02/12/2022 15:01 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Học giỏi nhờ sách mượn, vở thưởng, laptop cậu tặng

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Sinh ra không có cha, lớn lên với người mẹ tật nguyền đau ốm triền miên, tân sinh viên Lê Ngọc Trí (18 tuổi, ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhân vật của chương trình Tiếp sức đến trường) quyết tâm phải học để là điểm tựa cho mẹ.

Tiếp sức đến trường: Học giỏi nhờ sách mượn, vở thưởng, laptop cậu tặng - Ảnh 1.

Lê Ngọc Trí làm thêm tại một quán trà sữa ở TP Thủ Đức (TP.HCM) để kiếm thu nhập trang trải cho việc học - Ảnh: NGỌC LÊ

"Hầu hết bạn bè khi biết đỗ đại học là biết sẽ đến giảng đường. Còn tôi, từ lúc đỗ đại học đến khi chính thức bước chân vào trường là một chặng đường dài hun hút, đầy khó khăn, có lúc tưởng không thể… Nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, luôn cố gắng" - tân sinh viên khoa công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tâm sự.

Mẹ bệnh tật, con côi cút

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con Trí nằm sâu trong thôn Thế Hiên ở xã thuần nông An Nghiệp. Bà Lê Thị Trang, mẹ Trí, trông già hơn tuổi 43 rất nhiều. Đầu bà cạo trọc, tay chân mình mẩy nhiều vết như ghẻ lở, dày đặc sẹo mới, cũ vì vảy nến. 

Từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Trí đã là đứa trẻ không cha. Hai mẹ con ở trong một căn nhà vách đất. Thời còn trẻ khỏe, bà Trang vừa làm thợ may quần áo tại nhà, vừa canh tác một sào ruộng, hai mẹ con cũng đắp đổi được qua ngày. 

"Nhưng năm 30 tuổi, tui bị tai biến, phải đi chữa trị ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mấy tháng mới hồi phục dần. Từ đó, đầu óc luôn như có búa bổ, đau triền miên. Tui làm thợ may không được nữa, vì mình muốn cắt vải mà đường kéo đi không trúng. Tui như kẻ tàn phế từ đấy" - bà Trang quệt nước mắt.

Người ta hay dùng câu "họa vô đơn chí" để chỉ về những hoàn cảnh xui xẻo, còn với bà Trang thì "họa" liên tục đến. Cũng năm 2009 đó, sau trận lụt lớn rồi tiếp cơn bão dữ càn qua, ngôi nhà đất của hai mẹ con Trí bị sập hoàn toàn. Nhờ khoản tài trợ 20 triệu đồng của Đài Phát thanh và truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, cộng với 9 triệu đồng của anh chị em góp cho, bà Trang xây được ngôi nhà tình thương mấy chục mét vuông, thành tổ ấm của hai mẹ con từ bấy tới giờ.

Nhiều năm qua, mỗi tháng bà Trang được Nhà nước trợ cấp 500.000 đồng, còn Trí cũng được trợ cấp 360.000 đồng. Sào ruộng duy nhất thì gởi cho một người cậu làm, mỗi mùa trả mấy bao lúa, đủ để mẹ con nấu cơm. Đó là toàn bộ nguồn sống của hai mẹ con.

Học giỏi nhờ sách mượn, vở thưởng

Tiếp sức đến trường: Học giỏi nhờ sách mượn, vở thưởng, laptop cậu tặng - Ảnh 2.

Căn nhà tình thương nhỏ bé của mẹ con Trí ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: DUY THANH

Mỗi sáng, Trí dậy sớm đi chợ, nấu nướng rồi mới đến trường. Việc nặng nhẹ trong nhà, Trí đều cáng đáng. Em hiền lành, ham học, không biết chơi bời là gì. Nhờ vậy, từ nhỏ tới lớn, Trí đều là học sinh giỏi (trừ năm lớp 7 là học sinh tiên tiến, là năm sức khỏe bà Trang yếu do phát hiện bệnh vảy nến).

Trí lớn lên và được đến trường nhờ tình thương của nhiều người. "Những khi hai mẹ con thiếu thốn, ông bà ngoại và cậu, dì luôn giúp đỡ. Nhà hộ nghèo nên tôi được miễn học phí. Đi học thêm thì thầy cô đều miễn phí. 

Sách tôi học toàn là sách mượn, còn vở thì là phần thưởng học sinh giỏi của học kỳ trước lấy học kỳ sau… Không có tình thương yêu ấy của mọi người thì không chắc tôi được học đến bây giờ" - Trí tâm sự.

Trí kể năm bạn học lớp 7 thì một người cậu được học bổng là một chiếc máy tính xách tay. Thương cháu nghèo, cậu cho Trí chiếc laptop ấy. Nhờ đó Trí làm quen với công nghệ thông tin. 

Tự tìm tòi, học hỏi, năm học lớp 10 Trí tham gia hội thi khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên với đề tài "Điều khiển hệ thống điện qua Internet"; năm lớp 11 thì làm "Hệ thống SCADA giám sát lũ" và đoạt giải ba trong kỳ thi này. 

Đó là thành tích đáng kể của một học sinh ở vùng nông thôn xa xôi. 

Chiếc laptop cậu cho ấy còn giúp Trí "làm thêm" trên mạng với việc viết nội dung web, quản trị fanpage, kiếm được vài trăm ngàn mỗi tháng trong năm học cuối bậc THPT. Giờ đây, chiếc laptop cũ ấy tiếp tục theo Trí vào giảng đường đại học.

Trí đỗ đại học với điểm số xét tuyển ba môn là 28,68 điểm. 

"Người ta đỗ đại học thì mừng, còn tôi biết đỗ lại vô cùng lo lắng, nhiều đêm không ngủ được. Hai mẹ con không có đến 1 triệu đồng, làm sao để mỗi năm có khoảng 20 triệu đồng đóng học phí, rồi còn tiền giáo trình, ở trọ, ăn uống tại TP.HCM đắt đỏ nữa. Rồi mình đi học, mẹ đau ốm vậy ở nhà một mình ra sao, những khi mưa lớn, lụt bão sẽ thế nào. Bao nhiêu câu chuyện cứ giằng xé trong tôi" - Trí tâm sự.

Nhưng Trí quyết không đầu hàng số phận. Biết anh Lê Thoại Kỳ - chủ tịch Hội Thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên - là người làm từ thiện, Trí nhắn tin nhờ giúp đỡ để có cơ hội được học đại học. 

"Anh Kỳ đã kết nối và thật may mắn, có một nhà hảo tâm tại TP.HCM đã hỗ trợ cho tôi học phí năm học đầu đại học. Tôi đã tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm, đã có cơ hội để viết những dòng đầu tiên trong hành trình mơ ước của mình, để mai này có cơ hội giúp mẹ chữa bệnh và trả ơn cuộc đời đã cưu mang, tiếp sức cho mình" - Trí thổ lộ.

Ngay những ngày đầu vào đại học, Trí đã kiếm việc làm thêm vào ban đêm, sau giờ học tập. Trí đang làm chạy bàn theo giờ cho một quán trà sữa ở TP Thủ Đức (TP.HCM), mỗi giờ được 25.000 đồng. "Đầu xuôi", nhưng để "đuôi lọt" đối với cậu sinh viên này quả không dễ dàng, nhất là các chi phí cho học tập, sinh hoạt… vẫn chưa có lời giải.

Hoàn cảnh quá đặc biệt

Cô Kiều Thị Kim Phượng, giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân, chủ nhiệm lớp 12 của Lê Ngọc Trí, nhận xét: "Trí là học sinh có hoàn cảnh quá đặc biệt, nhưng em lại ham học, học rất giỏi.

Khó khăn là thế, Trí vẫn luôn là học sinh thuộc top đầu về học lực, có đạo đức rất tốt. Trường tôi ai cũng nhủ phải tạo điều kiện hết mức để Trí tiếp tục được học tập, thầy cô giúp được em điều gì là giúp ngay.

Trí vào đại học, chúng tôi mừng, nhưng cũng chảy nước mắt khi nghĩ về những khó khăn mà em phải đối mặt vì nhà quá nghèo khó, mẹ bệnh như vậy. Mong mọi người cùng hỗ trợ để tiếp sức cho em được viết trọn ước mơ học tập của mình".

62 học bổng cho tân sinh viên Phú Yên * Phát động xóa 1.000 căn nhà tạm cho hộ nghèo

Ngày 3-12, tại TP Tuy Hòa, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường cho 62 tân sinh viên khó khăn của Phú Yên. Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng do Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tài trợ.

Đây là điểm thứ chín của chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” 2022.

Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho sinh viên.

Dịp này, tỉnh Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên và báo Tuổi Trẻ chính thức phát động và tiếp nhận đóng góp ủng hộ chương trình xóa 1.000 căn nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn từ nay đến năm 2025 với tổng kinh phí 50 tỉ đồng (dự kiến hỗ trợ 50 triệu đồng/căn).

Tiếp sức đến trường: Học giỏi nhờ sách mượn, vở thưởng, laptop cậu tặng - Ảnh 5.

Hướng dẫn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2022 của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cô nữ sinh nghèo mơ ước được khoác áo blouse trắng khám bệnh giúp người Cô nữ sinh nghèo mơ ước được khoác áo blouse trắng khám bệnh giúp người

TTO - Nguyễn Thị Cẩm Tú, cô học trò quê Cai Lậy (Tiền Giang), mơ ước được khoác chiếc áo blouse trắng khám bệnh cho mọi người nên đã nỗ lực học thật chăm. Và quả ngọt đã đến khi Tú trúng tuyển ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên