Mùa thi đại học 2018, thầy giáo Phạm Đình Được - người bạn gắn bó với học bổng Tiếp sức đến trường - dẫn chúng tôi tới căn nhà nhỏ trên đường Đỗ Thúc Tịnh (TP Đà Nẵng) để thăm người mẹ gù đơn thân làm thợ may, đang nặng trĩu âu lo vì có cô con gái sắp vào đại học.
Đứng trong ngôi nhà cấp 4, kế bên chiếc máy khâu bao năm đã đạp mòn chân để nuôi đủ hai đứa con, người mẹ ấy nhìn thầy Được như van nài: "Trăm sự nhờ thầy, tôi bệnh tật, đau yếu, đạp mòn cả chân vẫn chỉ đủ cho các cháu bữa no bữa đói...".
Nhưng một ngày giữa tháng 8 của năm 2023, chúng tôi trở lại ngôi nhà ấy và đã thấy những nụ cười tươi rói.
Cuộc sống mới của người mẹ nghèo
Ngập ngừng vài giây, bà Phạm Thị Thu Hiền - mẹ của Phạm Hòa Nhi - cô sinh viên được may mắn nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường năm 2018 - mới nhận ra chúng tôi. Bà Hiền làm mẹ đơn thân, cơ thể khuyết tật nặng với phần sống lưng gù lên hẳn khiến bà không thể đứng thẳng lưng.
Khác hẳn với nỗi âu lo, sự khắc khổ hằn hiện trên mái tóc xoăn tít và ánh mắt thâm quầng 5 năm về trước, bà Hiền giờ tươi tắn và khỏe mạnh hẳn.
"Nhớ ngày xưa khi Nhi mới vào đại học mà tui ớn lạnh, rùng mình. Lúc đó mỗi lần đi ăn bún là chỉ dám xin nước lèo, mình húp nước rồi đưa thịt bún về nhường cho con. Ai cho cái gì cũng nhận rồi chỉ biết cảm ơn, chứ giờ thì họ cho gì tôi cũng từ chối. Đổi đời rồi..." - bà Hiền kể.
Gần một năm từ khi ra trường và được nhận vào vị trí nhân viên của một công ty chuyên về cung ứng dịch vụ logistics tại Đà Nẵng, công việc đã khiến cô bé Phạm Hòa Nhi gầy nhom ngày nào như biến thành một người khác: năng động, tự tin và luôn nở nụ cười trên môi.
Nhi cười và khoe với chúng tôi rằng dù mức lương không phải quá cao nhưng mẹ con đủ sống thoải mái. Cô cũng mới sắm được một chiếc xe máy trả góp, hằng tháng biếu mẹ tiền để chi tiêu.
Hành trình vạn dặm của mẹ và con gái
Phạm Hòa Nhi đến với học bổng Tiếp sức đến trường vào mùa tiếp sức năm 2018. Lúc đó thầy giáo Phạm Đình Được - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - biết một đồng nghiệp mình có cô học trò học lực giỏi nổi tiếng ở trường chuyên, nhưng gia cảnh lại quá khổ.
Mẹ của Nhi gù lưng, bệnh tật, làm mẹ đơn thân, nuôi Nhi cùng cô con gái đầu vừa ra trường lúc đó chưa có việc làm. Gia đình cũng phải tá túc trong nhà của bà ngoại ở đường Đỗ Thúc Tịnh.
Thầy Được dẫn chúng tôi tới gian nhà ẩm thấp nằm dưới mấy bóng cây xanh. Lúc đó bà Hiền ốm quặt, da gầy khô, bà ngồi bên chiếc máy may và bảo đó là tất cả những gì mà bà có mấy chục năm qua để lấy công việc nuôi đủ no cho hai con khôn lớn.
Giữa lúc một bộ đồ mua sẵn còn rẻ hơn cả tiền đi sửa, chiếc máy của bà Hiền đạp cả ngày lẫn đêm nhưng khách sửa cũng ngày ít dần, giá tiền công trồi sụt khiến bữa cơm có lúc chẳng đủ no.
Nhi học lực giỏi, có thành tích xuất sắc và đoạt giải nhất môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 12 nên được tuyển thẳng vào đại học. Câu chuyện học lực và gia cảnh đặc biệt của cô bé đã tới được tai thầy hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) lúc đó.
Thầy giáo này kết nối trực tiếp tới Đại học Quốc tế Sài Gòn để xin cho Nhi suất học bổng miễn học phí toàn khóa cùng một khoản hỗ trợ học tập hằng tháng.
Bà Hiền nhớ lại lúc đó và kể cái tin con được tuyển thẳng và có học bổng cũng khiến mẹ con ôm nhau khóc. Nhưng chừng đó là vẫn không đủ.
"Ở thành phố đắt đỏ, con tôi lại chưa đi xa lần nào. Trong nhà lúc đó chẳng còn một thứ gì, thứ quý giá nhất là chiếc máy may nhưng kỳ thực bán cũng chẳng ai mua. Tôi bật khóc khi nghĩ mình nhìn quanh mà chẳng có gì cho con.
Lận hết túi quần, rương tủ nhưng vỏn vẹn chỉ 1 triệu đồng đưa cho con. Thương đứt ruột mà chẳng biết làm sao, phải bắt đầu từ đâu" - bà Hiền bật khóc khi nhớ lại khoảnh khắc con vào đại học.
Nhi ngồi bên mẹ và kể rằng lúc đó mẹ con thật sự hoang mang, bế tắc. Dù không phải đóng học phí nhưng khoản dằn túi chỉ 1 triệu đồng, thậm chí chỉ đủ tiền xe, trong khi vào đại học phải lo toan nhiều khoản chi cho những ngày ở trọ...
"Lúc hai mẹ con chưa biết bấu víu vào đâu thì thầy giáo Phạm Đình Được gọi điện và bảo sẽ dẫn nhà báo tới. Khi biết mình có tên trong danh sách nhận học bổng Tiếp sức đến trường, gần như tim em nghẹn lại, còn mẹ tủi thân rồi khóc" - Nhi nói.
Cô bé kể lại một kỷ niệm vui vui lúc đó: "Sau buổi trao học bổng, em ra ngân hàng rút sạch toàn bộ suất học bổng 10 triệu đồng, lúc đó mới biết chắc chắn mình sẽ lên đường vào TP.HCM học đại học".
Phạm Hòa Nhi cũng nói dù có thể không có học bổng của báo Tuổi Trẻ lúc đó, cô vẫn vay mượn đi học, nhưng chính sự giúp đỡ này đúng lúc ngặt nghèo, bế tắc nhất đã chắp thêm đôi cánh nghị lực để Nhi thực hiện ước mơ.
Những ân tình đó, Nhi nói cô sẽ nhớ mãi.
Đưa mẹ vào trường để vinh danh thủ khoa toàn khóa
Phạm Hòa Nhi học ngành thương mại quốc tế tại Đại học Quốc tế Sài Gòn. Sau 4 năm theo học, Nhi vừa tốt nghiệp loại xuất sắc toàn khóa 11 tại trường với điểm GPA 3.73/4.0, Phạm Hòa Nhi được trường làm lễ vinh danh trong lễ ra trường. Cô bé cho biết sẽ đưa mẹ vào để dự lễ quan trọng này.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận