Đại diện Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tặng quà cho bé Hà Vy - Ảnh: TRANG NHUNG
12 năm trước, ở tuổi 27, trung úy Nguyễn Xuân Long, công tác tại tiểu đoàn huấn luyện cơ động (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh), bất ngờ ra đi ngay trong chuyến công tác.
Cuộc sống quá khó khăn, nhiều em phải từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. “Tiếp lửa yêu thương” giúp các em không dang dở đường học.
Thiếu tá PHẠM TRANG NHUNG
Ước mơ của Hà Vy
Lúc đó, con gái đầu lòng và cũng là giọt máu duy nhất anh để lại - bé Nguyễn Hà Vy mới 4 tháng tuổi. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoài Thu, trở thành góa bụa ở tuổi 21. 12 năm sau. Con gái của trung úy Nguyễn Xuân Long giờ đã là cô học trò lớp 6 Trường cấp II Ngọc Sơn.
Ngôi nhà mà Hà Vy đang ở cùng ông bà ngoại cách thành phố 15km, xung quanh là núi. Hôm chúng tôi đến, Hà Vy đang bị thủy đậu, giữa cái nắng nóng của mùa hè hầm hập phả vào người.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, ông ngoại của Hà Vy, 62 tuổi, nhiệt thành kể về sự hỗ trợ của Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh với lòng cảm kích: "Từ tháng 9-2016, bé được Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh đến tận nhà đặt vấn đề hỗ trợ cho cháu học đến hết cấp III. Trung thu, ngày 1-6, tết..., cháu đều nhận quà từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng".
Ông Hồng cho biết từ lúc Vy học lớp 6, phải đóng học phí và các loại tiền bàn, ghế, quạt, đồ dùng học tập... cũng gần 20 khoản.
Sáu năm qua, Hà Vy đều là học sinh giỏi, xuất sắc. "Hắn có trí nhớ tuyệt vời, nhớ nhanh cực" - ông ngoại Vy tự hào. Rồi ông nhớ lại một lần trời mưa, rét mướt, Vy đạp xe đi học về, buồn hiu nói: "Ông ơi, bữa ni các bạn toàn bố mẹ đưa đi học cả". "Tui nghe mà chảy nước mắt, làm bài thơ đọc cho hắn nghe, hắn khóc" - ông Hồng kể.
Hà Vy cho biết ước mơ sắp tới của em là thi đậu trường chuyên của tỉnh rồi sau thi đại học y. "Em muốn làm bác sĩ, sau này chữa bệnh cứu người" - Hà Vy chia sẻ.
Nghe cháu ngoại nói, ông Hồng cười buồn buồn: "Mới học tới chừng này thì ông bà ngoại còn lo được, chứ lên nữa không biết thế nào. Hiện giờ may có các cô bên Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ, chứ đồng lương của ông bà ngoại có được bao nhiêu đâu".
Nguồn động viên lớn
15 năm trước. Trong một lần làm nhiệm vụ, trung úy chuyên nghiệp Trần Công Chức (nhân viên phòng hậu cần kỹ thuật Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) hi sinh. Năm đó anh 37 tuổi. Khi cha mất, con trai lớn Trần Sơn Nam mới 9 tuổi, con trai út Trần Sơn Việt mới 2 tuổi.
15 năm sau, Sơn Nam giờ đã đi làm, cũng nối nghiệp cha, hiện đang công tác ở Biên phòng tỉnh Quảng Nam. Còn Sơn Việt giờ đã là học sinh lớp 11 chuyên lý Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Ray rứt vì để cậu con trai lớn phải từ bỏ giấc mơ học đại học, dù nhiều lúc khó khăn đến bế tắc, chị Hoa, vợ anh Chức, cố gắng không để cậu con út phải nghỉ học. Chị nói, giọng pha chút tự hào: "Việt có ý thức tự lập và ham học từ nhỏ, rất giỏi toán và lý. Hắn thương bố lắm, mỗi lần đi thi hắn đều thắp nhang báo cho bố".
Chị Hoa cho biết từ học kỳ 1 của năm 2016, Sơn Việt được các cô bên Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ một năm 4,5 triệu đồng.
"Có được sự hỗ trợ của Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh thật sự mình có được nguồn động viên lớn và thấy được an ủi nhiều lắm vì bố cháu đã mất từ lâu nhưng Bộ chỉ huy vẫn nhớ đến, cho mình có cảm giác vẫn luôn được đồng đội của anh quan tâm" - chị Hoa thổ lộ.
Từ năm 2015 đến nay, mô hình "Tiếp lửa yêu thương" có 17 người con được Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu, hằng tháng được hỗ trợ 500.000 đồng, được trích từ quỹ hội, tiền tiết kiệm của cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị.
"Thời gian hỗ trợ từ khi nhận đỡ đầu cho đến khi các cháu học hết cấp III. Các cháu được nhận đỡ đầu không chỉ giữ vững kết quả học tập mà nhiều cháu đã vươn lên đạt học sinh giỏi huyện, tỉnh" - thiếu tá Phạm Trang Nhung, chủ tịch Hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết.
Theo thiếu tá Nhung, mặc dù đời sống một số hội viên còn nhiều khó khăn: nhà, đất chưa có, con còn nhỏ trong khi yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị ngày càng cao nhưng những năm qua, Hội đều có những hoạt động có ý nghĩa, hiệu quả như vậy.
Do điều kiện công tác của cán bộ, chiến sĩ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, gian khổ, vùng sâu vùng xa, nơi rừng thiêng nước độc nên nhiều người đã mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời, để lại gia đình với vợ trẻ con thơ.
"Chúng tôi thấy phải giúp đỡ các cháu để không cháu nào từ bỏ đường tới trường" - bà Nhung nói về "Tiếp lửa yêu thương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận