10/01/2013 07:11 GMT+7

Tiếng Vịt

● HOÀNG THIẾU PHỦ 
● HOÀNG THIẾU PHỦ 

TTC - Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.

Nguyễn Văn Vĩnh

4Sp8Q7ra.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Long Ẩn là một nhà ngữ học nghiệp dư, ông đang nghiên cứu đề tài Cuộc tiến hóa ngoạn mục của tiếng Việt qua các thời kỳ lịch sử. Bàn làm việc của ông chất đầy tác phẩm của các bậc danh gia tiền bối như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Petrus Ký, Huỳnh Tịnh Của… Ngoài ra còn có những quyển sách công cụ như Từ điển Tiếng Việt, từ điển tầm nguyên, Luật hỏi ngã… Ông có cô con gái tên là Mĩ Ngọc hiện đang công tác tại một tờ báo mạng dành cho tuổi mới lớn. Một hôm Mĩ Ngọc góp ý với bố: “Con thấy bố hơi bị mất sức về mấy cái tài liệu cũ kỹ từ đầu thế kỷ mà không để ý rằng tiếng Việt bây giờ đang có những biến đổi lớn”. Ông Ẩn trợn mắt hỏi: “Biến đổi như thế nào?”.

- Hiện nay trên điện thoại di động hay các thư điện tử từ nước ngoài và nhất là trong ngôn ngữ chat chit của đám tuổi teen phần lớn đều dùng tiếng Việt không dấu. Không bao lâu nữa, ai cũng quen đọc và viết tiếng Việt không dấu thì cái luật hỏi ngã kia có còn cần thiết nữa chăng?

- Sao không? Nếu viết không có dấu thì tên của bố là Long Ẩn có thể bị đọc thành Long An; tên con là Mĩ Ngọc sẽ thành Mi Ngốc; phụ nữ đảm đang thành phụ nữ dâm đãng…

- Ai muốn đọc sao thì đọc nhưng những người cần đọc đúng vẫn có thể hiểu và đọc đúng. Hơn nữa nếu đi sâu vào ngôn ngữ mạng, bố sẽ thấy rằng ngoài tiếng Việt truyền thống còn có một hệ tiếng Việt mới đang phát triển khá mạnh. Bố nên thâm nhập vào các trang web để thấy rằng ngoài bầu trời này còn những bầu trời khác.

Rồi Mĩ Ngọc ghi cho bố một loạt các địa chỉ web để tham khảo. Cô còn dặn: “Có gì thắc mắc, bố có thể hỏi bọn con Ly, thằng Lu - tụi nó cũng rành lắm”.

Ông Ẩn tuy hơi cũ nhưng không đến nỗi mù vi tính. Ông mày mò sục sạo vào các trang web mà Mĩ Ngọc giới thiệu. Quả nhiên có nhiều cái mới. Ví dụ: “Ngoì pùn hok bjk lèm ji”… Hoặc: “Hum ni la 14-2 dey pa con a, đư pợn na dwc twng hoa kua?” Ông kêu thằng Lu - con trai út đang học lớp 8 - nhờ dịch giùm. Nó đọc rất dễ dàng: “Ngồi buồn không biết làm gì”. “Hôm nay là 14-2 đấy bà con ạ. Đã bạn nào được tặng hoa chưa?” Rồi nó hạ luôn một câu: “Có thế mà bố cũng không đọc được!”.

Có lần, ông bắt gặp một cái như sau:

***]`])iF_µ`/vµº][“….!!!

(º” ][†|µ][(¬? ])]F_µ` †† |Cl† §µ ]<º ††|F_? 3]F_†” †Pvµº(” ])(. 3º]~ (Cl]” v]F_][~ (Cl][† |?

Thằng Lu nhìn vào rồi lắc đầu: “Cái này thì con cũng pó tay rùi. Bố thử hỏi chị Ly coi”.

Con Ly giải thích: “Đây là tiếng Việt trình độ nâng cao. Phải có khóa mới giãi mã được. Ví dụ: A=Cl;B=3;C=. Nhưng thui, bố mà lủi vô đây riết rồi khùng luôn đó”.

Ông Ẩn hoang mang suy nghĩ: Đến tiếng Việt mà cũng phải phiên dịch. Không hiểu đối với các ngoại ngữ thì sao nhỉ? Bèn sục vào một trang web có tên là Truyện Hay.com thì bắt gặp một đoạn dịch truyện kiếm hiệp từ tiếng Hoa ra tiếng Việt như sau: “Lưu huyền đức tức giận đến oa oa kì quái kêu, [kén|chọn|xoay] khởi đại phủ, từ trên xuống dưới chém một không để yên. Đừng xem người khác cao ngựa đại, động tác một chút cũng không chậm, một chút cũng không ngốc. Tiểu Ngưu gia tăng trứ mười hai phân cẩn thận, sợ bị hắn cấp cho chạm trứ. Từ Tiểu Ngưu tại Lao Sơn chuyên tâm luyện qua sau khi, công phu đã đột nhiên tăng mạnh, tầm thường đích cao thủ như thế nào sẽ là đối thủ của hắn ba?”. Ông Ẩn than thầm: Giả sử những bộ truyện kiếm hiệp như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ… mà đưa cho dịch giả này dịch ra tiếng Việt thì Kim Dung tiên sinh phải khóc thét.

Lại tò mò muốn biết trình độ dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh, bèn sử dụng trình duyệt Google Translate thử dịch một câu: “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ xương”. Câu này được nhà mạng dịch ngay ra tiếng Anh như sau: “Bell thien mu, chicken soup bone life”. Ông Ẩn nực cười nhớ lại cách đây không lâu, cái món “canh gà Thọ Xương” này đã làm một cô giáo có bằng thạc sĩ 10/10 của trường Lomonoxov phải một phen đau khổ.Té ra đâu phải chỉ mình cô. Cả đến cái phần mềm thông minh của Google cũng đã khiến người ta hiểu tiếng Việt như vậy.

Đúng như con gái ông đã nói: “Tiếng Việt đang có những biến đổi lớn”. Ông nghĩ thầm: kiểu này thì công trình nghiên cứu của mình phải làm lại theo hướng khác rồi. Thay vì nói “Cuộc tiến hóa ngoạn mục của tiếng Việt”, ông sửa tên của luận đề là: Quá trình biến thái từ TIẾNG VIỆT qua TIẾNG VỊT.

5jY0yT8j.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 467ra ngày 01/01/2013 iện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

● HOÀNG THIẾU PHỦ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên