09/08/2019 09:56 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Chàng trai 'đi' vào đại học bằng đôi chân của mẹ

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - 12 năm, cậu học trò Lê Tấn Đạt (xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) đến trường bằng đôi chân của mẹ. Chính tình thương và nghị lực đã giúp hai mẹ con dìu dắt nhau qua bao ngày mưa nắng.

Tiếp sức đến trường: Chàng trai đi vào đại học bằng đôi chân của mẹ - Ảnh 1.

Hành trang của hai mẹ con Đạt đến giảng đường đại học chính là nghị lực và niềm tin vào ngày mai - Ảnh: NGỌC TÀI

Mọi người khuyên em nghỉ học vì người lành lặn đi học còn thất nghiệp, huống chi em bị tật nguyền. Em thì nghĩ nếu ở nhà chỉ có thể lao động chân tay, mà không ai lại thuê người mất khả năng lao động đến 81%. Có tri thức, em tin mình sẽ có cơ hội tìm được việc đến 50%.

Lê Tấn Đạt

Đạt tin chỉ khi mình có công việc ổn định mới lo được cho cha mẹ, còn bậc sinh thành mong rằng lúc "nhắm mắt xuôi tay" sẽ không phải đau đáu về đứa con chịu nhiều thiệt thòi nữa.

Số mệnh trớ trêu

Sinh non, lại bị di chứng bại não, cậu trò nhỏ mất khả năng lao động đến 81%. Mỗi bước đi của em dặt dẹo, chậm chạp, đến bàn tay cầm bút cũng khó hơn bạn bè. Thay vì mặc cảm, buồn cho số phận, Đạt chọn cách đối diện với nụ cười và tinh thần lạc quan nhất.

"Buồn chẳng thay đổi được gì, chỉ làm cha mẹ thêm lo lắng" - em giải thích. Những người thường tiếp xúc với Đạt cho biết chính cậu đã truyền cho họ nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống. Trong giai đoạn này khi hay tin trúng tuyển đại học, Đạt lại là người lạc quan nhất nhà.

Có lẽ sự lạc quan của em tiếp thêm nghị lực cho người mẹ tảo tần của mình - bà Lê Thị Gấm (43 tuổi). Ngày sinh Đạt, bà Gấm chỉ mới 25 tuổi. Hàng xóm tặc lưỡi, khuyên hai vợ chồng trẻ nên sinh thêm đứa nữa để lúc về già trông cậy vào đứa con khỏe mạnh chăm sóc, chứ Đạt thì... Song mỗi lần nhìn con, bà Gấm chẳng thể nghĩ cho bản thân.

"Thêm đứa nữa Đạt sẽ thiệt thòi hơn, có thể phải nghỉ học. Vợ chồng tôi muốn dành hết tình cảm cho Đạt, dù phải cõng con đến cuối đời tôi cũng thấy mãn nguyện" - mắt đỏ hoe, bà Gấm nhớ lại.

Bao năm qua, bà Gấm cùng chồng phân chia nhau chăm lo cho đứa con duy nhất. Người mẹ đảm nhận việc đưa đón con đi học mỗi ngày, tranh thủ thời gian trống may gia công, làm thuê làm mướn. Còn cha Đạt tiếp tục làm công nhân may, tiền lương đắp đổi cho 3 miệng ăn qua ngày khi gia đình chẳng có tấc đất cắm dùi.

12 năm, dù ngày nắng hay ngày mưa, bà Gấm đều cõng Đạt đến lớp. Ba năm THPT, quãng đường từ nhà đến trường khá xa, Đạt bắt đầu lớn bằng mẹ, sức người phụ nữ cũng yếu dần nên việc cõng con trở nên vất vả hơn.

Thấy vậy, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt vận động nhà hảo tâm giúp Đạt chiếc xe lăn. Mỗi khi bà Gấm chở Đạt đến lớp, bạn bè hoặc thầy cô sẽ ra đỡ em, giúp đưa lên xe lăn. Giờ ra chơi, thấy Đạt một mình trong lớp, bạn bè lại đưa em ra sân để vui với mọi người, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học.

Cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, nhận xét tính cách nổi bật nhất ở Đạt là lạc quan, yêu đời. Vì thế, trong tâm trí thầy cô, bạn bè khi nhớ về cậu học trò dễ mến là hình ảnh hai mẹ con vui vẻ đến lớp hay lúc em nô đùa cùng bạn bè.

"Đạt nỗ lực rất nhiều trong học tập nên việc đậu đại học sẽ mở ra cơ hội mới cho em. Có lẽ cuộc đời không lấy đi của ai tất cả" - cô Phương chia sẻ.

Không lùi bước

Trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin Trường đại học Công nghiệp TP.HCM hình thức xét tuyển học bạ, Đạt bảo mình chọn ngành này vì phù hợp với sức khỏe và định hướng việc làm về sau.

Hành trang của hai mẹ con đã sẵn sàng, duy chỉ có chi phí là phải vay mượn khắp nơi. Tiền sinh hoạt phí hằng tháng ngoài tiền lương của cha Đạt thì hai mẹ con chỉ biết "đến đâu tính đến đó".

Bà Gấm dự định ngoài thời gian đưa Đạt đến giảng đường, bà sẽ kiếm việc làm thêm. Buổi tối có thể nhận quần áo về sửa. Hai mẹ con đều ý thức rằng chặng đường phía trước sẽ gian nan lắm nhưng không khó khăn nào làm họ lùi bước, như cách mà họ đã "sống chung" với định mệnh bao nhiêu năm nay.

Tấm lòng những người bạn quý

Đạt chia sẻ nếu tình thương của cha mẹ là điều quý báu nhất của em suốt cuộc đời thì bạn bè ở ngôi trường cấp III càng giúp em thêm lạc quan và vững tin.

"Ba năm THPT, em biết bạn bè, thầy cô đều rất cực khi có em trong lớp. Các bạn không nề hà hay khó chịu gì khi giúp đẩy em đến phòng vệ sinh, mua thức ăn cho em mỗi buổi trưa. Lẽ ra các bạn có thể về sớm hơn, dành thêm thời gian ôn bài nhưng các bạn vẫn nhẫn nại ngày này qua tháng khác. Em thương và nhớ ơn các bạn lắm" - Đạt tâm sự.

Tiếp sức đến trường: Chàng trai đi vào đại học bằng đôi chân của mẹ - Ảnh 4.

2019 cùng

Tiếp sức đến trường: Đến giảng đường ở tuổi 22

TTO - Ngày 3-8-2019, chỉ mới ba hôm trước, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho các sinh viên khóa 2015-2019. Thủ khoa tốt nghiệp của trường là một cử nhân của khoa kinh tế đối ngoại.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên