba. Khi thấy việc nhà tạm ổn, Vân muốn đi học trở lại.
Vân đạt số điểm ba môn khối C03: toán 8,2 - văn 9 - sử 8,75 và mức điểm khá cao trong kỳ thi đánh giá năng lực. Vân vẫn chọn khoa lịch sử ngôi trường năm ngoái dang dở để gửi gắm ước mơ trở thành nhà khảo cổ học, được làm việc trong các bảo tàng lịch sử.
Trong đơn gửi đến chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, Vân viết: "Nếu được chọn để trao học bổng, em muốn dùng một phần gửi cho mẹ để mẹ trang trải phần nào trong gia đình và chăm sóc ba. Còn một phần em muốn để dành để đóng học phí.
Em biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Sau này khi có khả năng em sẵn sàng quay lại hỗ trợ các bạn gặp khó khăn giống mình để các bạn có thể tiếp tục ước mơ".
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận