Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - phó Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cùng PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao quà cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Điểm tựa của bác sĩ Thuận
Xuất hiện giữa các tân sinh viên cùng với cha, cậu bé học trò nghèo Võ Văn Thuận nay đã là một bác sĩ chững chạc đang công tác tại khoa nội tổng quát Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM). 7 năm trước Thuận từ quê nhà Vĩnh Thuận (Kiên Giang) lên dự thi vào Đại học Y dược TP.HCM. Lúc Thuận nhập học, cha anh chỉ mượn được 3 triệu đồng gửi lên cho con trai, không đủ học phí đợt đầu. Năm đó, suất học bổng Tiếp sức đến trường đến với Thuận như một chiếc phao trợ sức đúng lúc. "Học bổng đến với tôi rất tình cờ. Để rồi từ đó có nhiều cơ hội mà tôi không tưởng tượng được. Sau khi xuất hiện ở chương trình Tiếp sức đến trường, tôi đã nhận được sự hỗ trợ của giáo sư Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) trong suốt quá trình học đại học, không chỉ là vật chất mà còn sự chia sẻ, lời khuyên", Thuận chia sẻ.
Câu chuyện của Thuận chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện kỳ diệu của các sinh viên vượt khó để chạm tay đến ước mơ và đã thành công.
Ân tình mùa Covid-19
"Bệnh dịch, thiên tai đã gây khó khăn cho người dân trong nước. Doanh nghiệp làm ăn ngưng trệ, thu nhập của mọi người đều giảm sút nặng nề. Các nhà hảo tâm của Tiếp sức đến trường cũng gặp khó khăn như thế. Chúng tôi lo rằng cuộc "tiếp sức" năm nay sẽ phải điều chỉnh nhiều" - đó là lời giãi bày của ông Đinh Minh Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tại lễ trao học bổng.
Ông cũng cho biết thêm rằng trong khi nguồn kinh phí dường như eo hẹp hơn thì số lượng sinh viên khó khăn cần tiếp sức lại tăng nhiều hơn so với mọi năm. Ông Vũ Duy Hải - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Vinacam, đơn vị đã đồng hành với hành trình 18 năm của học bổng Tiếp sức đến trường - chia sẻ rằng suất học bổng nhỏ bé cũng "như một miếng cơm khi đói" giữa một năm Covid-19 nhiều khó khăn. Ông mong muốn các em phấn đấu "đừng bao giờ bỏ cuộc dù khó khăn còn nhiều lắm, cứ bước đi rồi sẽ thành công".
Những ân tình đó đã được trao cho 325 tân sinh viên, trong đó có cô tân sinh viên nghèo Nguyễn Phạm Tường Vy (Trường cao đẳng Công thương VN). Khi mẹ của Vy - một người mẹ tật nguyền ở quận 6 - xuất hiện trên sân khấu, Vy đã rơi nước mắt nắm chặt tay mẹ. Vy từng có cha, đôi chân của mẹ cô vốn chẳng tật nguyền như bây giờ. Nhưng một vụ tai nạn đã khiến cô mãi mồ côi cha, đôi chân của bà Hoa, mẹ cô, cũng liệt hẳn từ đó. Vậy mà mỗi ngày, bà Hoa vẫn gắng hết sức bình sinh, rướn mình đẩy chiếc xe lăn để bán từng tấm vé số nuôi con ăn học. Thế nên dẫu nghèo khó, thiếu thốn trăm bề, những hi sinh của mẹ đã thôi thúc Vy học tập không ngưng nghỉ. Ngày nhận thông báo mình sẽ được trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, Vy nói cả mình lẫn mẹ đều vui lắm. "Với suất học bổng lần này, em tin mình sẽ vượt qua tất cả" - Vy chia sẻ.
Vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo để đặt chân vào cánh cửa đại học, 325 gương mặt tân sinh viên có mặt tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tối 30-12 đã được tiếp thêm niềm tin để bước vào giảng đường đại học...
Hơn 11,5 tỉ đồng tiếp sức cho tân sinh viên
Lễ trao học bổng cho 325 tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM lần này là đợt trao cuối của chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2020, thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Riêng năm 2020, đã có đến 1.051 tân sinh viên nghèo các trường đại học, cao đẳng khắp cả nước được tiếp sức, tổng kinh phí chương trình hơn 11,5 tỉ đồng.
Sau 18 năm thực hiện, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ cho 20.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 146,5 tỉ đồng. Nhiều năm qua, học bổng được sự đóng góp, ủng hộ của quỹ "Đồng hành nhà nông", Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, CLB "Nghĩa tình Quảng Trị", CLB "Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế", CLB "Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng", CLB "Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM", Hội doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty cổ phần Vinacam, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty Nestle Việt Nam, Agribank Lý Thường Kiệt (TP.HCM), cùng các doanh nghiệp, nhà tài trợ và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
CÔNG TRIỆU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận