Ngoài thời gian học trên lớp và ôn thi đại học, Minh còn tranh thủ đi trút mủ cao su thuê kiếm tiền giúp mẹ
Chia tay chồng khi con được 1 tháng tuổi, bà Dương Thị Lệ Cúc (41 tuổi) suốt 18 năm mưu sinh ngược xuôi để nuôi cậu con trai Dương Nguyễn Đăng Minh. Giờ đây, con trúng tuyển ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), bà Cúc dù mừng ít lo nhiều nhưng vẫn quyết định tiếp tục "chở" giấc mơ của con bằng xe hàng rong.
"Cứ vay rồi trả dần, chứ biết sao…"
Trong căn nhà nhỏ xập xệ với mái tôn gỉ sét ở cuối thôn Tân An, xã Ia Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), bà Cúc liên tay đảo những chiếc bánh chuối bồng bềnh trên chảo dầu sôi sục, chuẩn bị cho chuyến hàng rong mỗi chiều.
18 năm trước, sau hạnh phúc đổ vỡ, bà quyết định "đường ai nấy đi". Người mẹ đơn thân ôm đứa con còn đỏ hỏn và bắt đầu hành trình "thân cò" nuôi con.
Bà Dương Thị Lệ Cúc tất bật tay chân từ sáng sớm để chuẩn bị hàng hóa cho chuyến bán rong mỗi chiều - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Để nuôi sống hai mẹ con, bà Cúc ngày này qua tháng nọ làm thuê. Từ làm cỏ cà phê, cho đến thức đêm cạo mủ cao su, đến khi sức khỏe giảm sút, cũng là lúc bà tích góp được đồng vốn lận lưng để chuyển sang làm nghề bán hàng rong.
Từ 14h, những chiếc bánh chuối được chiên xong, bà Cúc bắt đầu sắp xếp giỏ bánh hàng rong lên chiếc xe máy cũ bạc màu. Trong giỏ bánh có những bánh chuối chiên, bánh hỏi, bánh cuốn… và chai nước chấm cho từng loại thơm phức. Giỏ bánh được buộc chặt bằng sợi cao su cắt từ ruột lốp xe cũ, bà Cúc mang món bánh quà ăn chiều cho bà con khắp làng gần, buôn xa… đến tối mịt mới về đến nhà.
Cả ngày ròng rã lấy công làm lời, xe hàng rong lưu động của bà Cúc lời khoảng 100.000 - 150.000 đồng. Số tiền ấy là tất cả, là nguồn sống của hai mẹ con và lo cho Minh ăn học trong nhiều năm nay.
Xe hàng rong của bà Cúc rảo khắp các làng trên xóm dưới để mưu sinh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Cuối tháng 8-2022, hay tin con trai đỗ đại học, chuyến xe hàng rong của người mẹ đơn thân trĩu nặng nỗi lo hơn vì còn phải gánh thêm khoản chi phí học hành. Thương con, biết mơ ước cháy bỏng của con, nên bà không thể để con dừng việc học lại.
"Minh ham học lắm, từ lớp 10 nó đã quyết tâm đi học đại học. Biết tốn nhiều chi phí nhưng tôi vẫn động viên con học giỏi rồi tính tiếp. Vừa rồi nó mừng rỡ nói con đã trúng tuyển đại học, tôi cũng rất mừng. Thương con đã nỗ lực cố gắng mới đạt được, nên dù có sao đi nữa, tôi cũng ráng cho con đi học. Bán hàng rong không đủ thì mình vay thêm rồi sau trả dần, chỉ mong cho Minh có tương lai tốt hơn", bà Cúc nói.
Vậy là ngày qua ngày, trên chiếc xe máy cũ cùng giỏ hàng rong của mình, bà Cúc băng qua những con đường đất đỏ gồ ghề, sỏi đá lởm chởm, để vào các xóm làng xa, bất chấp cơn đau của vết mổ ruột thừa chưa lành hẳn. Bà nhủ lòng phải ráng vì đã vay 20 triệu đồng để lo chi phí cho con nhập học.
Quyết tâm giành học bổng
Để mẹ bớt vất vả, Minh làm hết việc nhà từ chăm đàn vịt, vườn rau đến quét dọn nhà cửa…
Với Dương Nguyễn Đăng Minh, từ khi trúng tuyển vào đại học, em cũng lo cho công việc nhà nhiều hơn. Từ sáng sớm, cậu tân sinh viên đã tất bật tay chân giúp mẹ làm việc nhà. Vừa thấy tưới luống rau củ sau vườn, thoắt đã lom khom đổ thức ăn, thay nước cho đàn vịt. Bên rá rau xanh mởn, Minh vừa nhặt rau vừa cho hay, mỗi sáng cậu đều dậy sớm nấu cơm, tưới rau, cho vịt ăn…
Còn những ngày cuối tuần em đi làm thuê, trút mủ cao su, chăm sóc cà phê, hay đào cây ngũ sắc về ghép hoa rồi bán lại. Nhưng giờ Minh sắp đi học xa, thương mẹ vật lộn mưu sinh chẳng nề hà gió mưa mà không giúp được gì.
Trong căn phòng chật chội, cái giường và bàn học gần như chiếm trọn không gian. Minh tranh thủ dọn dẹp ít đồ dùng trước khi trở lại giảng đường. Cậu xếp những cái áo vào ba lô rồi cho hay dù công việc mệt nhọc, vẫn sắp xếp thời gian học tốt.
Ngoài thời gian ôn thi trên lớp, Minh chủ động trao đổi với bạn bè và thầy cô về những cách giải bài khó, rồi tự tìm tòi học đến đêm muộn.
"Em đã đắn đo suy nghĩ giữa chọn học nghề, đi làm thuê hay học đại học để có tương lai hơn. Nhưng rồi cũng quyết định đến giảng đường, mong có tương lai tốt để giúp mẹ nhiều hơn" - Minh kể.
Minh cho biết vừa đến Đà Nẵng nhập học được vài hôm, đã chạy khắp nơi tìm việc làm thêm để lo chi phí sinh hoạt trước mắt. Qua bạn bè cùng ký túc xá giới thiệu, Minh xin làm bán thời gian tại trung tâm tiệc cưới, dọn vệ sinh công nghiệp ở các công trình xây dựng.
Ngày lên đường nhập học, cậu tân sinh viên đã đặt mục tiêu sẽ giành học bổng, để phụ giúp phần nào khó khăn của mẹ.
"Em đã sắp xếp thời gian làm việc phù hợp để tập trung học, tìm tòi nghiên cứu thêm để đạt kết quả tốt nhất có thể. Cố gắng hoàn thành đủ tín chỉ sớm để tốt nghiệp trước hạn rồi đi làm. Vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt học tập vừa có kinh nghiệm. Em chịu khó nỗ lực giúp mẹ được chừng hay chừng đó", Minh nói.
"Hàng xóm rất quan tâm…"
Ông Đoàn Văn Sậu, trưởng thôn Tân An, cho biết hộ bà Cúc là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn của thôn, thu nhập chủ yếu nhờ vào làm vườn, nghề bán hàng rong.
"Hoàn cảnh mẹ đơn thân nuôi con ăn học của chị Cúc rất khổ cực. Tính tình của hai mẹ con lại rất tốt với bà con láng giềng nên cũng được mọi người quý mến giúp đỡ. Hàng xóm rất quan tâm đến mẹ con chị. Chính quyền sẽ giới thiệu hoàn cảnh của chị đến các đoàn từ thiện để hỗ trợ thêm", ông Sậu cho hay.
"Minh là học sinh biết nỗ lực vươn lên"
Thầy Phan Thanh Thể - giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Phan Bội Châu (xã La Chim) - cho biết Minh rất chăm chỉ, biết nỗ lực phấn đấu. Minh được nhà trường quan tâm, luôn tạo điều kiện, hỗ trợ trong những năm học THPT: từ các khoản luyện ôn thi xét tuyển đại học đến miễn giảm học phí, nhằm động viên Minh vượt qua khó khăn.
"Minh là lớp phó học tập nên rất năng nổ trong các hoạt động trường lớp. Đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học vừa làm việc phụ mẹ, nhưng em ấy nỗ lực, luôn giữ thành tích tốt" - thầy Thể nhận xét.
Hành trình 20 mùa học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận