Ông Lê Quốc Phong (hàng đầu bên trái), chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, trao lại ngọn đuốc hành trình tiếp sức đến trường cho các thế hệ tân sinh viên từng nhận học bổng - Ảnh: TẤN LỰC
Quảng Trị được xem là nơi nhóm lửa đầu tiên cho chương trình học bổng này.
Qua 16 năm, ngọn lửa yêu thương ấy đã lan tỏa khắp miền đất nước tiếp sức cho hàng ngàn tân sinh viên vượt qua khó khăn, thực hiện giấc mơ của mình.
Vẫn bạn trẻ nghị lực...
Nguyễn Thị Phương là tân sinh viên khoa báo chí ĐH Khoa học Huế. Câu chuyện về Phương là câu chuyện mở đầu cho một đêm ấm áp và yêu thương trong hội trường Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Quảng Trị.
Trước khi nhận được suất học bổng này, Phương đã phải cùng mẹ quần quật dưới cái nắng rát bỏng của một cơ sở đúc bờ lô (gạch ximăng) ở ven sông Hiếu suốt mùa hè.
Nhà Phương ở một góc nhỏ tại khu phố Tây Trì, thuộc TP Đông Hà. Nhà đông anh em nhưng nghèo khó, những anh chị của Phương đã phải lần lượt nghỉ học.
Mấy năm trước, bố Phương bất ngờ bị tai biến. Ông bị liệt nửa người, phải ngồi một chỗ. Mọi gánh nặng đều dồn lên vai bà Lê Thị Cam, mẹ của Phương. Thương mẹ, Phương phải ghé vai vào gánh cùng để đủ tiền đến trường.
Chông gai trong chuỗi ngày đi học của Phương không đơn thuần chỉ chừng đó. Đây cũng chính là điều khiến những người có mặt trong buổi trao học bổng cảm phục và xúc động với Phương nhất. Phương không được lành lặn như những tân sinh viên khác.
Bị dị tật hở hàm ếch, để có thể giao tiếp như bây giờ Phương phải đánh đổi bằng ba lần phẫu thuật và bốn năm trời chờ đợi. Bằng tuổi Phương nhiều bạn đã học xong ĐH ra trường.
Mang dị tật, quá tuổi, nhà thuộc diện hộ nghèo, Phương có quá nhiều lý do để gục ngã trước số phận nhưng đã đứng dậy để tiếp tục giấc mơ của mình.
Để có đủ tiền lo cho người chồng mấy năm nay phải ngồi một chỗ và con đi học, mẹ Phương đã không được quyền từ chối bất cứ công việc nào kể cả những việc nặng nhọc, và một cô gái mang nghị lực lớn như Phương cũng không thể ngồi yên.
Bà Cam kể: từ ngày còn học phổ thông, Phương đã ý thức được sự vất vả của mẹ. Trừ khi đi học, cứ nghỉ ngày nào là Phương xin đi bốc bờ lô, 1.000 viên được trả 45.000 đồng.
"Mấy hôm rồi chuẩn bị nhập trường, mẹ tôi phải loay hoay đi xin ứng trước tiền công rồi tính sau này trừ công bù lại để tôi có đủ tiền đến trường. Học bổng này đỡ đi một gánh nặng vô cùng lớn cho mẹ" - Phương nói.
Có nhiều điều đã đổi thay nhưng vẫn có những điều không thay đổi. Đó là thông điệp “Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ”; là tấm lòng tràn đầy tin yêu của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi gắm cho tân sinh viên.
Ông LÊ THẾ CHỮ
Được tiếp lửa dù khó khăn đến mấy
Ngọn lửa yêu thương mà những người làm học bổng nhen nhóm đã không ngừng lan tỏa. Trong đêm trao học bổng, ngọn lửa ấy lại được chính những bạn sinh viên đã từng nhận học bổng này thổi bùng lên, với hai suất học bổng đặc biệt từ chị Đào Thị Hằng và anh Lê Minh Hiếu gửi tặng.
Cả chị Hằng và anh Hiếu đều từng là tân sinh viên khó khăn và được chính học bổng tiếp sức.
Cả hội trường lặng đi khi nghe ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ những cảm xúc của những người làm học bổng.
Ông Chữ nói: "16 năm qua đã có quá nhiều biến động và đổi thay. Từ chỗ mỗi suất học bổng chỉ 2,5 triệu đồng nay đã lên tới 10 triệu đồng và 15 triệu đồng cho mỗi suất đặc biệt.
Từ chỗ chỉ có vài trăm sinh viên trong cả nước nay đã có hơn 1.500 sinh viên nhận học bổng mỗi năm. Từ chỗ chỉ thực hiện chương trình trong vài tỉnh thành nay số sinh viên nhận học bổng trên cả 63 tỉnh thành trong cả nước.
Có nhiều điều đã đổi thay nhưng vẫn có những điều không thay đổi. Đó là tấm lòng tràn đầy tin yêu của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các bạn đọc đã thông qua báo Tuổi Trẻ để gửi gắm cho các tân sinh viên những suất học bổng mang tên Tiếp sức đến trường".
Có một điều không thay đổi nữa là thông điệp "Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ".
"Ngay cả những khoảng thời gian Tuổi Trẻ khó khăn nhất thì những người làm báo Tuổi Trẻ vẫn làm chiếc cầu nối thân thiết nối những tấm lòng yêu thương đặt vào tay những tân sinh viên nghèo khó, thắp lên hi vọng và nối dài ước mơ" - ông Chữ phát biểu.
Ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị, một trong những người con đầu tiên của Quảng Trị đã thắp lửa "Tiếp sức đến trường" và góp tay giữ ngọn lửa ấy lan tỏa suốt chiều dài hành trình 16 năm qua nên hiểu rõ những khó khăn mà tân sinh viên nghèo của mảnh đất này đang phải đối mặt.
Ông nói: "Tôi và các anh em trong Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị đã thắp lên ngọn lửa đó. Mong rằng ngọn lửa của các tân sinh viên sẽ luôn rực cháy, vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ của mình.
Ghi nhận sự đóng góp của báo Tuổi Trẻ và Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua chương trình Tiếp sức đến trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định tặng bằng khen của tỉnh cho báo Tuổi Trẻ và ông Lê Quốc Phong.
Thêm 50 tân sinh viên được tiếp sức
Em Mai Thị Hiền Cẩm (trái) kể lại câu chuyện đời khốn khó của mình tại lễ trao học bổng - Ảnh: T.LỰC
Khi xét hồ sơ xin học bổng của các tân sinh viên gửi đến, số lượng học bổng chỉ giới hạn trong 145 suất. Đồng nghĩa với việc rất nhiều hồ sơ khác buộc phải... bị loại.
Ngay khi thông tin này được báo Tuổi Trẻ cập nhật lên mạng xã hội, Quỹ Thiện Tâm đã ngay lập tức đề nghị được góp thêm 350 triệu đồng nữa cho chương trình. Ban tổ chức đã quyết định dùng số tiền này trao thêm 50 suất học bổng nữa vào ngày 1-9. Mỗi suất có trị giá 7 triệu đồng.
Xúc động trước câu chuyện của Phương và Mai Thị Hiền Cẩm, tân sinh viên ĐH Y dược Huế trong câu chuyện "cõng" mẹ lên giảng đường (Tuổi Trẻ ngày 25-8), ông Nguyễn Thường Đức, chủ tịch HĐQT Công ty Kim loại quý Sài Gòn Quốc tế đã quyết định tặng cho hai em hai phần quà đặc biệt, đó là mỗi năm công ty này sẽ tài trợ cho mỗi em 12 triệu đồng cho đến khi ra trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận