Tiếp cận bản chuẩn Địa đồ Gia Định hơn 200 năm lưu lạc

PHẠM HOÀNG QUÂN (*) 11/09/2024 09:46 GMT+7

TTCT - Địa đồ "Gia Định tỉnh" do Trần Văn Học soạn vẽ năm 1815 (địa đồ TVH) đã rất được biết đến. Tuy nhiên, các bản lưu hành từ trước tới nay đều là phiên bản không hoàn chỉnh, cho tới rất gần đây.

Địa danh chữ Hán Nôm ghi trên các bản đồ phiên bản tối đa chỉ 32 nơi, và nhiều sai sót. Vài năm trước, may mắn thay, Bảo tàng TP.HCM sưu tập được từ nguồn tư nhân bức địa đồ cùng tên, nội dung vượt xa các bản đã biết. 

Tôi nhận định bức địa đồ này chín phần là địa đồ Gia Định do Trần Văn Học thực hiện, có thể là bản gốc, nên học giới có thể lấy làm bản chuẩn trong những nghiên cứu sắp tới.

Tiếp cận bản chuẩn Địa đồ Gia Định hơn 200 năm lưu lạc - Ảnh 1.

Một ảnh chụp địa đồ TVH bản chuẩn, xoay ngược để dễ so sánh với các bản đồ quân sự Pháp. Ảnh: TƯ LIỆU PHQ

Các phiên bản

Trước khi bức địa đồ của Bảo tàng TP.HCM xuất hiện, địa đồ Gia Định tỉnh cơ bản có một số bản như sau:

1. Bản Nguyễn Đình Đầu 1987. Tuy không phải xuất hiện sớm, nhưng được phổ biến rộng là bản đồ hỗn hợp địa danh tiếng Việt, in trong Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1-Lịch sử (1987, tr.229). 

Tạm gọi đây là Bản đồ hỗn hợp 1987 vì địa danh ghi trên đó vốn không phải chuyển dịch địa danh chữ Hán Nôm từ địa đồ TVH gốc, mà thâu thập địa danh chữ Latin từ Trương Vĩnh Ký và nhiều nguồn khác, có nhiều địa danh hành chánh không phù hợp.

Nhìn chung, bản đồ này dựa trên phiên bản thiếu sót, rồi được thêm thắt theo mục đích riêng và rất chủ quan. 

Bản đồ hỗn hợp 1987 do đó chỉ có thể giúp tìm hiểu đại cương về địa danh, địa điểm ở địa bàn Sài Gòn thời Minh Mạng, chứ không thể hiện quan điểm của Trần Văn Học, không thể là nguồn tham cảo tin cậy về bối cảnh Sài Gòn năm 1815, do đó khó thể trích dẫn nếu đi sâu vào lãnh vực bản đồ học.

2. Bản đồ Gia Định tỉnh do Louis Malleret dẫn, 1935-1936. Sớm thấy trong nghiên cứu có thể dẫn trường hợp Louis Malleret, qua công trình Elements d'une Monographie des anciennes fortifications et Citadelles de Saigon (Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, no. 4, 10-11/1935); và Les Anciennes Fortifications et Citadelles de Saigon (1674-1859) (Các thành cổ và công sự cũ ở Sài Gòn 1674-1859, Nhà in Nguyễn Văn Của, Sài Gòn, 1936).

Qua hai lần xuất bản về cùng chủ đề thành cổ và công sự cũ ở Sài Gòn, Malleret đã chụp in bản đồ Gia Định tỉnh từ nguồn Hội Nghiên cứu Đông Dương (BSEI). 

Bản đồ này địa danh chữ Hán-Nôm, không có lạc khoản (chữ Hán), chưa rõ ông dựa vào đâu để ghi chú (tiếng Pháp) thời điểm soạn vẽ. Bản đồ cũng ghi đúng tên tác giả Trần Văn Học, và thời điểm soạn vẽ mùng 4 tháng 12 năm Gia Long thứ 14 (1815), ghi chú không ghi kích thước địa đồ.

Đây là bức địa đồ được sao chép (tạm gọi Phiên bản 1), đã bị cắt mất phần phía Đông (sông Sài Gòn, và bờ đông sông); không ghi địa danh, địa điểm nhiều nơi ở phía Bắc (lăng Bá Đa Lộc, lăng Duệ Tông, Hanh Thông xã, chợ Bến Cát…), và phía Tây (Gò Bình Hưng, Rạch Lao), đây cũng là tình trạng chung của các phiên bản.

Địa danh và địa điểm, ngoài mất đi do địa đồ bị cắt, phần còn lại cũng ghi thiếu rất nhiều, chỉ còn lại 32 địa danh (bằng 1/3 so với bản Bảo tàng TP.HCM).

Địa danh Nôm cũng viết sai và thiếu nhiều chỗ. Chẳng hạn địa danh Gò Bàu Tròn và Gò Tân Định, với chữ Gò viết sai tự dạng (bộ thổ sai ra bộ ngọc, nhiều phiên bản sai cùng lỗi này). 

Hai bên địa điểm "Trường Súng" thiếu 2 vị trí có ký chú "Mô súng đại bác" và "Mô súng cối" (các phiên bản đều không thể hiện và ký chú 2 vị trí này), thiếu sót này ảnh hưởng rất lớn đến tính hệ thống trong việc mô tả trận địa phòng thủ hay diễn tập mà Trần Văn Học lưu ý. 

Đồn Rạch Bàng, Đồn Cá Trê trên các phiên bản đều chỉ vẽ ký hiệu mà không ghi tên. Những thiếu sót này trên địa đồ phiên bản hẳn sẽ hạn chế lớn việc phân tích của công trình Malleret.

3. Bản Thái Văn Kiểm 1962. Năm 1962, học giả Thái Văn Kiểm cho xuất bản chuyên khảo "Interpretation d'une carte ancienne de Saigon" trên Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises, n.s., 37, no. 4 (1962). 

Phiên bản này, tạm gọi Phiên bản 2, ghi kích thước 27,3 x 38cm, cũng là bản sao chép không hoàn chỉnh, giống với bản Malleret. Đây là khảo cứu sát sườn bản đồ Gia Định tỉnh nhất, liệt kê riêng bảng địa danh đối chiếu (tên phiên âm tiếng Việt - sắp chữ tên gốc Nôm - nghĩa tiếng Pháp, tr.409-410). 

Có chỗ lấn cấn là trên địa đồ minh họa đếm thấy tổng cộng 33 địa danh (kể cả tiêu đề "Gia Định tỉnh"), nhưng bảng liệt kê kèm theo lại ghi 36 địa danh (Rạch Bến Chùa, Rạch Bến Chiếu, Rạch Bần không có viết tên Nôm trên địa đồ).

Tiếp cận bản chuẩn Địa đồ Gia Định hơn 200 năm lưu lạc - Ảnh 2.

Địa đồ Gia Định 1815 trong khảo cứu của Thái Văn Kiểm. Ảnh: TƯ LIỆU PHQ

Tiếp cận bản chuẩn Địa đồ Gia Định hơn 200 năm lưu lạc - Ảnh 3.

Bản đồ Gia Định Whitmore, trang 502, trích từ The History of Cartography- Volume 2, Book 2, Chapter 12. Ảnh: TƯ LIỆU PHQ

Sự so le giữa địa đồ minh họa với bảng địa danh đối chiếu cũng là một nghi vấn trong việc sử dụng các nguồn tư liệu trong khảo cứu của Thái Văn Kiểm. Bảng đối chiếu còn có vài địa danh sắp chữ hay ký âm sai, như "Ngả tắt Mụ Chiểu" (tức Bà Chiểu), sai là "Ngả tắt Mụ Trị", do chữ Chiểu (沼) với chữ Trị (治) có tự hình gần giống, nên nhận lầm.

4. Bản J. K. Whitmore 1994 (dẫn lại từ Thái Văn Kiểm 1962). Kinh viện hơn, ta thấy Whitmore trong sách Lịch sử bản đồ học (1994) có dẫn hình ảnh và phân tích về bản đồ Gia Định tỉnh (The History of Cartography, Volume 2, Book 2, Chapter 12: Cartography in Vietnam. The University of Chicago Press, Chicago & London, 1994). Whitmore ghi chú dẫn bản đồ từ Thái Văn Kiểm (tạm gọi Phiên bản 2 bis).

Ở góc độ nghiên cứu bản đồ học, Whitmore nhận ra địa đồ TVH đánh dấu bước chuyển biến về nhận thức và kỹ thuật. Ông đọc được trên đó rằng "Các con đường lớn nhỏ và thành lũy có vẻ như rất chính xác, cùng những tòa nhà và ao hồ được thể hiện bằng ký hiệu đường viền quanh". 

Nhận định này dựa trên trực quan, Whitmore nhận thấy sự hợp lý về độ dài ngắn các cung đường trên tổng thể, hay cách dùng ký hiệu hình học để biểu thị nhà cửa phố xá (khác hẳn các địa đồ trước thường ước lệ và dùng ký hiệu tượng hình).

Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật vẽ bản đồ, các phiên bản đã bỏ sót một chi tiết rất quan trọng, là thước tỉ lệ, vốn được thể hiện trên bản chuẩn, tuy đã mất một đoạn, do nền giấy hư hủy, nhưng căn cứ kích thước địa đồ có thể suy ra được. 

Nếu như Whitmore khảo sát đúng bản chuẩn, có lẽ sẽ đánh giá cao hơn nữa đối với địa đồ TVH, có lẽ là bức địa đồ Việt Nam đầu tiên áp dụng tỉ lệ xích theo quy cách địa đồ Tây phương.

Tóm lại, các phiên bản kể trên, được sử dụng trong nghiên cứu từ 1935 đến 1994, đều là những bản không toàn vẹn, đã được phổ biến rộng khắp.

Bản chuẩn mới xuất hiện

Địa đồ hiện lưu tại Bảo tàng TP.HCM. Tiêu đề ghi "嘉定省" (Gia Định tỉnh), và dòng lạc khoản: "嘉隆十四年十二月初四日正監城欽奉掌奇臣陳文學奉畫地圖" (Gia Long thập tứ niên, thập nhị nguyệt, sơ tứ nhựt, Chánh giám thành Khâm phụng Chưởng cơ, thần Trần Văn Học phụng họa địa đồ) [Chánh giám thành, Chưởng cơ Trần Văn Học vâng mạng soạn vẽ địa đồ. Ngày mùng 4 tháng 12 năm Gia Long thứ 14 (1815)].

Trong những phiên bản lưu hành trong học giới trước nay, chỉ thấy bản này đặc biệt ghi rõ lạc khoản, với thời điểm soạn vẽ và tên tác giả. Địa đồ có kích thước 50 x 31,5cm, trên Nam dưới Bắc, địa danh chữ Hán-Nôm, trên nền giấy.

Có thể tin đây là bản chuẩn. Tuy tiêu đề ghi Gia Định tỉnh (đúng ra phải viết "Gia Định trấn", vì năm 1815 chưa lập tỉnh Gia Định), ba chữ "嘉定省" là do người sau thêm vô, so sánh 3 chữ này với dòng lạc khoản, thấy bút pháp khác nhau xa, 3 chữ "嘉定省" sắc sảo mà hoa mỹ, gần như mẫu chữ in, khả năng do tay bút lão luyện viết ra; còn dòng lạc khoản, có thể do Trần Văn Học viết, nét chữ với bút pháp cứng cỏi, không quá khuôn thước, đúng kiểu thư lại hành chính. 

Có thể 3 chữ "Gia Định tỉnh" là do nhân viên ở sử quán viết thêm vào sau năm 1832, lúc đã lập tỉnh Gia Định. Có điểm cần lưu ý là, trên bản chuẩn này, tiêu đề và lạc khoản viết ngược 180 độ so với hệ thống địa danh, tức để đọc địa danh thì phải xoay ngược địa đồ.

Một lý do khác, để có thể hiểu vì sao Trần Văn Học không thể là người đề lên địa đồ 3 chữ "Gia Định trấn" hay "Gia Định tỉnh" là ông đương thời theo "Tây học", chắc hẳn nắm rõ địa bàn thể hiện trên địa đồ. Với phạm vi này, có thể hiểu đại khái ngày nay là "bản đồ nội thành Gia Định và phụ cận", chứ không thể là địa đồ cả tỉnh hay trấn Gia Định được.

Địa đồ TVH có hơn 90 địa danh, địa điểm, cho thêm rất nhiều thông tin, có thể cung cấp nhiều dữ liệu tốt trong nghiên cứu nhiều lãnh vực. 

Với cá nhân tôi, tôi rất bất ngờ do trước đây cứ nghĩ J. L. Taberd là người đầu tiên ghi nhận địa điểm Holăng (Lăng Cha Cả), nay mới biết té ra Trần Văn Học đã vẽ rõ khuôn viên lăng và ký chú "Thiếu phó quan lăng", kế bên là khu lăng lớn hơn của Duệ Tông (Cựu Thượng hoàng lăng), ở phía bắc xã Hanh Thông (địa đồ chỉ ghi "Hanh Thông").

Một ví dụ khác: Trước đây nghiên cứu về đường Thiên lý Bắc Nam, tôi tham khảo nhiều nguồn mới biết con đường Bình Quới, giờ thấy địa đồ này vẽ rõ con đường, lại ký chú đủ địa điểm 3 nơi "Đò Đồng Cháy", "Rạch Đồng Cháy" và "Đồng Cháy quán". 

Hay rất thú vị với tên "Ngả Tắt Lò Giấy", một tên rạch đã mất hẳn chưa thấy địa bạ hay sử chí nào nói đến, ứng với đoạn sông Bến Cát - Vàm Thuật khoảng chảy qua chỗ cầu Băng Ky. Từ đó có thể suy đoán nơi này trước đây 200 năm từng có xóm nghề làm giấy nổi tiếng đến độ thành địa danh con rạch.

Tiếp cận bản chuẩn Địa đồ Gia Định hơn 200 năm lưu lạc - Ảnh 4.

Địa đồ “Gia Định tỉnh” do L. Malleret dẫn (1935 & 1936). Ảnh: Tư LIệU PHQ

Về lịch sử hình thành các khu thị tứ, địa đồ này ghi tên "Thủ Thiêm thị" ngay bên bờ đông sông Sài Gòn (đối ngạn góc đường Tôn Đức Thắng), chợ này nằm giữa hai con rạch nhỏ, với ký hiệu hình học biểu thị nhiều khu nhà dọc bờ sông lớn về phía nam; và chợ Bến Cát (nay khoảng cuối đường Nguyễn Thái Sơn, gần bến đò Miếu Nổi) với ký hiệu nhà phố đăng đối liên tiếp và tản mát hai bên bờ rạch. 

Địa đồ lại không ghi địa danh Gò Vấp, chứng tỏ chợ Bến Cát sầm uất gần sông hình thành trước chợ Gò Vấp bên đường bộ; những khu chợ Thủ Thiêm, Bến Cát trên địa đồ cho thấy diện mạo một đặc trưng của thành phố khởi đầu gắn với địa hình sông nước.

Địa lý môi trường và cảnh quan qua địa đồ TVH thật sinh động với sự thể hiện toàn vẹn khúc sông Sài Gòn ôm vòng phía đông thành Gia Định. 

Thời điểm Trần Văn Học vẽ địa đồ, bên kia bến đò Đồng Cháy (Bình Quới) là địa bàn trấn Biên Hòa, việc diễn tả tổng thể phương diện hành chánh và quân sự địa bàn trung tâm trấn Gia Định không thể thiếu yếu tố giao thông, tức con đường cái quan huyết mạch về phía bắc, cho nên sông Sài Gòn cùng với bán đảo Thanh Đa là một bộ phận không thể tách rời. 

Lạ thay, các phiên bản lại cắt mất không gian ấy. Vụ cắt xén này, nói vui một chút thì mấy tay làm phiên bản chỉ vì hà tiện một tấc giấy mà làm sai lệch ý đồ khái quát hóa rất hoàn chỉnh của Trần Văn Học.

Ai từng coi qua nhiều bản đồ do bộ phận do thám và quân đội Pháp thực hiện trong giai đoạn dòm ngó và tấn công thành Gia Định (1858-1861) sẽ thấy, về hiện trạng địa lý, nhiều bản đồ họ vẽ đều căn cứ nền địa đồ TVH, chỉ khác là thêm nhiều chi tiết về các địa điểm quân sự, và lược bớt nhiều yếu tố tự nhiên cùng các đối tượng thể hiện hình thái kinh tế. 

Với mục đích quân sự, gắn liền với giao thông, các bản đồ Gia Định qua sự diễn tả của quân đội Pháp luôn thể hiện toàn vẹn khúc sông ôm vòng bán đảo Thanh Đa, với con đường bộ đi Biên Hòa.

Với địa đồ TVH bản chuẩn này, chúng ta thấy rõ được chân tích của một địa đồ quan trọng bậc nhứt trong lịch sử hình thành một thành phố tươi đẹp, ứng dụng khai thác nó cho điều mới mẻ và điều chỉnh những thiếu sót hoặc sai lầm trong những nghiên cứu trong 200 năm qua. ■

(*) Tác giả trân trọng cám ơn tiến sĩ Lương Chánh Tòng, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và Bảo tàng TP.HCM đã chia sẻ bản chụp với chất lượng khá tốt bức địa đồ TVH bản chuẩn, để viết bài này.

Trần Văn Học (không rõ năm sinh năm mất) là người Gia Định. Khi Nguyễn Phúc Ánh ở thành Gia Định, ông theo giám mục Bá Đa Lộc đến yết kiến chúa Nguyễn.

Năm 1790, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho xây thành Gia Định (thành Bát Quái), ông Học được giao việc "phác họa đường sá và phân khu phố phường" trong thành. Tuy bố trí theo phương Tây, nhưng thành lại có 8 cạnh ứng với 8 quẻ của kinh dịch phương Đông. Ngoài phần xây cất thành lũy chủ yếu phục vụ yêu cầu quân sự, Trần Văn Học còn chịu trách nhiệm quy hoạch phố thị nằm ngoài thành lũy.

Các trục đường do ông vẽ nay vẫn là những trục lộ chính của thành phố hiện đại, đi miền Trung, miền Tây và Campuchia. Phố xá, khu nhà ở, khu buôn bán sắp đặt uyển chuyển theo hệ thống sông nước vùng Sài Gòn đều có dấu ấn quy hoạch của ông.

Là người theo Tây học từ sớm, ngoài vẽ bản đồ và quy hoạch đô thị kiểu hiện đại, ông Học còn học cách đóng tàu theo kiểu mới của người Pháp. Năm 1802, nhà Tây Sơn sụp đổ, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803, ông Học được thăng chức cai cơ, rồi thêm chức Giám thành sứ Khâm sai Chưởng cơ, một chức lớn trong hàng tướng lãnh thời bấy giờ.

Năm Minh Mạng thứ hai (1821), vua sai ông Học vẽ bản đồ núi sông, đường sá các trấn ở thành Gia Định cho đến địa giới Chân Lạp. Lúc đó, ông Học đã già, nên vua dụ rằng: "Ngươi cũng không sống được mấy ngày nữa, há chẳng nghĩ đến việc lưu danh hậu thế sao?". Không bao lâu sau thì ông mất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận