Giở nắp nồi cơm, chị Vân bới hai chén cơm đặt cạnh đĩa bí đỏ luộc và chén muối tiêu. Đó là bữa cơm nghèo nhưng ấm áp yêu thương mà chị Vân đãi vội con trai lên Sài Gòn nhập học.
Mẹ góa ấy là chị Lê Thị Thu Vân ở trọ phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên - An Giang) và người con mồ côi cha, kém may mắn về ngoại hình nhưng có "biệt tài" nhớ dai, học giỏi được tuyển thẳng vào nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM Phạm Lê Quốc Khánh (Khánh hàm ếch) với 3 môn thi xét tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học 28.05 điểm.
Chị Vân kể, Khánh dị tật bẩm sinh (sứt môi hở hàm ếch), luôn èo uột và yếu ớt. Sáu tháng tuổi, em trải qua cuộc phẫu thuật vá môi và năm 2 tuổi lại tiếp tục mổ ghép hàm. "Đợt mổ đó, Khánh bị nhiễm trùng hô hấp nên bị di chứng viêm VA mãn tính cho đến giờ. Em sức khỏe yếu, dễ bị bệnh lắm", chị Vân buồn rầu kể.
Ngày mưa ở xóm trọ ngụ cư của người lao động nghèo thuộc phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, An Giang), gió cứ thổi xà quần. Trong phòng trọ, Khánh mặc áo ấm rất kỹ. Áo to, vóc người cao nên em trông khá gầy.
Ít nói, ít cười nhưng khi trao đổi về việc học, Khánh rất hồ hởi: "Sức khỏe em kém nên hằng ngày em chỉ hái rau, xếp đồ, dọn nhà phụ mẹ. Em nghĩ mình cần phải chăm chỉ học và học thật giỏi để mẹ vui lòng".
Năm 2016, Khánh trải qua một biến cố lớn trong đời là ba em đột quỵ rồi qua đời. Thương mẹ tảo tần khuya sớm, Khánh nỗ lực học và chẳng bao giờ chểnh mảng.
"Ba mất, mẹ em cực gấp ngàn lần. Không để mẹ buồn lòng, ở trường em cố gắng chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Về nhà hay theo mẹ đến cơ quan, em cũng luôn tranh thủ ôn bài và giải bài tập. Hết bài tập em xin thầy cô cho thêm để học", Khánh nói.
"Khánh là học sinh ngoan. Em ấy siêng học, nhớ dai và tính toán rất giỏi. Các bạn trong lớp ai cũng ngưỡng mộ Khánh. Lớp 11, Khánh đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật Lý. Cuối năm 12 em thi đạt thủ khoa khối A01 với tổng điểm 28.05 và được tuyển thẳng vào đại học", thầy Nguyễn Thái Hậu - Trường Chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên - An Giang) tự hào chia sẻ về thành tích đáng nể mà Khánh đạt được.
"Hôm thầy Hậu báo tin Khánh đậu đại học, tôi mừng mừng tủi tủi. Đêm đó tôi thao thức mãi. Tôi mừng vì con đậu được ngành con thích. Lo vì Khánh chưa từng đi xa và tôi cũng không tiền cho con đi học", chị Vân vừa nói vừa lau nước mắt.
Là cán bộ đang công tác tại Bộ phận Phát hành báo chí trực thuộc Bưu điện tỉnh An Giang, chị Vân lãnh khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng số tiền đó chỉ vừa đủ để đóng trọ và lo cho con ăn học.
"Cha Khánh mất sớm, mình tôi bươn chải. 6 triệu đồng mỗi tháng tôi dè sẻn lắm cũng chỉ đủ để lo hai bữa no cho con học. Giờ Khánh vào đại học, tôi phải tìm cách gỡ khó. Giá nào tôi cũng cho con đi học để nó có nghề nuôi thân", chị Vân khẳng định.
Tìm cách nào thì chị Vân chia sẻ là đã xin cơ quan cho chị nghỉ hưu non (chị còn gần 2 năm nữa mới đến tuổi hưu trí) để có ít tiền trợ cấp lo cho Khánh đến trường. "65 triệu đồng này, năm đầu tôi đóng tiền trường hơn 11 triệu đồng. Số còn lại tôi để dành đó đóng tiền trường cho con ở những năm học tiếp theo", chị Vân tính toán.
Còn tiền ăn hàng tháng của Khánh, chị Vân cũng đã xin làm cộng tác thêm ở Bưu điện Long Xuyên (An Giang) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chị phải thức lúc 3h, đi làm tới chiều tối mịt mới về nhà. Đêm về chị chợp mắt ngủ được ít tiếng.
Giấu đi nỗi buồn, chị Vân tâm sự: "Mình sao cũng được, chỉ tội con ăn kham khổ theo mình. Giờ thú thật tôi tiết kiệm được đồng nào tôi mừng đồng đó".
"Lên Sài Gòn học xa mẹ, em cũng lo lắm, nhưng em vẫn phải đi vì đó là ước mơ của mình. Em sẽ cố gắng học để trở thành một lập trình viên giỏi. Sau này, có việc làm em sẽ lo cho mẹ, cho em em và giúp đỡ những em kém may mắn như em bây giờ", Khánh vừa nói.
Ngày Lê Thị Hoài được mẹ chở trên xe đi đăng ký nhập học tại Đại học Đồng Tháp, cả xóm làm thuê nghèo ấp Phú Thạnh B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa khâm phục, vừa mừng cho em. Cô bé có đôi chân tật nguyền, ngày nào còn đi nhờ trên những chiếc xe hàng rong đến lớp, nay đã trở thành cô tân sinh viên ngành kế toán.
Gia đình Hoài có 5 người thì 3 người tật nguyền và già cả. Cả hai chị em của Hoài đều dị tật chân, tay, bước đi yếu ớt và khó khăn, còn mắc bệnh tim. Còn bà nội của Hoài nay cũng đã gần 90 tuổi, kinh tế gia đình chỉ còn cha và mẹ Hoài gồng gánh, mà nặng nhất là tiền thuốc men. "Thường khi tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn", chị Đặng Thị Tuyết (39 tuổi) mẹ Hoài cho biết.
Chị Tuyết luôn day dứt vì đã không cho hai cô con gái cơ thể lành lặn. Lúc trò chuyện, chị cứ cố nén giọt nước mắt chực rơi. Chị kể ban đầu khi biết cả hai con đều tật nguyền, chị buồn tủi và trách cứ số phận "sao lại là mình", nhưng rồi sao đó bao nhiêu oán trách chị chuyển thành sức mạnh, nghị lực để có thể chở che, mang đến cho các con cuộc sống đủ đầy nhất có thể: "Làm thuê làm mướn, ai kêu gì cũng mần, miễn có việc mần để có đồng ra đồng vô là không nề hà gì hết".
Ngày con còn nhỏ, chị lo cơm no, áo ấm, sắp đến ngày cắp sách đến trường, chị Tuyết năn nỉ một thầy dạy chữ trong xóm để dạy kèm cho hai con. Chẳng có tiền dư, chị chỉ có ít gạo, vài con cá bắt dưới kênh để trả công. Vậy rồi Hoài cùng em gái đều được đến lớp, viết những con chữ nắn nót từ đôi tay không lành lặn. Cuối năm, thấy kết quả học tập của Hoài chẳng kém bạn bè, cả gia đình đều vui. Trong căn nhà thường tối tăm ấy dường như sáng hơn khi có góc học tập nhỏ của hai chị em và tiếng ê a học bài.
"Tui với ổng đều ít học, mơ ước sao cho con được học tới nơi tới chốn. Mà gặp cảnh nghèo, con tật nguyền lại hay bệnh đau. Cứ tưởng ước mơ ấy chỉ là mơ ước, nhưng cả nhà cứ động viên nhau, con thì ráng học, cha mẹ thì ráng mần, đắp đổi vậy rồi cũng chờ được đến ngày Hoài đậu đại học. Mừng dữ lắm", chị Tuyết chia sẻ.
Hoài luôn tìm những niềm vui nhỏ trong cuộc sống để luôn cảm thấy vui tươi và yêu đời. Em cảm thấy biết ơn khi được cô giáo cấp 2 cho tá túc buổi trưa những ngày học cả sáng lẫn chiều. Em vẫn hay cười với chú bảo vệ trong trường ưu tiên cho em một chỗ đậu xe thuận tiện, hay những lúc được cho đi nhờ trên xe hàng rong, em sẽ kể cho cô bán hàng nghe một ngày học thú vị trên lớp. "Nếu mãi tủi thân cũng chẳng giúp em và gia đình, mà chỉ làm người thân thêm nặng lòng", Hoài chia sẻ.
Hành trình đi tìm con chữ của Hoài ngoài sự hy sinh của cha mẹ còn có cả nỗ lực không biết mệt mỏi của em. Được mẹ đưa rước 3 năm học cấp I, đến khi sang năm lớp 4, Hoài xin mẹ tự đi đến trường. Nhà cách trường chỉ hơn 1km nhưng đứa trẻ chân yếu ớt, bước đi chậm chạp đầy nhọc nhằn. Bất kể nắng mưa Hoài cũng cần mẫn đi học. Thấy vậy nhiều người vừa thương vừa tội, thế là cứ vài bữa Hoài lại được các cô đẩy hàng rong cho đi nhờ đến trường.
Hoài ít nói nhưng lẳng lặng làm những việc khiến nhiều người bất ngờ. Mùa hè năm lớp 5, em lén tập xe đạp để khi sang học cấp 2, trường xa nhà 7 km em có thể tự đến trường, khỏi nhọc công cha mẹ đưa rước. Chẳng biết đã té ngã bao lần, chỉ biết một buổi chiều muộn khi cha mẹ đi làm về đã thấy Hoài trên chiếc xe đạp trẻ con nhỏ xíu, chạy bon bon, còn người nhễ nhại mồ hôi và bùn đất.
Biết chạy xe đạp là một chuyện, chạy xe đến trường là một chuyện khác. Vì đôi chân không có sức, lại ngắn, em không thể tránh những tai nạn bất ngờ: "Em cũng không nhớ là mình đã té nhào bao nhiêu lần. Chỉ nhớ lần nặng nhất là né một chú say rượu lấn đường, em nhào đầu vô ghế đá. Sưng một cục nhưng không dám kể cho nhà biết, chỉ lén lấy dầu xức".
Bằng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, tinh thần lạc quan của bản thân, Hoài có thành tích học tập khá tốt, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến của lớp. Hoài trúng tuyển ngành kế toán Trường Đại học Đồng Tháp thông qua hình thức xét học bạ. Hay tin con đậu đại học, bố mẹ em rất đỗi vui mừng, rồi lo, vì nhà chẳng có tiền cho con nhập học. Bà nội Hoài dúi vào tay đứa cháu toàn bộ số tiền dưỡng già, làm cả gia đình bất ngờ lẫn cảm động.
"Tháng nào tui cũng có tiền trợ cấp người già. Nếu không bệnh thì tui dư được 200.000 đồng, còn tháng nào thuốc men nhiều thì còn hơn một trăm, ráng nhín nhút để phụ giúp con cháu. Thân già này chỉ mong hai đứa cháu được học hành tới nơi tới chồn là tui mãn nguyện lắm", bà Phan Thị Láng, bà nội Hoài, chia sẻ.
Số tiền hơn 2 triệu của bà nội Hoài chẳng thấm vào đâu với chi phí sắm sửa, học phí đầu năm học, nhưng Hoài vẫn đi nhập học. Đến khi đóng học phí, Hoài xin thiếu và đóng dần hàng tháng. Bất ngờ là nhà trường đã đồng ý, thấy vậy mẹ nhanh chóng trở về nhà để tiếp tục tìm việc làm thuê làm mướn hy vọng có được ít tiền gửi lên cho con.
"Chỉ mong bản thân đừng bệnh đau để tiếp tục làm nuôi con ăn học. Không mong con có việc làm rồi phụ giúp gì mình, chỉ mong nó tự lo được cho bản thân và tiếp tục là hy vọng để em nó noi theo", chị Tuyết cười bảo.
Đường đến trường với muôn nghìn lần vấp ngã và dẫu có đớn đau đến mấy thì cô vẫn đứng phắt dậy, nhanh chân chạy về phía trước. Nhờ đó, giờ đây cô đang chuẩn bị cho hành trình đi qua cột mốc khác của cuộc đời - trở thành một tân sinh viên.
Cô là Bùi Tứ Kỳ, ngụ tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh. Với cô gái tuổi 19 này, việc đứng vững trên hành trình ấy bằng đôi mắt "mù đục" là điều không dễ dàng.
Kỳ được sinh ra với một cơ thể đủ đầy, nhưng không quá toàn vẹn. Từ nhỏ, mắt phải cô đã đục ngầu, mất hoàn toàn thị lực. May mắn, mắt trái dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn nhìn thấy được chút ít ánh sáng. Cô chưa từng một lần thấy mặt cha. Gia đình càng lúc càng nghèo, mẹ cô đành cắn răng xa con lên TP.HCM trọ sống. Bà không thể đưa Kỳ theo cùng với cuộc sống nay đây mai đó, và cũng vì cô cần được đến lớp.
Năm lên 9 tuổi, Kỳ bắt đầu cuộc sống mới ở Trung tâm. Nơi đây, Kỳ có thầy cô, bạn bè… Nhưng khi buồn, sẽ rất khó để cô gặp được mẹ. Giờ đây, khi người mẹ đã có gia đình mới, sinh thêm cho Kỳ hai người em thì việc gặp gỡ lại càng khó hơn.
Kỳ nói cô rất ghét mưa, bởi khi mưa cô thường nhớ mẹ. Nước mắt cô cứ tuôn trào khi nhắc về mẹ, về tháng ngày được bám chân mẹ len lỏi băng qua những cánh rừng cao su mịt mù để bán được tờ vé số. "Nhiều lần nhớ mẹ, em muốn gọi nhưng lần thì điện thoại hết tiền, lần mẹ bận, lần vì sợ mẹ buồn…" - cô nói, đưa tay quệt nước mắt.
Ngoài những buổi đến trường, Kỳ vẫn thường phụ giúp thầy cô quét dọn, chăm các em ở trung tâm. Những lần "trợ giảng" ngắn ngủi ấy vô hình khơi lên trong cô giấc mơ đổi đời bằng sự học. Kỳ thừa nhận bản thân rất ham học. Dù bác sĩ khuyên can không đọc sách vào ban đêm vì dễ ảnh hưởng tới mắt, cô vẫn lén đọc. Chính cô động viên bản thân phải lao vào học tập để những người kỳ vọng cô yên lòng.
Đầu lớp 10, Kỳ được nhiều thầy cô cho đi học thêm miễn phí. Ngày cô đến trường, tối lại lọ mọ đạp xe đến lớp học thêm. Khoảng cách từ nhà đến lớp học thêm không quá xa, nhưng mặt đường thời đó có nhiều đoạn lõm chõm, khó đi. Mắt Kỳ rất khó nhìn đường, nhất là vào ban đêm. Cô chẳng nhớ nổi số lần mình ngã sõng soài vô hố bùn, hay lao thẳng xuống mương lúc nào chẳng hay.
Dù rất thích, nhưng sau vài tháng, Kỳ đã tìm gặp giáo viên và xin được nghỉ học. Kỳ kể có giáo viên còn giận vì tưởng cô nhác học, cho đến khi họ nghe được tâm sự thì chuyện mới vỡ lẽ.
Kỳ có một nguyên tắc: không bao giờ khóc khi đối diện với mẹ, và khi ngã. Cô sợ rằng khóc trước mặt mẹ sẽ chỉ làm bà thêm nặng lòng. Còn khi ngã, Kỳ bảo vì đã quen với việc chịu đau, chịu bẩn nên chuyện cũng thành thường. Dù đau nhường nào, cô chỉ đếm đến ba rồi vùng mình đứng dậy, phủi bùn đi tiếp.
Không tới lớp học thêm, mỗi ngày, cô tự học đến 12h đêm, có hôm đến 2h, 3h sáng. "Có hôm học khuya, mắt em dưng mờ đi. Sợ quá, em liền gấp sách vở lên giường nằm. Nhưng nằm được một lúc, thấy mắt rõ lại nên cũng trở lại bàn" - Kỳ nói.
Vào tháng này năm ngoái, cô từng đạt một huy chương vàng ở bộ môn cờ vua tại một giải đấu do Thư viện Sách nói tổ chức. Giờ Kỳ tiếp tục chạm tay vào ngưỡng cửa cuộc đời khi sắp sửa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - món quà cô muốn gửi đến mẹ, đến tất cả mọi người: Tứ Kỳ sẽ không gục ngã.
Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Học viện Quản lý giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục) cũng đã gửi giấy báo trúng tuyển đến cho Kỳ.
Ngồi trước hiên nhà ngắm cơn mưa tầm tã của Tây Ninh cuối tháng 8, Kỳ nói rằng cuộc đời ai cũng có những biến cố. Kỳ biết, cách duy nhất để đi qua biến cố là không gục ngã. Nhưng cũng có lúc Kỳ sợ. Cô sợ lắm một ngày bản thân sẽ không còn được may mắn như bây giờ, sợ cuộc đời cướp luôn đi chút ánh sáng cuối cùng. Nhưng dù có ngã trăm ngàn lần đi nữa, Kỳ vẫn tin rằng cô đủ sức và ý chí để đứng dậy, bởi sau cơn mưa ắt trời phải sáng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận